Quận Tây Hồ lý giải việc bồi thường dự án Tây Hồ Tây chỉ 252.000 đồng/m2

Thế Kha| 06/11/2023 12:23

UBND quận Tây Hồ, Hà Nội lý giải việc chỉ bồi thường đất nông nghiệp để thực hiện dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây - giai đoạn 2 với đơn giá 252.000 đồng/m2.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), vừa ký hàng loạt quyết định giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án Khu trung tâm - giai đoạn 2 (phường Xuân La).

Quận Tây Hồ lý giải việc bồi thường dự án Tây Hồ Tây chỉ 252.000 đồng/m2 - 1

Quy hoạch Khu đô thị Tây Hồ Tây (Ảnh: Wikipedia).

Nhiều người dân phản ánh, nguồn gốc đất bị thu hồi có từ thời ông bà, cụ kỵ của gia đình họ mua lại, đã nộp thuế đầy đủ và được Chủ tịch UBND hành chính Hà Nội ký giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ruộng năm 1956, đã xây dựng nhà từ năm 1978, sử dụng vào mục đích để ở từ năm 1980. Việc xác định loại đất nông nghiệp và bồi thường đất nông nghiệp của UBND quận Tây Hồ là không đúng.

Thời điểm gia đình xây dựng công trình từ những năm 1978 tới năm 1990 và được xây dựng lại vào năm 1998. Việc kiểm đếm tài sản của quận Tây Hồ bị thiếu, bồi thường 10% là quá thấp, trong khi chưa có các khoản hỗ trợ khác như ổn định đời sống, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm,… khi thu hồi đất.

Theo quận Tây Hồ, tại khu vực đất bị thu hồi có 29 hộ gia đình, trong đó chỉ có 11 hộ được bố trí tái định cư do đang sinh sống tại khu vực đất bị thu hồi (thu hồi 100%) và không còn chỗ ở nào khác.

17 hộ dân bị thu hồi không có phương án tái định cư đã khiếu nại cho rằng "còn nhiều bất cập" và đề nghị quận Tây Hồ phải bố trí tái định cư.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây có mục tiêu xây dựng và phát triển một khu đô thị hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 2054/2005.

Dự án nằm trong danh mục các công trình thực hiện năm 2022, được UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023.

Kết quả điều tra, đo đạc, kiểm đếm năm 2022 cho thấy người dân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất ở, thời điểm xây dựng công trình năm 2008 phục vụ để ở; thời điểm giải phóng mặt bằng hộ dân không có nhân khẩu ăn ở tại địa chỉ thu hồi đất.

Quận Tây Hồ đã căn cứ vào Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 về nguyên tắc, điều kiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Điều 79 Luật Đất đai về chính sách bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở; Nghị định 47/2014 và Nghị định 01/2017 của Chính phủ quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, quận này còn áp dụng Điều 5 Quyết định số 10/2017 của UBND TP Hà Nội quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Từ đó, UBND quận Tây Hồ đã ra quyết định bồi thường đất nông nghiệp với đơn giá 252.000 đồng/m2; hỗ trợ 40% đơn giá bồi thường theo bảng giá đất của UBND TP Hà Nội cho người dân tự chuyển đổi mục đích; không hỗ trợ ổn định đời sống, không xét bán căn hộ tái định cư cho các hộ dân trên và không hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đúng quy định.

Quận Tây Hồ đã tổ chức đối thoại nhưng người dân không có mặt hoặc không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ mới.

Vì thế, lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Quận Tây Hồ lý giải việc bồi thường dự án Tây Hồ Tây chỉ 252.000 đồng/m2 - 2

Một góc Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

"Các hộ dân không ăn ở tại địa chỉ thu hồi đất, không phải di chuyển chỗ ở nên đề nghị phải bố trí tái định cư khi thu hồi đất là không đúng", văn bản giải quyết khiếu nại nêu.

Trường hợp người dân không đồng ý với kết quả giải quyết trên, theo lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, có thể khiếu nại đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây) có tổng diện tích 186,3 ha là khu đô thị lớn bậc nhất phía Bắc Hà Nội. Đây được xem là khu đô thị có giá chung cư, biệt thự, liền kề đắt đỏ bậc nhất Hà Nội.

Thu hồi đất làm dự án Ciputra cũng bồi thường 252.000 đồng/m2 đất nông nghiệp

Trước đó, như Dân trí thông tin, sự việc UBND quận Tây Hồ ban hành nhiều quyết định giải quyết khiếu nại của người dân phường Phú Thượng về thu hồi đất để thực hiện dự án rộng 104ha thu hút sự quan tâm của dư luận.

"Việc người dân cho rằng chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án là không có cơ sở", quận Tây Hồ nêu quan điểm.

Nhấn mạnh quyết định bồi thường đất nông nghiệp để thực hiện dự án siêu sang Ciputra với đơn giá 252.000 đồng/m2 là đúng quy định, UBND quận Tây Hồ cho biết đã căn cứ theo Bảng số 1 Quyết định số 30/2009 của UBND TP Hà Nội quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, quy định giá đất nông nghiệp trồng lúa nước và trồng cây hàng năm tại các phường thuộc quận Tây Hồ.

Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng về những khiếu nại của người dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) xung quanh việc thu hồi đất thực hiện dự án Ciputra.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quận Tây Hồ lý giải việc bồi thường dự án Tây Hồ Tây chỉ 252.000 đồng/m2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO