Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, nguồn rác thải từ hoạt động xả thải rác trong quá trình chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy hải sản, rác thải từ một số tàu cá vãng lai và từ đại dương là những nguyên nhân chính khiến mặt biển vịnh Hạ Long phải hứng chịu lượng lớn rác trôi nổi.
Ông Lê Minh Tân, Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng cho biết nguồn rác thải trôi theo sông, suối; rác thải ven bờ và vật liệu phế thải trong quá trình tháo dỡ các khu nuôi trồng thủy hải sản ven biển, lượng vật tư, phao xốp chưa thu gom kịp thời... gặp thủy triều đã phát tán nhanh vào khu vực Vịnh Hạ Long.
"Điều quan trọng là tăng cường kiểm soát nguồn rác từ ven bờ. Ban quản lý vịnh cũng phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu biện pháp chặn rác từ nguồn để không đẩy ra ngoài vịnh. Còn với rác trên vịnh, Ban quản lý cũng có những giải pháp và nghiên cứu kỹ lưỡng là vào thời điểm nào, bám con nước, triều cường hay triều kiệt đặc biệt là rác rất hay đi theo luồng để thu gom hiệu quả nhất", ông Tân cho hay.
Hiện mỗi ngày có hàng chục tàu, thuyền cùng khoảng 100 nhân công thường xuyên thu gom rác tại các điểm du lịch trên vịnh Hạ Long. Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động ra quân thu gom, xử lý rác thải trên mặt biển và các điểm đảo, bãi cát trên Vịnh cũng được tổ chức nhằm giữ gìn cảnh quan danh thắng Hạ Long. Tuy nhiên, riêng vùng lõi vịnh Hạ Long đã rộng hơn 300 km2 nên việc thu gom rác trôi nổi trên bề mặt gặp nhiều khó khăn nếu không có thiết bị chuyên dụng.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom rác, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, bố trí 2 vùng thu gom trên Vịnh (khu vực ven bờ và khu vực có các hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long). Ngay khi xuất hiện tình trạng rác trôi nổi trên bề mặt vịnh, Quảng Ninh chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm thu gom, vận chuyển vào đất liền. Theo thống kê, từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, tổng lượng rác thải thu gom khoảng 75 tấn và trên 2.000 m3 phao xốp, bè tre các loại.