Quân sự thế giới hôm nay (7-6): Hàn Quốc chào hàng pháo K9 Thunder cho Mỹ

07/06/2024 06:53

Quân sự thế giới hôm nay (7-6-2024) có những nội dung sau: Pháo phòng không Cheetah lần đầu xuất hiện tại Ukraine, Đức mua thêm tiêm kích Eurofighter Typhoon, Hàn Quốc chào hàng pháo K9 Thunder cho Mỹ.

* Pháo phòng không Cheetah lần đầu xuất hiện tại Ukraine

Defense Express vừa công bố thông tin pháo phòng không tự hành Cheetah đã được biên chế cho lực lượng phòng không Ukraine. Đây cũng được cho là những hình ảnh đầu tiên của hệ thống này tại Ukraine.

Thực chất pháo phòng không Cheetah là tên gọi khác của pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất, vốn đã được Berlin chuyển giao cho Kiev. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Cheetah tại Ukraine có phần đặc biệt hơn.

Binh sĩ Ukraine cùng pháo phòng không tự hành Cheetah. Ảnh: Defense Express

Cụ thể, 60 pháo phòng không Gepard được Đức bán cho Hà Lan và được lấy tên là Cheetah. Sau đó, năm 2013, Hà Lan bán cho Jordan với giá 21 triệu euro. Khi kho vũ khí ngày càng bị thu hẹp, Mỹ theo đuổi nhiều biện pháp khác nhau để tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Moscow-Kiev vẫn diễn ra, trong đó có chính sách mua lại từ nước thứ ba.

Vì vậy, tháng 11-2023, chính quyền Washington quyết định chi 110 triệu euro mua 60 pháo phòng không Cheetah để viện trợ Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Hiện chưa rõ phía Kiev đã nhận được toàn bộ số pháo này hay chưa.

Hệ thống pháo phòng không Gepard được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và đưa vào biên chế quân đội Đức từ năm 1973. Hệ thống sử dụng động cơ diesel công suất 830 mã lực, cho phép xe di chuyển với vận tốc 65km/giờ, phạm vi hành trình tối đa 550km. Hỏa lực của hệ thống là 2 pháo tự động Oerlikon GDF 35mm có tốc độ bắn 550 phát/phút, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76mm.

* Đức mua thêm tiêm kích Eurofighter Typhoon

Defense News dẫn phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Triển lãm Hàng không quốc tế ở Berlin cho biết nước này sẽ mua thêm 20 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon trị giá khoảng 2 tỷ euro. Việc đặt hàng dự kiến được tiến hành trước năm 2025.

Số máy bay trên sẽ thuộc cùng biến thể Tranche 4 (hay còn gọi là Quadriga) như 38 chiếc Eurofighter Typhoon khác mà Đức đặt hàng vào năm 2020. Các máy bay sẽ gia nhập phi đội Eurofighter Typhoon của quân đội nước này để thay thế vị trí của các tiêm kích Tornado đã có tuổi đời hàng chục năm và sắp đến niên hạn loại biên.

Máy bay Eurofighter Typhoon của không quân Đức. Ảnh: Scramble

Eurofighter Typhoon là tiêm kích đa năng thế hệ 4 do liên doanh giữa Đức, Tây Ban Nha, Anh và Italy cùng hợp tác nghiên cứu phát triển. Biến thể tiêu chuẩn Eurofighter Typhoon có chiều dài 15,96m, sải cánh 10,95m, cao 5,28m. Máy bay có trọng lượng rỗng 11.000kg và trọng lượng cất cánh tối đa 23.500kg, tốc độ tối đa 2.390km/giờ, trần bay 20km và tầm hoạt động gần 1.400km. 13 điểm treo trên cánh và bụng cho phép nó mang theo tổng cộng khoảng 8 tấn vũ khí. Mặc dù chỉ là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 nhưng nó lại có tính năng “tàng hình” của tiêm kích thế hệ 5, nhờ được chế tạo từ những vật liệu sợi tổng hợp giúp diện tích phản xạ radar nhỏ.

Trong khi đó, biến thể Tranche 4 sẽ được phân biệt bằng thùng nhiên liệu phụ để gia tăng tầm bay, phần mềm điều khiển hỏa lực được cập nhật, hệ thống radar mảng pha chủ động (AESA), và hệ thống phòng thủ được nâng cấp. Trước đây, không quân Đức từng để ngỏ khả năng sẽ trang bị tới 90 chiếc Eurofighter Typhoon Tranche 4.

* Hàn Quốc chào hàng pháo K9 Thunder cho Mỹ

Theo Breaking Defense, hãng Hanwha Defense của Hàn Quốc muốn cung cấp cho quân đội Mỹ dòng pháo tự hành K9 Thunder nhằm lấp đầy khoảng trống trong lực lượng pháo binh Mỹ sau khi Washington từ bỏ phát triển mẫu pháo có tầm bắn xa.

Cụ thể, vào tháng 3 vừa qua, Lục quân Mỹ tuyên bố hủy dự án Pháo nòng dài Tăng tầm (ERCA), vốn được công bố vào năm 2015 với mục đích phát triển một mẫu pháo tự hành mới có tầm bắn (70km) xa hơn Paladin M109A7 - dòng pháo chủ lực hiện nay của quân đội Mỹ, nhằm bắt kịp các mẫu pháo hiện đại của Nga và Trung Quốc. Lý do có thể là do “nhiều thách thức kỹ thuật”.

Pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc. Ảnh: Asian Military Review

Vì vậy, thay vì tiếp tục theo đuổi “thứ gì đó mới mẻ”, Lục quân Mỹ chuyển sang nghiên cứu “những thứ có sẵn”, cả trong và ngoài nước, để sở hữu một hệ thống pháo tầm bắn xa như mục tiêu đặt ra trong dự án ERCA. Trong năm tài chính 2025, lực lượng này sẽ dành ra 55 triệu USD cho việc tìm kiếm và phát triển pháo tăng tầm.

Chớp thời cơ này, Hanwha Defense sẽ tổ chức giới thiệu pháo tự hành K9 Thunder, dự kiến trong một sự kiện tại thủ đô Seoul hoặc tại thao trường Yuma (bang Arizona, Mỹ) tùy theo tình hình cụ thể. Thời gian chính xác cũng chưa được phía Hàn Quốc công bố.

Được coi là một trong những pháo tự hành bánh xích tốt nhất thế giới, K9 Thunder được đưa vào biên chế trong quân đội Hàn Quốc từ năm 1999 và hiện đang có trong biên chế của khá nhiều nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Phần Lan, Na Uy... Vũ khí chính của hệ thống là pháo cỡ nòng 155mm có khả năng bắn tất cả các loại đạn tiêu chuẩn NATO. Nhờ tích hợp hệ thống nạp đạn tự động, pháo có thể khai hỏa với tốc độ bắn khoảng 6 phát/phút. Một trong những tính năng nổi bật của K9 Thunder là chế độ bắn nhiều phát đạn với liều phóng và góc khác nhau (MSI) để chạm mục tiêu gần như cùng lúc ở tầm bắn tối đa 40km với đạn thông thường và 52km với đạn tăng tầm.

MINH ANH(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (7-6): Hàn Quốc chào hàng pháo K9 Thunder cho Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO