Thành phố Uông Bí cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ trên địa bàn từ ngày từ 12 giờ ngày 15/3. Theo đó, chính quyền thành phố cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: karaoke, vũ trường, bar, massage, spa, dịch vụ internet, trò chơi điện tử công cộng, cơ sở thể dục, thể thao, bi-a, gym. Các khu, điểm du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú, quán cafe, giải khát, cắt tóc… được phép hoạt động 100% công suất.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đám cưới, đám tang, vui chơi giải trí nơi công cộng trên địa bàn thành phố được hoạt động trở lại, tuy nhiên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.
Năm 2022, huyện đảo Vân Đồn đề ra mục tiêu đón từ 1 - 1,2 triệu lượt khách. Để khởi động lại hoạt động du lịch của địa phương trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện chủ động chỉnh trang cơ sở vật chất, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách du lịch. Vân Đồn đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ đêm trên vịnh Bái Tử Long theo Đề án Du lịch biển đảo của tỉnh Quảng Ninh; xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Vân Đồn là khu du lịch cấp quốc gia. Huyện cũng đang nghiên cứu, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trên đảo Bản Sen, xây dựng các hành trình mới trên đảo Quan Lạn.
Ở thành phố vùng biên giới, thực hiện chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch, chính quyền thành phố Móng Cái tập trung công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy cho hay, với thông điệp 3T là "Thân thiện - Tiện lợi - Tin cậy", thành phố Móng Cái đang nỗ lực xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đột phá trong chiến lược của nền kinh tế không khói với nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới. Riêng hai xã biên giới Hải Sơn, Bắc Sơn (Móng Cái) đang nghiên cứu triển khai phát động phong trào tất cả cán bộ và nhân dân mặc trang phục dân tộc vào dịp cuối tuần (từ thứ Năm đến Chủ nhật). Bên cạnh đó, các xã phường chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình chi tiết tổ chức các sự kiện, hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch theo thành phố giao, nghiên cứu lập trang Fanpage nhằm quảng bá các tiềm năng và hoạt động du lịch của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện miền núi Ba Chẽ, ông Đỗ Khánh Tùng thông tin, huyện sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện trong 6 tháng đầu năm 2022 nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện miền núi có trên 90% là rừng cùng với bản sắc văn hóa tiên tiến của các dân tộc; là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chay trên địa bàn huyện Ba Chẽ tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Cụ thể là Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022, hưởng ứng SEA Games 31 sẽ tổ chức vào ngày 26/3; các lễ hội Lồng Tồng (Lễ hội xuống đồng), Lễ hội Miếu Ông – Miếu bà vào ngày 31/3 - 1/4, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, xã Thanh Sơn lần thứ nhất tổ chức trong tháng 5, Lễ hội Bàn Vương dự kiến sẽ tổ chức trong 2 ngày 30/4 - 1/5.
Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnhQuảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm 50% phí tham quan đối với các điểm tham quan lớn của tỉnh như vịnh Hạ Long, Khu danh thắng Yên Tử, Bảo tàng – Thư viện tỉnh làm đòn bẩy để thu hút khách du lịch, góp phần từng bước phục hồi ngành dịch vụ - du lịch trên địa bàn.
Năm 2022, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế. Cụ thể, dự kiến quý I đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách, quý II đón từ 2 - 2,5 triệu lượt, quý III đón 3 triệu lượt, quý IV đón 2 triệu lượt khách.
Văn Đức