Quảng bá du lịch: Câu chuyện từ thời trang đến màn ảnh rộng

Mai Mai (Vietnam+)| 29/06/2023 14:41

Những bộ sưu tập thời trang được trình diễn ở những điểm đến, cảnh quan, công trình kiến trúc đặc sắc; quà tặng du lịch lấy cảm hứng từ những bộ phim nổi tiếng... đã góp phần quảng bá du lịch Việt.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đặt chỉ dấu cho những vùng đất của Việt Nam bằng thời trang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đặt chỉ dấu cho những vùng đất của Việt Nam bằng thời trang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Thời trang giờ đây không chỉ là những bộ cánh lộng lẫy, xa vời trình diễn trên sàn runway mà đã trở thành “sứ giả” góp phần quảng bá vẻ đẹp điểm đến, khẳng định những “chỉ dấu” trên bản đồ của dân ưa xê dịch. Các đạo cụ trang trí và diễn xuất của diễn viên trong các bộ phim nổi tiếng đã giúp kích thích nhu cầu công nghệ chế tác và tiêu thụ sản phẩm quà tặng du lịch…

Có thể nói, du lịch và thời trang, du lịch và điện ảnh đang ngày càng tiệm cận nhau sâu sắc hơn trong mối tương tác nâng đỡ, hỗ trợ để cùng thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển bền vững. Vậy thực tế, “hệ sinh thái” này đã và đang vận hành ra sao ở Việt Nam?

Khi thời trang trở thành “bệ đỡ” du lịch

Ở Việt Nam, không hiếm các nhà thiết kế đã làm các bộ sưu tập với mục tiêu rõ ràng là để quảng bá cho văn hóa, du lịch nước nhà. Một trong những “cánh chim đầu đàn” bền bỉ nhất trên chặng đường ấy là nhà tạo mẫu Minh Hạnh.

Là gương mặt gạo cội và sáng giá của làng thời trang Việt, nhiều năm qua, nhà thiết kế Minh Hạnh vẫn kiên định với lựa chọn: mang áo dài và những nét đẹp thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước đi giới thiệu, quảng bá với bạn bè 5 châu.

Qua những tà áo dài duyên dáng cùng câu chuyện về bản sắc văn hóa truyền tải sau chất liệu trang phục do chị thiết kế, Minh Hạnh đã đặt chỉ dấu cho những vùng đất của Việt Nam, từ thổ cẩm của người H’Mông (Hà Giang) và người Dao (Bắc Hà, Lào Cai) ở Đông-Tây Bắc đến thổ cẩm Zèng của người Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên Huế), thổ cẩm vùng Tây Nguyên, đến vải gai ở Quảng Ngãi, Thanh Hóa... kết hợp cùng kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo khoe sắc trên sàn diễn thời trang không chỉ trong nước mà còn ở cả Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Trung Quốc…

Quang ba du lich: Cau chuyen tu thoi trang den man anh rong hinh anh 1Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu với du khách về lịch sử của tà áo dài truyền thống Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hành trình dành trọn sự nghiệp gắn bó với những chất liệu thủ công truyền thống ấy của nhà thiết kế Minh Hạnh đã chứng minh một điều, văn hóa chính là cánh cửa mở ra thế giới, bản sắc là chỉ dấu địa lý cho những vùng đất giàu tính trải nghiệm và khám phá. Qua đó, hấp dẫn những bước chân du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Sau nhà thiết kế Minh Hạnh, gần đây, thế hệ hậu bối trẻ như Đỗ Mạnh Cường, Thủy Nguyễn, Chung Thanh Phong… cũng để lại dấu ấn khi chọn trình diễn bộ sưu tập của mình ở những điểm đến, cảnh quan, công trình kiến trúc đặc sắc trong nước. Thậm chí, Đỗ Mạnh Cường còn “chơi lớn” khi từng mang cả êkíp sang trình diễn ở những di tích, quần thể kiến trúc cổ kính hay trung tâm thành phố đắt đỏ ở Australia, Mỹ… với mức đầu tư cả triệu USD.

Đầu tháng Tư vừa qua, đạo diễn Long Kan (nhà sáng lập show thời trang Fashion Voyage - Viễn du thời trang) đã để lại ấn tượng với giới mộ điệu qua hai show diễn được đầu tư hoành tráng, tại điểm “check-in” mới ở Phú Quốc: Cầu Hôn. Trước đó, Long Kan đã tổ chức show diễn tại cầu Vàng (Đà Nẵng), đảo Bàn Chân (vịnh Hạ Long)…

Với mỗi chuyến viễn du thời trang như vậy, Long Kan cho biết anh mong muốn giới thiệu những điểm đến, cảnh quan, công trình kiến trúc đặc sắc của đất nước. Mặc dù tổ chức show diễn xa phải chịu chi phí lớn nhưng vị đạo diễn này tin rằng sự đầu tư của mình là đáng giá, góp phần quảng bá du lịch nước nhà.

Những nhà thiết kế chọn không gian mở, gần gũi thiên nhiên để trình diễn bộ sưu tập, thực hiện các show diễn gắn với quảng bá điểm đến, họ coi đây không chỉ là xu hướng mà còn khẳng định tính bền vững của thời trang. “Sàn diễn được thiết kế phù hợp kiến trúc tự nhiên, giúp người yêu thời trang thêm yêu du lịch,” nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ.

Quang ba du lich: Cau chuyen tu thoi trang den man anh rong hinh anh 2Áo dài từ vải gai trình diễn trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sản phẩm lưu niệm bước ra từ màn ảnh rộng

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, đạo cụ trang trí và diễn xuất trong các bộ phim nổi tiếng có tác dụng kích cầu thị trường chế tác và tiêu thụ sản phẩm quà tặng du lịch.

Đặc biệt, các đạo cụ trang trí bối cảnh và đạo cụ diễn xuất của nhân vật trong nhiều bộ phim nổi tiếng có thể trở thành sản phẩm đấu giá cho các nhà sưu tầm. Vì thế, các hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng đã mô phỏng nhiều mẫu mã đồ vật “hot” từ “bom tấn” để sản xuất thành những sản phẩm lưu niệm, bán cho khách du lịch.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú đã chia sẻ câu chuyện về nhà sưu tầm nghệ thuật quốc tế Art Ethno Pattrik (người Bỉ), đã bỏ vốn và đầu tư thời gian suốt mấy chục năm, để đi khắp thế giới để sưu tầm các phẩm nghệ thuật được chế tác thủ công, và đặc biệt là các đạo cụ từng được dùng trong nhiều bộ phim hay, nổi tiếng thế giới.

“Tất cả đều là những món đồ có một không hai, không hề đụng hàng và trở thành mẫu quà lưu niệm du lịch có giá trị. Vốn đam mê và tâm huyết, ông Ethno Pattrik đã quyết định trưng bày bộ sưu tập này của mình ngay tại thành phố Hải Phòng,” Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết.

Theo các chuyên gia trong ngành điện ảnh, câu chuyện kể trên chính là gợi ý cho các nhà tạo mẫu sản phẩm đồ chơi nghiên cứu, sản xuất các chủng loại đồ lưu niệm nghệ thuật dành cho du khách, đặc biệt những người yêu điện ảnh.

Quang ba du lich: Cau chuyen tu thoi trang den man anh rong hinh anh 3Du khách trải nghiệm không gian đậm màu sắc điện ảnh và thời trang những năm 1900. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Thực tế, nhiều nhân vật nổi tiếng trên màn ảnh rộng thế giới đã trở thành nguồn cảm hứng cho mỹ thuật ứng dụng như: tượng trang trí ngoài trời, tượng nhỏ trưng bày lưu niệm…

Các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đó còn từng bước hình thành giá trị thẩm mỹ tiêu dùng trong nhận diện thương hiệu, quảng bá ngược lại cho tác phẩm điện ảnh nổi tiếng.

Có thể nói, mối quan hệ cộng sinh giữa du lịch và điện ảnh, du lịch và thời trang đã tạo nên những giá trị quảng bá tích cực hai chiều, đưa hình ảnh các điểm đến trở nên gần gũi trong cộng đồng, góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế xanh./.

Quang ba du lich: Cau chuyen tu thoi trang den man anh rong hinh anh 4Các món đồ lưu niệm đậm bản sắc văn hóa Việt và quen thuộc trong những bộ phim Việt có bối cảnh xưa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Mai Mai (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/quang-ba-du-lich-cau-chuyen-tu-thoi-trang-den-man-anh-rong/872051.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/quang-ba-du-lich-cau-chuyen-tu-thoi-trang-den-man-anh-rong/872051.vnp
Bài liên quan
  • Quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc)
    Lễ hội giao lưu văn hóa châu Á ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Lễ hội văn hóa ẩm thực thường niên lần thứ 24 tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) đang đồng thời diễn ra và đều có sự tham gia của các gian hàng quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá du lịch: Câu chuyện từ thời trang đến màn ảnh rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO