Một đội dự thi làm bánh dân gian tại lễ hội. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 26- 27/11 với nhiều hoạt động phong phú góp phần quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa làng cổ Đông Hòa Hiệp, tạo thêm điểm nhấn của du lịch sinh thái tại tỉnh Tiền Giang.
Những điểm nhấn tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023 như: Tổ chức phiên chợ quê; Hội thi làm bánh dân gian; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; Hội thi chưng nghi, mâm ngũ quả; thả đèn hoa đăng; biểu diễn múa lân sư rồng và biểu diễn nghệ thuật; tái hiện nghi thức cúng đình; các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian; giao lưu đờn ca tài tử.
Theo ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè, Lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, được tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch, các sản phẩm độc đáo của huyện Cái Bè đến với bạn bè, du khách gần xa; đồng thời, khẳng định du lịch là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện mong muốn, từ sự kiện này, Làng cổ Đông Hòa Hiệp sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong hành trình trải nghiệm ở vùng đất sông nước miệt vườn Cái Bè.
Một tác phẩm tham dự Hội thi chưng nghi, mâm ngũ quả tại lễ hội. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Làng cổ Đông Hòa Hiệp, thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang, hiện có khoảng 7 ngôi nhà cổ niên đại từ 150 - 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách đây từ 80 - 100 năm. Đông Hòa Hiệp là một trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn, nơi đây trở thành một trong những điểm thu hút du khách tại Tiền Giang.
Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia theo tại Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017. Hai ngôi nhà cổ của ông Lê Quang Xoát và ông Võ Văn Võ ở làng cổ Đông Hòa Hiệp được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Hữu Chí