*Triều Tiên triển khai 1.000 tên lửa đạn đạo Hwasong-11D tới biên giới phía Nam
Mới đây, Triều Tiên tuyên bố triển khai 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-11D đến biên giới phía nam, đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai tiết lộ một đợt chuyển giao vũ khí quy mô lớn cho các đơn vị biên giới.
Triều Tiên triển khai 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-11D tới các đơn vị ở biên giới phía nam. Ảnh: KCNA |
Mỗi bệ phóng được thiết kế có thể chứa 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn mang đầu đạn nặng 4,5 tấn với tầm bắn lên tới 180km, tổng cộng là 1.000 tên lửa.
Tên lửa Hwasong-11D lần đầu tiên được thử nghiệm công khai vào tháng 5 vừa qua dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây là phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo KN-23 và đã trải qua nhiều lần thử nghiệm thành công kể từ khi ra mắt vào năm 2018. Tên lửa này có tầm hoạt động từ 100-180km và có thể mang đầu đạn nặng 4,5 tấn, giúp nó có khả năng tấn công mạnh vào các vị trí kiên cố hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Hwasong-11D có hệ thống dẫn đường tự động giúp tăng cường độ chính xác bằng cách cho phép điều chỉnh giữa hành trình, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn. Quỹ đạo bán đạn đạo của tên lửa cũng là một yếu tố khiến vũ khí này rất khó bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của đối phương.
Được thiết kế đặt trên các bệ phóng di động, Hwasong-11D có khả năng sống sót và tính linh hoạt cao hơn khi triển khai. Bên cạnh đó, tên lửa có khả năng phóng từ nhiều bệ phóng khác nhau, bao gồm cả toa tàu hỏa đã được cải tiến và bệ phóng di động trên bộ.
* Hải quân Philippines nhận 2 tàu tấn công nhanh lớp Acero
Ngày 5-8, Army Recognition đưa tin Hải quân Philippines dự kiến sẽ nhận 2 tàu tấn công nhanh lớp Acero (Shaldag Mk V) do Israel sản xuất vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Tàu tấn công nhanh lớp Acero BRP Herminigildo Yurong của Philippines. Ảnh: PH MoD |
Việc mua sắm các tàu Shaldag Mk V là một phần của hợp đồng giữa chính phủ Philippines và công ty đóng tàu Israel Shipyards Ltd. được ký vào đầu năm 2021. Thỏa thuận này bao gồm việc mua lại 9 tàu, trong đó 8 tàu đầu tiên được đóng tại Israel. Tàu cuối cùng sẽ được lắp ráp tại Philippines.
Shaldag Mk V có chiều dài 32,65m và lượng giãn nước khoảng 95 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ trên 74km/giờ. Tàu được trang bị hệ thống dẫn đường và chiến đấu hiện đại, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động trong các nhiệm vụ tuần tra ven biển và ngoài khơi.
Vũ khí được trang bị trên tàu bao gồm một trạm vũ khí điều khiển từ xa tương thích với pháo tự động 25-30mm hoặc các súng máy nhỏ hơn. Các cảm biến và hệ thống liên lạc tiên tiến của tàu cho phép phối hợp hiệu quả và nhận thức tình huống trong các hoạt động ngăn chặn.
* Nga chặn bom dẫn đường BK-3OF gắn trên UAV của Ukraine
Quân đội Nga vừa chặn thành công 1 quả bom BK-3OF của Ukraine. Đây là loại bom phân mảnh mạnh gắn trên máy bay chiến đấu không người lái Baba Yaga.
BK-3OF là một loại bom nổ phân mảnh mạnh được gắn trên máy bay không người lái Baba Yaga của Ukraine. Ảnh: Army Recognition |
BK-3OF là một loại bom dẫn được thiết kế để tấn công vị trí của lực lượng bộ binh và xe bọc thép hạng nhẹ. Bom sử dụng đầu đạn phân mảnh mạnh (HE-Frag).
BK-3OF là một biến thể của đầu đạn RK-3OF từ tên lửa RK-3 Korsa – một tên lửa chống tăng dẫn đường bằng tia laser (LBR ATGM) được thiết kế để xuyên thủng giáp hạng nặng và các công trình kiên cố.
Baba Yaga là một mẫu máy bay không người lái khác nằm trong kho vũ khí của Ukraine, đóng vai trò thiết yếu trong các nhiệm vụ trinh sát và tấn công đòi hỏi tính chính xác. Những UAV này có thể bay lơ lửng, cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực và vận chuyển đạn dược với độ chính xác cao.
Ngay cả khi không được trang bị động cơ tên lửa và chỉ được sử dụng ở chế độ rơi tự do, Baba Yaga cũng có thể tấn công mục tiêu từ độ cao lớn mà không cần phải ở ngay phía trên mục tiêu. Sau khi cắt bom, UAV có thể nhanh chóng di chuyển khỏi vị trí ban đầu, làm tăng đáng kể khả năng sống sót của phương tiện.
*Bulgaria có ý định mua hệ thống phòng không IRIS-T của Đức
Bulgaria đặt mục tiêu tăng cường năng lực phòng không bằng cách mua hệ thống phòng không IRIS-T từ Đức. Một dự luật do chính phủ đề xuất lên Quốc hội Bulgaria bao gồm việc mua 1 khẩu đội IRIS-T SLM và 1 khẩu đội IRIS-T SLX.
Tên lửa IRIS-T được trang bị đầu dò hồng ngoại có độ phân giải cao, hệ thống xử lý hình ảnh tiên tiến và điều khiển vectơ lực đẩy, mang lại khả năng cơ động đặc biệt. Ảnh: Diehl Defense |
IRIS-T SLM là phiên bản tầm trung của hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SL, được thiết kế và sản xuất bởi công ty Diehl Defense của Đức. Hệ thống này cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện trước máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường, cho phép tấn công đồng thời nhiều mục tiêu từ tầm rất ngắn đến tầm trung. IRIS-T SLM tương thích với nhiều hệ thống radar đa nhiệm, giúp hệ thống này phù hợp cho việc triển khai khi đang cơ động cũng như tại vị trí cố định.
Hệ thống này sử dụng tên lửa dẫn đường không đối không IRIS-T, được trang bị đầu dò hồng ngoại có độ phân giải cao, hệ thống xử lý hình ảnh tiên tiến và điều khiển vectơ lực đẩy, mang lại khả năng cơ động đặc biệt. Hệ thống có tầm bắn tối đa 40km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lên tới 20km.
Trong khi đó, IRIS-T SLX là phiên bản tầm xa của hệ thống IRIS-T. Hệ thống này được tích hợp các công nghệ tiên tiến, giúp mở rộng khả năng giao tranh, được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và các mối đe dọa trên không tinh vi khác, trong phạm vi lên tới 80km. Giống như IRIS-T SLM, SLX có thể được tích hợp với nhiều hệ thống radar đa nhiệm khác nhau và được điều khiển từ xa bởi các trung tâm chỉ huy.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)