Quay sang ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những gì?

Huyền Chi| 30/06/2022 11:33

Thổ Nhĩ Kỳ đã đổi ý, ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt sự bất đồng kéo dài nhiều tuần lễ trong nội bộ của khối đồng minh này.

Thổ Nhĩ Kỳ coi thỏa thuận mới đạt được với Phần Lan và Thụy Điển như một chiến thắng (Ảnh: Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ coi thỏa thuận mới đạt được với Phần Lan và Thụy Điển như một chiến thắng (Ảnh: Reuters)

Bước đột phá đã được trong hôm thứ Ba tuần này, sau cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ đồng hồ, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, và tạo điều kiện cho 30 nhà lãnh đạo đến từ các nước thành viên của khối thể hiện sự đoàn kết chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuyên bố về thỏa thuận này cũng củng cố thêm cho sự thay đổi lớn nhất về an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, bởi Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ sự trung lập mà họ đã theo đuổi trong suốt nhiều thập kỷ để xin gia nhập NATO.

Tại sao ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nước đồng minh trong NATO bất ngờ khi phản đối nỗ lực gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển. Ankara yêu cầu 2 nước Bắc Âu này ngừng ủng hộ các nhóm vũ trang người Kurd, như PKK, và gỡ bỏ lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng nêu quan ngại rằng Thụy Điển đang cung cấp nơi ẩn náu cho các thành viên của PKK, điều này bị Stockholm bác bỏ.

Được biết NATO vận hành theo cơ chế đồng thuận, tức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có đủ quyền để chặn đường gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển, trừ khi các yêu cầu của ông đối với 2 nước này được đáp ứng.

PKK là gì?

PKK, tổ chức bị liệt vào danh sách “khủng bố” của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đã chiến đấu chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và PKK, trong đó các nhánh của PKK đã thực hiện vô số cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh, quân đội và thường dân, trong khi chính phủ thực hiện nhiều chiến dịch ở Đông Nam để loại bỏ PKK.

Thổ Nhĩ Kỳ coi bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với lực lượng YPG của Syria – được họ xem là một nhánh của PKK – là không khác gì ủng hộ PKK. Lực lượng YPG nhận được sự ủng hộ của nhiều nước phương Tây trong khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một số chiến dịch quân sự ở cả Syria và Iraq trong vòng vài năm qua, với mục tiêu chính là PKK và YPG.

NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận gì?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay các điều khoản của thỏa thuận liên quan tới việc Thụy Điển phải tăng cường công tác dẫn độ những kẻ bị tình nghi là chiến binh của PKK về Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm nữa, Thụy Điển và Phần Lan phải sửa đổi luật trong nước để áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với những chiến binh này.

Ông Stoltenberg cũng nói rằng, Thụy Điển và Phần Lan sẽ gỡ bớt các biện pháp hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara xem thỏa thuận đạt được này như một chiến thắng đối với họ. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã “có được thứ họ muốn” từ thỏa thuận này, và rằng nó đồng nghĩa với việc NATO “hợp tác đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PKK và các nhánh của nó,” bao gồm cả YPG.

Phần Lan và Thụy Điển cũng nhất trí “không áp lệnh cấm vận trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ra “các bước đi vững chắc trong công tác dẫn độ những kẻ tội phạm khủng bố.”

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay, yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ không bao gồm đề nghị Mỹ bán cho họ chiến đấu cơ F-16. Mỹ trước đó đã chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ F-35, sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2017.

Theo Al Jazeera

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quay sang ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO