Quân sự thế giới hôm nay (9-3): Australia sẽ mua 5 tàu ngầm lớp Virginia

09/03/2023 15:25

Quân sự thế giới hôm nay (9-3) có những thông tin đáng chú ý: Australia dự kiến mua 5 tàu ngầm lớp Virginia; Anh mở căn cứ quân sự ở Bắc Na Uy; Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Syria, Iraq.

* Australia dự kiến mua 5 tàu ngầm lớp Virginia

Reuters ngày 9-3 đưa tin, Australia dự kiến sẽ mua tới 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hiện đại của Mỹ trong thập niên 2030 như một phần của thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt giữa Washington, Canberra và London.

Tàu ngầm lớp Virginia được thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và bắn tên lửa hành trình.

Tàu ngầm lớp Virginia USS North Dakota (SSN 784) của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ hằng năm sẽ cử ít nhất 1 tàu ngầm thăm Australia và Canberra sẽ tiếp nhận lớp tàu ngầm mới được chế tạo theo thiết kế của Anh và công nghệ của Mỹ trước khi thỏa thuận kết thúc. Sau các chuyến thăm cảng hằng năm, Mỹ sẽ triển khai một số tàu ngầm ở Tây Australia vào khoảng năm 2027. Canberra sẽ mua ba tàu ngầm lớp Virginia vào đầu thập niên 2030, kèm theo lựa chọn mua thêm hai chiếc nếu cần thiết.

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Đại sứ quán Anh tại Washington không bình luận trực tiếp nhưng lặp lại thông báo từ London rằng Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ tới Mỹ để đàm phán thêm về AUKUS.

Australia hiện sở hữu một hạm đội gồm sáu tàu ngầm lớp Collins chạy bằng năng lượng thông thường, với thời gian phục vụ kéo dài đến năm 2036. Tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động dưới nước lâu hơn tàu ngầm thông thường và khó bị phát hiện hơn.

* Anh mở căn cứ quân sự ở Bắc Na Uy

TheDefensePost đưa tin, ngày 8-3, Anh tuyên bố mở một căn cứ quân sự ở cực Bắc Na Uy để tăng cường khả năng của NATO ở Bắc Cực.

Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, căn cứ đặt tại Trại Viking sẽ đóng vai trò là trung tâm của Lực lượng biệt kích thủy quân lục chiến hoàng gia - lực lượng có nhiệm vụ phản ứng với các cuộc khủng hoảng mới nổi ở châu Âu. Đây sẽ là đơn vị Anh dùng đến khi cần lực lượng có thể chiến đấu trong điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.

Nhóm hỗ trợ thiết giáp tiến hành bắn đạn thật. Ảnh: Hải quân Anh.

Theo tuyên bố của Hải quân Anh, vị trí của doanh trại rất lý tưởng để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và nằm ở vị trí thuận lợi để Anh có thể phản ứng nhanh chóng nếu cần để bảo vệ sườn phía bắc của NATO và đồng minh Na Uy.

Khoảng 1.000 lính sẽ được triển khai tới căn cứ vào mùa đông này. Na Uy từ chối đặt căn cứ thường trực cho binh lính nước ngoài, vì vậy Trại Viking sẽ chỉ “mở cửa” trong một thập kỷ.

Là thành viên sáng lập NATO, Na Uy thường xuyên đón quân đội đồng minh tham gia huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

* Thiếu tướng Teodor Incicaș, người đứng đầu Ban giám đốc phụ trách về khí tài tại Bộ Quốc phòng Romania cho biết, Romania đang có kế hoạch mua xe tăng Abrams của Mỹ. Đề xuất việc mua sắm này sẽ sớm được gửi tới Quốc hội Romania để thông qua.

Theo tướng Incicaș, với Lực lượng trên bộ Romania, đây là loại xe tăng phù hợp nhất để tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Tướng Incicaș không tiết lộ biến thể và ước tính số lượng xe tăng sẽ được mua cũng như lịch giao hàng. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông Romania, Bucharest có thể mua tới 54 chiếc Abrams để thay thế đội xe tăng đã “già cỗi” của mình.

Thông báo mua sắm nói trên được đưa ra trong bối cảnh Romania và các đồng minh Đông Âu khác đang tăng tốc mua sắm quốc phòng.

Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Ba Lan đã ký thỏa thuận mua 250 xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 của Mỹ, trị giá khoảng 4,75 tỷ USD và việc giao hàng bắt đầu luôn trong năm. Ngoài đơn đặt hàng đó, tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ký hợp đồng thứ hai trị giá khoảng 1,4 tỷ USD mua 116 chiếc M1A1 Abrams đã qua sử dụng của Mỹ.

* Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện ở Syria, Iraq

Hạ viện Mỹ đã không thông qua việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, chính thức bác bỏ nghị quyết kiểm soát quyền hạn chiến tranh do Hạ nghị sĩ Matt Gaetz giới thiệu.

Defensenews ngày 9-3 đã trích tuyên bố của Hạ nghị sĩ Gaetz hồi tháng trước rằng “Quốc hội Mỹ chưa bao giờ cho phép sử dụng lực lượng quân sự ở Syria”. Theo hạ nghị sĩ Mỹ, “Mỹ hiện không tham chiến hay chống lại Syria, vậy tại sao chúng ta lại tiến hành các hoạt động quân sự nguy hiểm ở đó? Tổng thống Biden phải rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria”.

Binh sĩ Mỹ trên trực thăng CH-47 Chinook hoạt động ở vùng Đông Bắc Syria năm 2021. Ảnh: Getty Images.

Năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu triển khai quân đội tới Syria để thực hiện chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ vẫn duy trì đóng quân tại đây theo ủy quyền quân sự năm 2001, được Quốc hội Mỹ thông qua.

Không đồng tình với ông Gaetz, Chủ tịch Đối ngoại Hạ viện Mike McCaul lập luận, mặc dù IS không còn kiểm soát nhiều lãnh thổ quan trọng, nhưng vẫn còn hàng chục nghìn chiến binh khủng bố ở Iraq và Syria đang cố gắng thành lập nhà nước khủng bố.

Ngày 7-3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Iraq. Tại đây, ông Austin tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ ở lại nước này theo lời mời của Baghdad.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (9-3): Australia sẽ mua 5 tàu ngầm lớp Virginia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO