* Vũ khí laser mới của Israel có thể vô hiệu hóa UAV và thiết bị nổ tự chế
Công ty quốc phòng Israel Rafael Advanced Defense Systems mới đây vừa công bố sẽ giới thiệu phiên bản mới nhất của hệ thống vũ khí laser năng lượng cao, Lite Beam, tại sự kiện Hiệp hội Lục quân Mỹ (AUSA) tại Washington, D.C., diễn ra từ ngày 14 đến 16-10.
Phù hợp với các loại xe hạng nhẹ, hệ thống vũ khí laser Lite Beam có thể triển khai tại nhiều khu vực hoạt động khác nhau, cho phép chống lại nhiều mối đe dọa, từ máy bay không người lái, tên lửa đến đạn cối. Ảnh: Rafael Advanced Defense Systems |
Được thiết kế để vô hiệu hóa nhanh chóng và chính xác các mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay không người lái (UAV) tấn công bầy đàn, Lite Beam đại diện cho những tiến bộ trong công nghệ phòng thủ chính xác. Hệ thống laser 10kW sẽ giúp nâng cao năng lực bảo vệ lực lượng hoạt động trên bộ, đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành.
Lite Beam nằm trong chiến lược mở rộng ứng dụng vũ khí năng lượng định hướng của Rafael nhằm chống lại nhiều mối đe dọa trên không và trên bộ. Hệ thống này là phiên bản cải tiến của hệ thống phòng không laser Iron Beam, một hệ thống vũ khí laser cố định 100kW có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách vài km. Phù hợp với các phương tiện hạng nhẹ, Lite Beam có thể được triển khai tại nhiều khu vực khác nhau, cho phép chống lại nhiều mối đe dọa, từ máy bay không người lái đến tên lửa, đạn cối. Ngoài ra, hệ thống còn có thể vô hiệu hóa các thiết bị nổ tự chế (IED) và các mối đe dọa khác trên mặt đất, giúp tăng tính linh hoạt của hệ thống trên chiến trường.
Với phạm vi hiệu quả từ vài trăm mét đến khoảng 2.000m, Lite Beam có khả năng theo dõi chính xác mục tiêu thông qua hệ thống theo dõi tiên tiến. Lite Beam cũng có thể được trang bị các hệ thống chống máy bay không người lái (C-UAV) khác. Tính mô-đun của nó cho phép lắp đặt trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm xe bọc thép, tàu và phương tiện mặt đất cố định.
* Malaysia hiện đại hóa Không quân bằng việc mua trực thăng Leonardo AW149
Lực lượng vũ trang Malaysia hiện đang có ý định mua 24 trực thăng Leonardo AW149 nhằm thay thế trực thăng Sikorsky S-61A-4 Nuri đã cũ.
Leonardo AW149 là trực thăng quân sự đa nhiệm thế hệ tiếp theo được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ phức tạp trên chiến trường. Ảnh: Leonardo |
Leonardo AW149 là trực thăng quân sự đa nhiệm thế hệ tiếp theo được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ phức tạp trên chiến trường. Trực thăng có thể vận chuyển quân, sơ tán y tế, thực hiện hoạt động tìm kiếm và cứu nạn và các nhiệm vụ đặc biệt khác. AW149 có cabin rộng rãi và có khả năng chở tối đa 16 binh lính mang trang bị đầy đủ. Phương tiện này được trang bị hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến, cho phép thực hiện nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Được trang bị động cơ General Electric, AW149 có thể đạt tốc độ tối đa 294 km/giờ, phạm vi hoạt động 1.009km và có thể hoạt động tối đa 50 phút trong trường hợp hộp số bị hỏng.
* Đức nối lại hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ
Theo thông tin do tờ Der Spiegel đăng tải, chính phủ Đức đã chấp thuận xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm.
Tàu ngầm Type 209 TCG Anafartalar do Đức chế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkish MFA |
Hội đồng An ninh Liên bang Đức gần đây đã phê duyệt nhiều lô hàng vũ khí trị giá hàng trăm triệu euro cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các thỏa thuận bao gồm 100 tên lửa phòng không và ngư lôi cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các gói vật liệu để hiện đại hóa tàu ngầm và các khinh hạm của quốc gia này.
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với lập trường trước đây của Đức, khi việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh trong những năm gần đây do lo ngại về mối quan hệ ngày càng căng thẳng của nước này với NATO.
Bên cạnh đó, đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI), một dự án do Đức dẫn đầu nhằm thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp của châu Âu.
* Romania sẽ ký hợp đồng mua xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc vào năm 2025
Theo Defense Romania, tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế Hàn Quốc (KADEX 2024), nhà sản xuất Hyundai Rotem, đã xác nhận thử nghiệm thành công xe tăng K2 Black Panther tại Romania. Theo đó, Romania có thể sẽ ký hợp đồng mua xe tăng K2 vào năm 2025.
Theo số liệu thống kê gần đây, Huyndai Rotem đã sản xuất khoảng 410 xe tăng K2. Ảnh: ROKA |
K2 đã được thử nghiệm trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, bao gồm cả thời tiết cực lạnh ở Na Uy và nhiệt độ cao ở Oman, nhằm đảm bảo tính linh hoạt của phương tiện trong các môi trường hoạt động khác nhau. Các cuộc thử nghiệm địa hình và bắn thử K2 tại Romania được thực hiện trong năm nay sẽ cung cấp cho Romania thông tin bổ sung về mức độ thích ứng của K2 với các điều kiện môi trường và bối cảnh hoạt động cụ thể tại Romania.
Được trang bị pháo nòng trơn 120mm, K2 có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn xuyên giáp dưới cỡ, cân bằng bằng cánh đuôi có đai tách rời (APFSDS) và đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT). Hệ thống nạp đạn tự động cho phép xe đạt tốc độ bắn lên tới 10 phát/phút, với tổng sức chứa là 40 viên. Bên cạnh đó, xe tăng còn được trang bị súng máy hạng nặng 12,7mm và súng máy đồng trục 7,62mm, giúp tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu bọc thép và mục tiêu mềm.
K2 còn được tích hợp hệ thống áp suất cao nhằm chống lại các mối đe dọa hóa học và sinh học, hệ thống chữa cháy tự động và lá chắn neutron để bảo vệ kíp lái khỏi tiếp xúc với bức xạ.
QUỲNH OANH (tổng hợp)