* Các quốc gia gửi F-16 tới Đan Mạch để huấn luyện phi công Ukraine
Trang Kyivindependent đưa tin, hai chiến đấu cơ F-16 cùng 10 nhân viên của Không quân Na Uy đã hạ cánh tại một cơ sở ở Đan Mạch để phục vụ cho công tác huấn luyện phi công Ukraine.
Là 1 trong 13 quốc gia thuộc “Liên minh F-16”, Na Uy đã cam kết hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay F-16 vì Kiev dự kiến sẽ nhận các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất từ các đối tác của mình.
Ngoài 2 tiêm kích phục vụ công tác huấn luyện, Na Uy còn cam kết viện trợ một số F-16 cho Không quân Ukraine nhưng không nêu rõ số lượng. Tuy nhiên, theo thông tin từ truyền hình NRK, con số này có thể là từ 5 đến 10 máy bay.
Một chiếc F-16 của Na Uy hạ cánh xuống Đan Mạch trong khuôn khổ chương trình huấn luyện phi công Ukraine vào ngày 5-1. Ảnh: Không quân Na Uy |
Bộ Quốc phòng Bỉ cũng thông báo sẽ gửi 2 tiêm kích F-16 đến Đan Mạch để phục vụ chương trình đào tạo. Theo đó, máy bay và đội ngũ nhân sự khoảng 50 người của Bỉ sẽ đến Đan Mạch vào tháng 3 và sẽ ở lại cho đến tháng 9 để phục vụ công tác đào tạo sử dụng loại chiến đấu cơ này cho phía Ukraine.
Trước đó, vào tháng 9-2023, Bỉ tỏ ra lo ngại những chiến đấu cơ của mình có thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn bay khắt khe nhất của Ukraine và nhấn mạnh ý tưởng điều F-16 để phục vụ công tác huấn luyện phi công của Ukraine là không khả thi. Tuy nhiên, đến tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Ludivine Dedonde tiết lộ rằng Bỉ chuẩn bị gửi F-16 tới Ukraine và việc điều động phụ thuộc vào thời gian ra mắt của máy bay chiến đấu F-35 Block 4 mới của nước này.
Ngoài Đan Mạch, hiện chương trình đào tạo phi công của Ukraine cũng được tổ chức ở Mỹ và Romania. Chương trình huấn luyện ở Mỹ dự kiến sẽ kết thúc "vào cuối năm nay". Theo các chuyên gia Mỹ và tuyên bố chính thức từ các thành viên Lầu Năm Góc, các phi công Ukraine có thể sẽ vận hành được F-16 sớm nhất là vào mùa hè.
* Nga có kế hoạch trang bị đạn chùm cho tên lửa hành trình Kh-32
Air Recognition dẫn thông tin của Kyiv Post cho biết, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine (NRC) có thông tin cho thấy Bộ Quốc phòng Nga đang lên kế hoạch trang bị đạn chùm cho tên lửa hành trình Kh-32.
Các nguồn tin từ NRC cho biết, Nga được cho là đang lên kế hoạch nâng cấp tên lửa hành trình Kh-32 bằng cách kết hợp đạn chùm. Tuy nhiên, trung tâm này xác nhận rằng, cho đến nay vẫn chưa ghi nhận việc sử dụng tên lửa hành trình Kh-32 có trang bị loại đạn này.
Kh-32 về cơ bản là phiên bản hiện đại hóa của Kh-22. Tên lửa hành trình này được đưa vào sử dụng vào năm 2016 và được trang bị cho máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3M. Vào năm 2022, tên lửa này lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu.
Một chiếc Tu-22M3 mang tên lửa Kh-32. Ảnh: defence-ua.com |
Được phát triển bởi MKB Raduga, Kh-32 có cấu trúc và kích thước tương tự như phiên bản tiền nhiệm, nhưng có trọng lượng đầu đạn nhẹ hơn cho phép tăng tầm bắn lên tới 1.000km. Ngoài động cơ mạnh hơn, Kh-32 còn có hệ thống dẫn đường tiên tiến bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính radar có hiệu chỉnh và tham chiếu dựa trên địa hình thông qua máy đo độ cao.
Kh-32 sở hữu những khả năng đáng gờm. Ở giai đoạn cuối, với khả năng bổ nhào, tên lửa hành trình này có thể khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa như hệ thống chiến đấu Aegis, được trang bị tên lửa Standard Missile 6, gặp khó trong việc theo dõi và đánh chặn. Ngoài ra, radar đa tần của Kh-32 cũng giúp cải thiện khả năng chống tác chiến điện tử.
* Litva tiếp nhận súng cối Expal 120-MX2-SM 120mm
Lực lượng vũ trang Litva vừa bổ sung một loạt súng cối Expal 120-MX2-SM 120mm mới, được sản xuất bởi EXPAL Systems, S.A., một công ty của Tây Ban Nha. Đây là kết quả của thương vụ trị giá khoảng 9,8 triệu Euro giữa cơ quan mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Litva và EXPAL Systems, S.A. Hợp đồng này bao gồm hệ thống súng cối và bộ phụ tùng hoàn chỉnh.
Hệ thống súng cối Expal 120-MX2-SM đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, thể hiện độ tin cậy và khả năng tương thích với các tiêu chuẩn quân sự quốc tế. Vũ khí này nổi bật bởi tính cơ động và linh hoạt, giúp tăng cường hỏa lực và độ chính xác. Những tính năng này rất quan trọng để thích ứng với các yêu cầu chiến thuật khác nhau và đảm bảo hỗ trợ hỏa lực trên chiến trường.
Lô súng cối Expal 120-MX2-SM đầu tiên đã được giao cho Litva. Ảnh: Bộ Quốc phòng Litva |
Đặc điểm chính của thiết bị phòng thủ mới này là tầm bắn hiệu quả lên tới 8km. Với tầm bắn mở rộng cùng với độ chính xác cao, hệ thống súng cối Expal 120-MX2-SM được đánh giá là sẽ giúp nâng cao đáng kể khả năng tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Litva trong các tình huống khác nhau. Việc bổ sung loại súng cối tiên tiến này là một bước đi quan trọng trong bối cảnh an ninh khu vực đang có nhiều biến động.
Ngoài cối 120mm, Expal Systems còn sản xuất cối 60mm và 81mm. Đạn dược do công ty sản xuất đã được xuất khẩu tới hơn 35 quốc gia NATO và đồng minh.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)