Chả rươi được làm theo phương thức đặc biệt của người Hải Dương có thể “chinh phục" cả những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị béo ngậy, ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà, mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn tạo nên hương vị rất khó quên.
Về Tứ Kỳ - Hải Dương mà không thưởng thức những món rươi ở đây thì quả thực là điều tiếc nuối. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món được yêu thích nhất ở vùng quê này và nổi tiếng khắp cả nước.
Bánh đậu xanh có thể nói là đặc sản nổi tiếng nhất của Hải Dương. Đến Hải Dương ai cũng một lần thưởng thức đặc sản bánh đậu xanh và mang về làm quà cho người thân. Bánh được làm từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Cái độc đáo, hấp dẫn của bánh nằm ở những công đoạn vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người chế biến.
Bánh lòng Kinh Môn, Hải Dương có vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Để làm ra những khuôn bánh lòng thơm ngon, người làm bánh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và khó mà thành công được nếu chỉ có một hai người tham gia.
Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc, Hải Dương. Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo. Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải vào bậc nghệ nhân.
Mặc dù công thức làm bánh gai không quá cầu kỳ nhưng để làm ra chiếc bánh ngon phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ trộn, phân chia nguyên liệu, chọn nếp, chọn lá gai, thời gian hấp bánh... Chọn kỹ những thành phần ngon nhất thì khi bánh chín sẽ dẻo dai, mềm mại, thơm ngon khiến bao thực khách phải ngỡ ngàng.
Từ những nguyên liệu giản dị như gạo, đường, đậu phộng, dừa... có thể làm nên một món đặc sản không thể không mua khi đến Hải Dương. Bánh đa gấc gia truyền có màu vàng óng, ngày nay được cho thêm gấc vào nên có màu đỏ au bắt mắt. Bánh có vị bùi của gạo xen lẫn với mùi thơm của vừng, dừa nên cực kỳ kích thích.
Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Vải thiều hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày mọng nước.
Theo Dân Việt