Quân sự thế giới hôm nay (5-5): Nga đánh chặn tên lửa ATACMS bằng hệ thống phòng không Buk-M3

05/05/2024 07:13

Quân sự thế giới hôm nay (5-5-2024) có những nội dung sau: Northrop Grumman hiện đại hóa máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, Nga đánh chặn tên lửa ATACMS bằng hệ thống phòng không Buk-M3, tập trận hải quân đa quốc gia Mare Aperto 2024.

* Northrop Grumman hiện đại hóa máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit

Theo hợp đồng trị giá 7 tỷ USD với Không quân Mỹ, Tập đoàn Northrop Grumman sẽ thực hiện các cải tiến, bảo dưỡng máy bay và các dịch vụ hậu cần cần thiết. Hợp đồng sẽ được thực hiện tại California và hoàn tất vào tháng 5-2029.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit được mệnh danh là “bóng ma bầu trời". Đây là một trong những máy bay ném bom chiến lược đa nhiệm có hỏa lực mạnh có thể xuyên thủng những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới. Máy bay được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, phòng thủ nghiêm ngặt và để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Ảnh: Không quân Mỹ

Theo Không quân Mỹ, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit có thể mang cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, máy bay có thể mang theo từ 20 đến 30 tấn vũ khí, bao gồm bom lượn thông minh AGM-154 JSOW, tên lửa hành trình tàng hình tầm xa AGM-158 JASSM, và bom xuyên phá GBU-57. Máy bay được trang bị 4 động cơ General Electric F118-GE-100, có thể đạt tốc độ tối đa 1.000 km/giờ, tốc độ hành trình 900 km/giờ, trần bay hơn 15.200m.

The Defense Post cho biết, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit có phạm vi hoạt động 9.600km, được vận hành bởi phi hành đoàn gồm hai người.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit là một bộ phận cấu thành quan trọng trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, gồm máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm tấn công hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

* Nga dùng hệ thống phòng không Buk-M3 để đánh chặn tên lửa ATACMS?

Ngày 4-5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã đánh chặn thành công 15 tên lửa chiến thuật ATACMS thuộc hệ thống tên lửa tầm xa Mỹ cung cấp cho Ukraine, trong đó có 4 tên lửa trên vùng trời bán đảo Crimea.

Theo Army Recognition, những hoạt động đánh chặn này được thực hiện bởi phiên bản mới nhất của hệ thống tên lửa phòng không Buk của Nga, Buk-M3, vốn nổi tiếng với khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên không trong điều kiện tác chiến điện tử khắc nghiệt.

Tên lửa ATACMS của Mỹ mới đây đã được chuyển tới Ukraine. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân Mỹ (ATACMS) là thành phần quan trọng trong kho tên lửa chiến thuật của Mỹ, được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao ở tầm xa. Được phát triển vào đầu những năm 1980 và triển khai lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, ATACMS là hệ thống tên lửa đất đối đất có thể phóng từ nhiều nền tảng, bao gồm Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 (MLRS) và hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS). Có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 300km, tùy thuộc vào biến thể, ATACMS đóng vai trò quan trọng trong tác chiến chiến thuật trên mặt đất, cho phép tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của đối phương với độ chính xác cao.

Các tên lửa ATACMS được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, từ đạn nổ mạnh đơn nhất đến đạn chùm, nên có khả năng thích ứng với nhiều tình huống chiến thuật khác nhau.

Buk-M3 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung. Ảnh minh họa: Army Recognition

Buk-M3, còn được gọi là Viking, là bản nâng cấp của Buk-M2 và là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung. Buk-M3 được tăng cường đáng kể khả năng phòng không trên mặt đất trước sự tấn công bằng máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật như ATACMS. Với phạm vi hoạt động lên tới 70km, tầm cao tới 35km, Buk-M3 nổi bật nhờ khả năng tấn công đồng thời vào nhiều mục tiêu trên không trong điều kiện nhiễu mạnh nhờ được trang bị hệ thống radar tinh vi và công nghệ điều khiển hỏa lực hiện đại.

Tính cơ động và linh hoạt là một trong những điểm mạnh của Buk-M3. Nó có thể nhanh chóng được triển khai và đi vào tác chiến chỉ trong vài phút. Điều này làm cho Buk-M3 đặc biệt hiệu quả trong môi trường chiến đấu hiện đại, nhịp độ nhanh, nơi các mối đe dọa trên không có thể xuất hiện bất ngờ và từ nhiều hướng. Điểm nổi bật nữa là mỗi đơn vị Buk-M3 có thể theo dõi tới 36 mục tiêu và dẫn đường tên lửa vào 6 mục tiêu trong số đó cùng lúc, đảm bảo khả năng hỏa lực mật độ cao trong các tình huống chiến đấu.

* Mare Aperto 2024 – Tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất của Italy

Khoảng 9.500 quân nhân từ 22 quốc gia (trong đó 11 quốc gia thuộc NATO) đang tham gia cuộc tập trận mang tên Mare Aperto 2024 (MA 24) do Hải quân Italy lên kế hoạch và tiến hành. Cuộc tập trận còn có sự tham gia của hơn 100 tàu, máy bay, tàu ngầm và phương tiện không người lái.

Mare Aperto 2024 là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất của Italy với sự tham gia của 9.500 quân nhân từ 22 quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Các tàu hải quân của Italy tại cuộc tập trận Mare Aperto 2023. Ảnh: Hải quân Italy

Năm nay, cuộc tập trận có sự tham gia của nhóm thường trực chống mìn hải quân NATO được triển khai ở Địa Trung Hải (SNMCMG2), các khí tài hải quân hoạt động theo sáng kiến EUROMARFOR, lực lượng đổ bộ của Tây Ban Nha và nhóm tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp.

Diễn ra tại trung tâm Địa Trung Hải trong một khu vực bắt đầu từ biển Ionian đến bờ biển nước Pháp, bao gồm Sicily, Sardinia và Corsica, cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 27-5.

MAI HƯƠNG(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (5-5): Nga đánh chặn tên lửa ATACMS bằng hệ thống phòng không Buk-M3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO