"Một thành phố không có các di tích giống như gương mặt không có nếp nhăn, và như con người không ký ức. Điều đó khiến người ta nhớ đến ma-nơ-canh được trưng bày trong các tủ kính, không suy tư, không ký ức và trơ bóng", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, người theo đuổi nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn và phát triển đô thị viết trong cuốn sách Đô thị - Những vấn đề tiếp nối.
Nhìn nhận này của ông Nguyễn Minh Hòa xuất phát từ nuối tiếc trước sự vơi dần các công trình đô thị qua năm tháng tại TPHCM, cũng như tình cảm gắn bó sâu đậm của vị chuyên gia sau hơn 50 năm sống, làm việc tại vùng đất này.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, thành phố nào cũng phải phát triển, mở rộng, và hiện đại hơn. Nhiều công trình xưa có thể phải bị phá bỏ, cải tạo, hoặc thay thế, nhưng trên tất cả, đó là thái độ con người đối với lịch sử. Khi biết nâng niu, con người sẽ tìm ra giải pháp ít tổn thất nhất.
Đó cũng là trăn trở của chính quyền TPHCM và Hội đồng chuyên gia cố vấn khi tham gia vào quá trình nghiên cứu phương án phục dựng tượng đài Trần Nguyên Hãn, tái lập đảo giao thông Quách Thị Trang, vòng xoay Cây Liễu… sau một thập kỷ di dời để xây dựng ga ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên.
TPHCM bắt đầu đô thị hóa từ năm 1990. Sau 20 năm phát triển lan tỏa ra ngoại thành, nâng cấp, chỉnh trang các quận nội thành, hạ tầng kỹ thuật lẫn không gian đô thị, thành phố thay đổi mạnh mẽ. Đổi lại, nơi đây lại phai dần không gian kiến trúc truyền thống từng tồn tại hơn 150 năm trong chiều dài 300 năm lịch sử.
Theo ghi chép ở nhiều tư liệu, khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được người Pháp xây dựng song song với chợ Bến Thành, nơi quy tụ 7 con đường chính khu trung tâm là Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Giai đoạn 1916-1929, quảng trường được thành lập lấy tên Eugène Cuniac - tên vị thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố. Tuy nhiên, người dân quen gọi là bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché).
Năm 1955 chính quyền Bảo Đại đổi tên khu vực này thành quảng trường (hay bùng binh công viên) Diên Hồng. Đến năm 1975, nơi đây được đặt tên là Công trường Quách Thị Trang để tôn vinh nữ liệt sĩ sau cái chết gây xúc động lớn trong cuộc biểu tình phản đối thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, vòng xoay này còn là đảo giao thông, có thể phân luồng lưu thông đô thị khi dân số của thành phố chỉ 2-3 triệu người (theo Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu). Còn hiện nay, khi số dân TPHCM vượt hơn 10 triệu, thiết kế này được giới chuyên môn đánh giá không còn phù hợp.
Trước Công trường Quách Thị Trang là chợ Bến Thành - địa điểm giao thương sầm uất do nhà thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 và đến tháng 3/1914 thì hoàn tất.
Theo cố nhà văn, nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang viết trong cuốn Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ, chợ Bến Thành hơn một thế kỷ trước được lập nên ở bờ sông Bến Nghé, cận thành Gia Định. "Nơi phố xá trù mật, chợ dọc theo bến sông. Bến đò ngang đón chở khách buôn ngoài sông biển vào bờ. Đầu phía bắc là rạch Sa Ngư có cầu ván bắt ngang. Hai bên phố ngói, tụ tập cả trăm thứ hàng hóa. Dọc theo bờ sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu san sát".
Cũng trong tư liệu này, tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang cho biết lúc đầu, phố chợ Bến Thành nằm ở phía đông huyện Bình Dương, đây là một huyện thuộc Gia Định. Vì chợ trải dọc theo bến sông trước thành Phiên An (thuộc Gia Định) nên gọi là chợ Bến Thành. Nghĩa là chợ ở bến sông bên thành Gia Định. Đến thời Pháp chiếm Gia Định, chợ dời đến Kinh Lấp, ở quãng giữa Nguyễn Huệ (nay là trường Đại học Ngân Hàng).
Đầu thế kỷ 20, sau khi ngôi chợ bị thiêu rụi và dời vào đường Kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ ngày nay), chợ tiếp tục được dời đi để người Pháp lấp con kênh, làm đường lớn chạy từ mé sông đến trụ sở UBND TPHCM ngày nay.
Khi Pháp có dự án chỉnh trang mở rộng đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn, chợ Bến Thành tiếp tục được dời từ đường Kinh Lấp - Nguyễn Huệ về khu bùng binh giữa các trục Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Lê Lai - Lê Lợi - Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn. Năm 1970, chính quyền cũ muốn xây lại chợ Bến Thành theo đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng. Tuy nhiên, 2 năm sau, dự định này bị gác lại vì không đủ tài chính thực hiện (gần 2 tỷ đồng - thời giá).
Tháng 9/2022, những rào chắn cuối cùng của công trình metro trước cổng chợ Bến Thành được gỡ bỏ, đến nay vừa tròn 10 năm kể từ khi tượng đài Trần Nguyên Hãn được di dời và sau 7 năm, ngày tháo dỡ vòng xoay Quách Thị Trang.
Sau đó, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc gấp rút nghiên cứu đặt lại cụm công trình trên về trước chợ Bến Thành. Việc đưa ra phương án làm mới tượng và chọn lựa vị trí cũ hay mới thời điểm đó được các chuyên gia thảo luận thận trọng.
Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, từ năm 1862 trở đi, sau khi chính thức trở thành mảnh đất thuộc địa đầu tiên của Pháp, Sài Gòn bắt đầu có những lần thay da đổi thịt. Và rồi những kiến trúc mới mọc lên đã ghi một dấu ấn đậm nét trong tâm thức người dân cố cựu của vùng đất này.
Vào giữa thế kỷ XIX, người Pháp mong muốn xây dựng Sài Gòn thành một thành phố tiêu biểu mang nét Pháp ở Viễn Đông. Họ đã san phẳng thành Gia Định, lập nên một thành phố theo bàn cờ, có những đường chéo, tạo ra các điểm giao thông lớn, công viên, quảng trường. Từ đó, Sài Gòn xưa xuất hiện các bùng binh, ngã năm, ngã bảy với các tượng đài được dựng lên như trước Nhà thờ Đức Bà, hồ Con Rùa...
Lịch sử sang trang từ năm 1954, nhiều tượng đài cũ của thực dân Pháp bị tháo đi, làm lại nhiều lần. Trải qua biến động theo dòng lịch sử, đến sau năm 1975, nhiều tượng đài như Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trung Trực… ở TPHCM vẫn được bảo tồn.
Trong số những chuyên gia đóng góp ý kiến vào phương án phục dựng cụm công trình lịch sử, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết hội đồng chuyên môn đã có sự trao đổi, cân nhắc rất kỹ lưỡng.
KTS Mười nhìn nhận quyết định tái lập vòng xoay và đưa các tượng đài trở về rất cần thiết. Vì điều này không đơn thuần là bố trí một công trình phục vụ giao thông, kiến trúc cảnh quan mà còn là bảo tồn dấu ấn lịch sử và lưu giữ ký ức, linh hồn đô thị.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng bán thân liệt nữ Quách Thị Trang từng là biểu tượng của trung tâm thành phố hàng chục năm trước.
Trải qua thời gian dài, chất liệu thô sơ đã khiến tượng Trần Nguyên Hãn xuống cấp trầm trọng sau 2 lần phục chế. Đỉnh điểm, một chân ngựa của tượng bị mục, rơi xuống đường vào năm 2013, cho đến khi được đưa về công viên Phú Lâm bảo quản vào năm 2014.
Về phương án phục dựng, chuyên gia cho biết tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang đã được thống nhất giữ nguyên bản hình ảnh, song chất liệu sẽ được đổ bằng đồng để tượng vừa tồn tại với thời gian và vừa giữ được hình ảnh lịch sử trang trọng.
"Với công trình tham gia đóng góp không gian đô thị như vòng xoay chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn, những công trình này đã gắn chặt với thị giác người dân. Giới chuyên gia lẫn chính quyền đều mong muốn tìm được cách bảo tồn nguyên vẹn nhất", KTS Khương Văn Mười chia sẻ.
Di sản đô thị không chỉ thuộc về văn hóa vật thể, mà còn thuộc về ký ức của cộng đồng. Những công trình, tượng đài, hay không gian được xây vào thời kỳ đầu của đô thị này dần phai đi theo sự phát triển, mở rộng của thành phố. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người dân TPHCM có nhu cầu tìm hiểu, bảo vệ vẻ đẹp và giá trị di sản văn hóa trên mảnh đất họ đang sống. Như những người yêu thành phố này từng nói: Một quảng trường mới thênh thang đủ làm người ta lạc lối và quên lãng, nhưng một khung trời cũ có nhỏ nhoi vẫn đủ giữ sự thương yêu, nhớ mãi.