* Đan Mạch mua tên lửa AIM-120 AMRAAM
Bulgarian Military đưa tin, Không quân Đan Mạch vừa đạt được thỏa thuận mua 84 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM) và các thiết bị liên quan của Mỹ.
Thương vụ trị giá 215,5 triệu USD nằm trong nỗ lực của Đan Mạch nhằm nâng cao khả năng giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng các loại vũ khí không đối không hiện đại.
Là loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, AIM-120C-8 với các tính năng tiên tiến được đánh giá là vũ khí then chốt trong không chiến hiện đại. Với chiều dài chỉ khoảng 3,66m và đường kính khoảng 0,18m, AIM-120C-8 rất nhỏ, gọn và có thể được trang bị cho nhiều loại máy bay chiến đấu mà không làm ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của chúng.
Hình ảnh tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120. Ảnh: Militaryleak |
Được trang bị động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn, AIM-120C-8 có tốc độ và tầm bắn nhanh và xa hơn. Hệ thống động cơ đẩy này tạo ra sự cân bằng giữa tốc độ và khoảng cách, khiến nó trở nên linh hoạt trong nhiều tình huống chiến đấu.
Về mặt kỹ thuật, AIM-120C-8 được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến, bao gồm cả đầu dò radar chủ động để theo dõi và tấn công mục tiêu sau khi phóng. Tính năng “bắn và quên” được cho là mang lại lợi thế quan trọng trong không chiến hiện đại khi phi công phải tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Hơn nữa, tên lửa còn có bộ phận tham chiếu quán tính và liên kết dữ liệu, cho phép cập nhật dữ liệu giữa hành trình nhằm nâng cao độ chính xác của tên lửa.
AIM-120C-8 mang đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao được thiết kế để mang lại sức sát thương tối đa cho máy bay đối phương khi va chạm. Bên cạnh đó, hệ thống nung chảy tiên tiến đảm bảo đầu đạn phát nổ đúng lúc để đạt hiệu quả tối đa.
Mặc dù phạm vi hoạt động chính xác của AIM-120C-8 vẫn được giữ bí mật nhưng nhiều thông tin cho rằng tầm bắn của tên lửa này có thể vượt quá 100km. Tầm bắn ấn tượng này cho phép phi công tấn công máy bay đối phương từ khoảng cách an toàn hơn.
* Airbus trình làng trực thăng không người lái VSR700
Tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế 2024 đang diễn ra tại Sân bay Brandenburg, phía Nam thủ đô Berlin, Airbus đã trình làng VSR700, mẫu trực thăng không người lái mới nhất của “ông lớn” này.
Được phát triển cho lực lượng hải quân, mẫu trực thăng này thu hút sự chú ý với khả năng thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát theo thời gian thực cùng với thiết kế gọn, nhẹ, cho phép tích hợp dễ dàng vào các phương tiện khác nhau, bao gồm tàu khu trục và tàu tuần tra ngoài khơi. Với trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 700kg, VSR700 có khả năng mang tải trọng lên tới 150kg, cho phép mang theo nhiều loại cảm biến và thiết bị.
Trực thăng không người lái VSR700 tại ILA 2024. Ảnh: Navy Registration |
Một trong những tính năng nổi bật của VSR700 là thời gian bay kéo dài khi có thể duy trì hoạt động trên không tới 10 giờ. Bên cạnh đó, máy bay có phạm vi hoạt động lên tới 360km. Với thời gian bay kéo dài và phạm vi hoạt động rộng, máy bay VSR700 trở thành một công cụ hữu ích cho các nhiệm vụ giám sát và trinh sát liên tục trên một khu vực rộng lớn.
VSR700 được trang bị các cảm biến tiên tiến, bao gồm camera quang điện/hồng ngoại (EO/IR), radar cùng các biện pháp hỗ trợ điện tử. Những cảm biến này cho phép VSR700 thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tuần tra hàng hải, tác chiến chống ngầm và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Dữ liệu do VSR700 thu thập có thể được truyền theo thời gian thực tới các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, giúp nâng cao nhận thức tình huống, từ đó đưa ra quyết định chính xác.
Khả năng cất cánh và hạ cánh tự động là tính năng quan trọng khác nữa của mẫu trực thăng không người lái mới này. Tính năng này giúp giảm khối lượng công việc cho thủy thủ đoàn và đảm bảo hoạt động an toàn, ngay cả trong điều kiện biển không thuận lợi. Ngoài ra, nhờ kết hợp hệ thống điều khiển chuyến bay, VSR700 có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà không cần quá nhiều sự can thiệp của con người.
* Elbit Systems ra mắt phương tiện chỉ huy bọc thép mới Rhino
Elbit Systems, một công ty công nghệ quốc phòng của Israel, vừa ra mắt Rhino, một phương tiện chỉ huy bọc thép mới được thiết kế để thay thế các trạm chỉ huy truyền thống. Với khả năng chỉ huy và kiểm soát, Rhino được phát triển nhằm hỗ trợ các kịch bản tác chiến hiệp đồng ở nhiều cấp chỉ huy khác nhau, từ chỉ huy chiến trường đến cấp cao hơn.
Không giống như các trạm chỉ huy truyền thống, Rhino là một nền tảng hoàn toàn khép kín và độc lập, được trang bị hệ thống tự động hóa chỉ huy C4I, bao gồm máy tính và các giải pháp kết nối mạng toàn diện, thiết bị truyền thông vệ tinh (SATCOM) và liên kết chiến thuật dung lượng cao để liên lạc qua video, thoại và truyền dữ liệu liên tục giữa các đơn vị trên chiến trường và cấp chỉ huy cao hơn. Rhino có thể chở tối đa 10 người, trong đó có 2 chỉ huy và 4 kỹ thuật viên.
Rhino được cho là được trang bị lớp giáp STANAG cấp 4. Ảnh: Elbit Systems |
Ngoài khả năng kết nối với nhiều thiết bị khác nhau, Rhino còn thu hút bởi tính cơ động của một nền tảng chỉ huy và kiểm soát tự động, giúp giảm đáng kể khả năng bị phục kích và bị tấn công so với các trạm chỉ huy truyền thống.
Ngoài ra, Rhino được cho là được trang bị lớp giáp STANAG cấp độ 4, giúp mang lại khả năng bảo vệ vượt trội trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và các mối đe dọa khác. Các nền tảng này cũng mang lại những lợi thế đáng kể so với những trạm chỉ huy truyền thống nhờ khả năng triển khai nhanh chóng.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)