* Nga tìm cách khắc chế tên lửa Storm Shadow của Anh
Mới đây, RIA Novosti đăng tải một đoạn video quay cảnh chuyên gia tên lửa Nga tháo dỡ một tên lửa hành trình Storm Shadow mà họ được thu được của Ukraine.
Chuyên gia Nga đang tháo dỡ một tên lửa hành trình Storm Shadow. Ảnh: aif.ru |
Trong video, tình trạng thân tên lửa còn gần như nguyên vẹn; vì vậy, rất có thể tên lửa đã bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga can thiệp, hoặc rơi do “trục trặc kỹ thuật”. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Nga công bố quá trình tháo dỡ thân tên lửa Storm Shadow và công khai trên truyền hình.
Chuyên gia Nga giới thiệu phần đầu đạn, động cơ phản lực cũng như các vật liệu và một số linh kiện dùng để lắp ráp tên lửa Storm Shadow, qua đó giúp Moscow nắm được nguyên lý cấu tạo, hoạt động của tên lửa và đang nghiên cứu hoàn thiện các kỹ thuật để vô hiệu hóa vũ khí này.
Cũng theo video trên, phía Nga tuyên bố đã phát triển loại khí tài để có thể chế áp được tên lửa Storm Shadow, khiến nó rơi xuống đất mà không phát nổ. Đặc biệt, thiết bị này sẽ được triển khai ở chiến trường Ukraine trong thời gian tới.
Tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh và Pháp cùng phát triển, các mẫu khác nhau của nó có tầm bắn từ 250km đến 560km (mẫu viện trợ cho Ukraine có tầm bắn dưới 250km), có khả năng tấn công chính xác và cũng có thể được thiết lập để kích nổ chậm. Tên lửa sử dụng đầu đạn nối tiếp BROACH, tức là có hai đầu đạn ở phía trước và phía sau. Phía trước là đầu đạn xuyên giáp, theo kiểu nổ lõm, có sức công phá nhỏ, có nhiệm vụ “mở lỗ” trên bề mặt mục tiêu cứng; còn phía sau là đầu đạn có sức nổ mạnh, có thể khoan thẳng vào phía sau mục tiêu và phát nổ.
Video Nga phá dỡ tên lửa Storm Shadown. Nguồn: RIA Novosti |
Theo tuyên bố của quân đội Nga, lực lượng phòng không nước này từng rất nhiều lần bắn hạ tên lửa Storm Shadow của Ukraine. Nhưng về cơ bản, tên lửa này đã bị bắn hạ trên không trung và phát nổ.
* Mỹ chính thức công nhận tính năng “chống sét” của tiêm kích F-35A
Breaking Defense dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vừa chính thức dỡ bỏ hạn chế bay vào khu vực có sét đối với tiêm kích F-35A dành riêng cho lực lượng không quân, sau 4 năm khắc phục lỗi trong hệ thống an toàn.
Một tiêm kích F-35A của không quân Mỹ. Ảnh: Defense News |
Vào năm 2020, các kỹ sư phát hiện những ống dẫn khí được lắp đặt vào hệ thống tạo khí trơ trên máy bay (OBIGGS) của một số chiếc F-35A bị hư hại. Về bản chất, hệ thống này giúp máy bay không phát nổ khi bị sét đánh, bằng việc bơm không khí chứa nhiều nitơ vào thùng nhiên liệu. Nếu các ống dẫn hư hỏng, hệ thống OBIGGS có thể không hoạt động bình thường trong trường hợp khẩn cấp.
Vì thế, các máy bay F-35A sau đó bị cấm bay trong bán kính 40km từ khu vực có sấm sét. Các biến thể khác của dòng F-35 là F-35B và F-35C không gặp vấn đề này, song Lầu Năm Góc khi đó vẫn quyết định tạm dừng bàn giao toàn bộ tiêm kích F-35 trong vài tuần để có thể loại trừ khả năng hệ thống OBIGGS gặp lỗi trong quá trình sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, viện dẫn vì lý do an ninh, Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 (JPO), cơ quan thuộc chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm sản xuất và bảo trì các loại tiêm kích F-35, không tiết lộ có bao nhiêu máy bay đã được sửa hệ thống OBIGGS và có thể bay gần khu vực sấm sét.
Trong khi đó, không quân Mỹ khẳng định giới hạn khoảng cách tiêm kích F-35A được tiếp cận với khu vực có sấm sét sẽ được giảm, sau khi hệ thống OBIGGS được chứng nhận an toàn để vận hành. Ngoài ra, phi công cũng được hướng dẫn không bay vào thời tiết sấm sét, trừ khi đó là điều cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Sấm sét từ lâu là mối lo với các phiên bản F-35 nói chung, đôi khi bị coi là sự mỉa mai, khi mẫu tiêm kích này lại mang biệt danh “Tia chớp”.
* Hải quân Indonesia tăng cường năng lực bằng tàu ngầm Pháp
Defense News đưa tin, Hải quân Indonesia đã ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene của nhà thầu Pháp Naval Group. Tuy nhiên, nội dung và giá trị của hợp đồng không được tiết lộ.
Indonesia là khách hàng tiếp theo của tàu ngầm lớp Scorpene. Ảnh: Naval Group |
Được biết, các tàu ngầm này sẽ được đóng tại xưởng của hãng đóng tàu PT PAL ở Indonesia. Naval Group sẽ chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ, trong khi công tác quản lý, vận hành và bảo trì sẽ do các kỹ sư Indonesia tiến hành.
Scorpene là lớp tàu ngầm diesel-điện hiện đại của Pháp. Tàu bao gồm 31 thành viên thủy thủ đoàn, được tích hợp 6 bệ phóng với sức chứa 18 ngư lôi và tên lửa. Tàu có khả năng hoạt động dưới nước trong 12 ngày, lặn sâu đến 300m.
Naval Group đang nỗ lực phục hồi sau thất bại trong thỏa thuận bán tàu ngầm cho Australia năm 2021. Hiện tập đoàn này đã bán được 6 tàu ngầm Scorpene cho Ấn Độ, 4 chiếc cho Brazil, 2 chiếc cho Chile và 2 chiếc cho Malaysia.
MINH ANH (tổng hợp)