Theo đó, các quốc gia châu Âu này được gọi là một nền “đế chế” trong Liên minh châu Âu. Theo ghi nhận, Hy Lạp đang trong mùa du lịch, nhưng không có đủ nhân viên. Điều này do thực tế là nhiều người Hy Lạp đã quyết định đào tạo lại bản thân. Ngoài ra, những người trẻ tuổi không hài lòng với mức lương trong nước và không gắn kết tương lai của họ với đất nước.
“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy những người làm việc theo mùa trong lĩnh vực du lịch phải đào tạo lại cho các chuyên ngành khác. Giờ đây, số người muốn làm việc trong quán cà phê hoặc khách sạn ít hơn nhiều lần”, Tatiana - một cư dân của Corfu (Hy Lạp) cho biết.
Quốc gia nào ở châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất? (Ảnh: Unsplash) |
Bà lưu ý rằng, người dân Hy Lạp không hài lòng với tình trạng thất nghiệp cũng như mức tăng giá sinh hoạt. Giá điện, gas, xăng dầu và hàng tạp hóa đang tăng mạnh trong nước.
Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, có vấn đề với các vị trí tuyển dụng liên quan đến các chuyên ngành có trình độ cao. Đồng thời, không giống như người Hy Lạp, người Tây Ban Nha không tìm cách di chuyển đến các nước khác, mà thường di chuyển trong nội bộ của họ: “người Tây Ban Nha phía nam đi lên phía bắc, người phía bắc đi về phía nam”.
Juan, một cư dân của Madrid cho hay, các nhà chức trách đang cố gắng giải quyết vấn đề thất nghiệp.
Aleksey Kuznetsov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Đối ngoại (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng tình trạng thất nghiệp ở Tây Ban Nha và Hy Lạp được giải thích bởi cơ cấu kinh tế.
“Ví dụ, ở Tây Ban Nha, trong một thời gian dài, vấn đề việc làm được giải quyết bằng cách thổi phồng lĩnh vực xây dựng và du lịch. Điều này đã dẫn đến việc tạo ra các công việc có kỹ năng thấp. Cách tiếp cận này không thể phát triển nền kinh tế vô thời hạn và khi có điều gì đó xảy ra, tỷ lệ sa thải nhân viên ngay lập tức tăng lên”, ông Kuznetsov nói.
Trong khi, ở Hy Lạp, theo ông Kuznetsov, mọi người không có động lực để tìm công việc. Đây sẽ là lúc trợ cấp thất nghiệp phát huy tác dụng.
Trước đó, theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tình hình phục hồi việc làm của thanh niên đang diễn ra chậm chạp, trong đó xác nhận rằng đại dịch Covid-19 đã gây hại cho thanh niên nhiều hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Theo ILO, tổng số thanh niên thất nghiệp trên toàn thế giới dự kiến sẽ còn 73 triệu người vào năm 2022, giảm 2 triệu người so với năm trước. Con số này thể hiện sự cải thiện một chút so với năm 2021 (75 triệu người), nhưng vẫn cao hơn 6 triệu người so với mức của năm 2019, trước đại dịch Covid-19.
Báo cáo của ILO cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa các khu vực về triển vọng của những người trẻ tuổi trên thị trường lao động. Ở châu Âu và Trung Á, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến là 16,4%, nhưng ILO đánh giá những cú sốc thực tế và tiềm ẩn từ cuộc chiến ở Ukraine có khả năng ảnh hưởng đến kết quả này.
Tổng cộng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu dự báo sẽ ở mức 14,9% vào năm 2022. Để giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở thanh niên, ILO đang tập trung vào “các nền kinh tế xanh và xanh dương (tài nguyên đại dương bền vững)”.
Thanh Bình (lược dịch)