Sân bay xây dựng trên đảo Cô Tô sẽ góp phần tăng trải nghiệm và các sản phẩm mới cho huyện đảo. Ảnh: Quốc Nam. |
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong đồ án quy hoạch chung của tỉnh có quy hoạch xây dựng sân bay Cô Tô tại huyện đảo Cô Tô trong giai đoạn 2030-2050.
Theo đó, sân bay chuyên dụng tại huyện đảo Cô Tô được đầu tư trên diện tích 130 ha, đường băng dài 1.800 m với các hạng mục như sân đỗ, khu vực quân sự, khu vực cảnh quan, hạ tầng kết nối… đảm bảo khai thác tốt trong mọi thời tiết.
Việc triển khai sân bay và khai thác đường bay đến đảo Cô Tô sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia.
Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, hiện nay, việc di chuyển từ đất liền ra đảo chỉ có thể thực hiện duy nhất bằng đường biển.
Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, sóng lớn và thời tiết xấu dẫn đến việc cơ quan chức năng cấm tàu, thuyền ra đảo khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, đặc biệt nhiều khách du lịch bị mắc kẹt tại đảo nhiều ngày.
Trước đó, vào giữa năm 2022, một doanh nghiệp khai thác máy bay thuỷ phi cơ tại TP Hạ Long đã khảo sát, nghiên cứu mở đường bay thuỷ phi cơ ra đến đảo Cô Tô từ đảo Tuần Châu (TP Hạ Long).
Đảo Cô Tô sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; lượng du khách không ngừng tăng qua các năm.
Theo quy hoạch, đảo Cô Tô lớn phân thành 6 phân vùng chính: Nam Đồng sẽ phát triển cộng đồng sân golf, bãi biển Vàn Chảy nâng cấp thành thị trấn biển, xã Hải Tiến phát triển sân golf và dịch vụ biển, hồ Ông Tiên định hướng du lịch, khu vực sân bay và hậu cần hỗ trợ cho tổng thể cả đảo.
Cô Tô được định hướng mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô Lớn, Thanh Lân, bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần. Đảo Cô Tô Con không bố trí đất ở; 3 đảo phát triển 3 chức năng bổ trợ cho nhau.
Trong khi đó, đảo Cô Tô Lớn sử dụng không gian mặt nước vịnh Trường Xuân bổ trợ cho các khu chức năng; Đảo Thanh Lân hình thành quỹ đất phát triển du lịch kết hợp cảng khách. Quy hoạt cũng định hướng phát triển không gian ở vừa phải, tăng quỹ đất cho hoạt động dịch vụ, giải trí kết hợp nghỉ dưỡng, tăng không gian xanh đệm cho các khu vực chức năng. Kết nối đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân bằng tuyến cáp treo, các điểm kết nối khác bằng tàu thuyền.