“Chào mọi người, lại là mình, anh bán trà nuôi cả nhà đây!”.
Đứng bên cạnh chiếc quầy nhỏ với hơn chục hũ trà trái cây vàng, đỏ bắt mắt, anh Tùng, chủ quán, vừa thoăn thoắt lắc cốc trà trên tay như một “bartender” (người pha chế) thực thụ vừa quay video chia sẻ công thức, câu chuyện bán hàng mỗi ngày. Chiếc điện thoại di động được anh đặt vào chân máy cố định. Thỉnh thoảng, khi chủ quán đang hăng say ghi hình thì khách hàng tìm tới.
"Ôi, xin lỗi, bạn chờ mình một xíu nhé. Bạn uống gì mình sẽ làm ngay", anh Tuấn nhẹ nhàng nói với khách bằng chất giọng Bắc đặc trưng.
Chỉ với những thiết bị đơn giản như chân máy, điện thoại, một mic gài cổ áo và đôi khi có thêm sự hỗ trợ của vợ, người nhà, anh Tùng đã tạo nên một tài khoản TikTok gần 70.000 người theo dõi sau 5 tháng, với hàng loạt video từ vài trăm ngàn đến cả triệu lượt xem.
Những video triệu view này giúp anh giới thiệu quán trà trái cây nhiệt đới vỉa hè của hai vợ chồng tới rất đông khách hàng. Hiện nay, quán trà nhỏ nằm nép mình trên đoạn đường Nguyễn Xiển (Quận 9, TP.HCM) đã trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều người. Thực khách, người giao hàng ra vào tấp nập. Đơn đặt hàng qua fanpage, điện thoại cũng "nổ đơn" liên tục.
Gọi là quán nhưng thực tế, vợ chồng anh Tùng vẫn kinh doanh như một xe nước giải khát vỉa hè. Anh Tùng đặt làm một chiếc xe đẩy tông màu vàng tươi bắt mắt, trang trí xung quanh nhiều loại trái cây. Từ ngoài, thực khách có thể nhìn thấy những bình trà trái cây đủ màu sắc. Cái tên dí dỏm "Anh bán trà nuôi cả nhà" cũng khiến nhiều người qua đường chú ý.
Hiện nay, anh chị thuê được ngôi nhà sát mặt đường, có mặt tiền rộng, bán mái che mưa nắng và nhà ở tiện nghi, thoáng mát để đảm bảo không gian sạch sẽ chế biến trà. Cạnh chiếc xe trái cây có vài chiếc bàn nhỏ để khách ngồi lại thưởng thức hoặc nghỉ chân chờ đồ uống.
Mỗi ngày, anh Tùng đều đặn làm từ 10-12 món trà trái cây khác nhau, đồng giá 25.000 đồng/ly. Trung bình, cứ 2 tuần, anh lại đưa ra một loại trà mới để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng. Hai món bán chạy nhất là trà nhiệt đới và xoài chanh dây. Công thức đều do anh Tùng tự sáng tạo.
Anh Tùng cho biết, anh là người miền Bắc, sau khi lấy vợ thì vào nam lập nghiệp, từng trải qua nhiều công việc khác nhau.
"Mình bán xe trà này từ tháng 3 năm nay. Lúc đó, vợ vừa sinh em bé, mình lại vừa nghỉ việc, áp lực tài chính rất lớn. Mình xách xe chạy một vòng giữa lúc trời nắng đổ lửa. Tự nhiên, mình nảy ra ý tưởng, thử bán thức uống giải nhiệt", anh Tùng nhớ lại.
Từ ý tưởng, anh Tùng bắt tay vào tìm đọc thông tin, mày mò công thức, làm thử nghiệm nhiều lần. Món đắt hàng nhất nhưng cũng phức tạp nhất là trà trái cây nhiệt đới. Món đồ uống này là sự kết hợp của 10-12 loại trái cây khác nhau nên quá trình sơ chế, cắt, ngâm, ủ rất mất thời gian. "Vợ chồng mình thường xuyên phải thức tới 3,4 giờ sáng để cắt gọt trái cây, sau đó ngâm, ủ đủ 6 tiếng mới mở bán", anh Tùng cho biết.
"Ngày mới mở hàng, mình ngồi mấy tiếng đồng hồ mà chỉ bán được 18 ly trà. Không đành lòng, mình pha những ly trà thật ngon, mang tới từng nhà xung quanh để tặng, nhờ mọi người uống thử, đóng góp ý kiến và ủng hộ", anh Tùng kể. Vợ chăm con nhỏ nên mọi công đoạn từ đi chợ, sơ chế đến nấu trà, anh đều tự tay làm để tiết kiệm chi phí. Anh cũng bắt đầu tìm hiểu, tự quay video và chia sẻ trên mạng xã hội để giới thiệu quán trà tới mọi người.
"Thời gian đó mình thật sự rất áp lực, mệt mỏi vì thiếu ngủ, suy nghĩ liên tục nhưng bây giờ thì lại thấy mọi sự cố gắng đều xứng đáng”, anh Tùng tâm sự.
Để có một ly trà thơm ngon, đẹp mắt, ngoài phần trái cây tươi thì còn phải chú ý cách hãm trà. Trà được hãm với nhiệt độ, thời gian vừa đủ để không quá nhạt cũng không bị quá đắng, chát. Bước lắc, hoà trộn nước cốt trái cây trong lúc pha chế cũng phải theo tỉ lệ chuẩn thì thành phẩm mới ra được màu trà đẹp mắt, có mùi đặc trưng của trái cây nhưng vẫn không lấn át mùi thơm dịu của trà.
Quán mở từ 10h sáng tới 22h đêm. Để chuẩn bị đủ lượng trái cây tươi, anh Tùng thường đi chợ đầu mối tại TP. Thủ Đức trước 1h sáng. Tuỳ theo mùa mà các loại trái cây sẽ khác nhau, nhưng không dưới 10 loại.
Chẳng hạn như với món trà xoài, anh thường ưu tiên ba loại xoài keo, xoài Hoà Lộc hoặc xoài Tứ Quý, lựa kĩ từng trái tươi, không dập nát. Chúng có mùi thơm, màu đẹp. Còn với mận, anh chỉ chọn những trái có độ to vừa phải nhưng không quá mềm, có độ cứng thì sau khi ngâm ủ mới giòn, ngọt.
Mỗi buổi đi chợ, anh Tùng thường mùa từ 200-500kg trái cây các loại. Mỗi loại sẽ dao động từ 10-50 kg tuỳ theo độ bán chạy. “Với số lượng trái cây này, mình để dành chế biến trong 2 ngày. Sau 2 ngày, nếu dư mình cũng bỏ để mua trái cây tươi chứ không dùng trái cây cũ, hỏng", anh Tùng nói.
Với số trái cây mua về, anh Tùng thường chia làm hai phần chính. Một là cắt vừa ăn và trộn hỗn hợp hơn 10 loại khác nhau lại để làm món trà nhiệt đới - món đặc trưng của quán. Số còn lại như chôm chôm, xoài, thanh long, dưa lưới… sẽ được anh ngâm theo công thức riêng, sau đó ủ kín trong từng bình thuỷ tinh, trưng bày ngay ngắn trên xe hàng. Đây là nguyên liệu chính tạo nên những món uống như thanh xoài (thanh long kết hợp xoài), ổi thơm, sầu riêng dứa….
"Mỗi ngày mình nấu khoảng 4 đến 5 thùng trà, loại thùng 22 lít thì mới đủ bán. Không phải cứ mua trà về nấu là xong. Nấu trà cũng phải có cách riêng, mình thì chỉ nấu trước khi bán từ 2 đến 3 tiếng”, anh Tùng chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhiều thực khách, ưu điểm của quán trà này là trái cây rất tươi, thơm ngon, menu đa dạng, chủ quán nhiệt tình, thân thiện.
"Mình lần đầu tới thưởng thức. Ngay khi uống, mình thấy trái cây rất tươi, khác với nhiều nơi", anh Minh, một khách hàng chia sẻ. "Tuy nhiên, vị trà nhiệt đới có vẻ hơi chua so với khẩu vị của mình. Mình nghĩ chủ quan nên cân chỉnh độ ngọt cho hợp lý", vị khách nói thêm.
Rất nhiều người tìm tới sau khi xem video của anh Tùng trên TikTok. "Tôi rất thích cách bạn ấy kể chuyện, vừa chân thành, tích cực vừa thực tế. Tôi tìm tới ủng hộ, mong hai vợ chồng ngày càng thành công", chị Thu Minh (Quận 6, TP.HCM) chia sẻ.