* Vì sao Estonia chưa thể mua Patriot trong vòng 10 đến 15 năm tới?
Một cựu quan chức không quân Estonia mới đây nhận định, Estonia chưa thể đầu tư vào hệ thống phòng không Patriot của Mỹ trong vòng 10 đến 15 năm tới.
Estonia hiện tập trung vào việc thiết lập một hệ thống phòng không tầm trung 2 tầng với hệ thống IRIS-T của Đức và được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng không di động tầm ngắn, bao gồm các hệ thống Mistral và Piorun do Pháp và Ba Lan phát triển. Vị cựu quan chức này thừa nhận rằng, không có quốc gia nào có thể xây dựng một hệ thống phòng không tin cậy tuyệt đối, đặc biệt là khi xét đến diện tích lãnh thổ rộng lớn.
Mỗi bệ phóng của Patriot có khả năng phóng 4 tên lửa. Ảnh: war zone |
Hệ thống phòng không Patriot bao gồm tổ hợp radar AN/MPQ-65 có chức năng giám sát không phận và phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc và trạm điều khiển. Mỗi khẩu đội Patriot bao gồm 8 bệ phóng, mỗi bệ có khả năng phóng 4-16 tên lửa. Patriot phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, cung cấp phạm vi bảo vệ ở bán kính từ 60 đến 160km. Khả năng này rất quan trọng để phòng thủ chống lại các tên lửa đạn đạo di chuyển nhanh và đầy thách thức.
Xét về mặt địa lý, Estonia có diện tích khoảng 45.000km², số lượng khẩu đội Patriot cần thiết sẽ phụ thuộc vào số lượng các địa điểm chiến lược cần được bảo vệ. Các chuyên gia ước tính rằng, nước này sẽ cần từ 3-5 khẩu đội Patriot để bảo vệ các địa điểm quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng. Đánh giá này cũng xem xét việc tích hợp hệ thống với các mạng lưới phòng thủ hiện có của NATO và các quốc gia láng giềng như Latvia và Lithuania, cùng với các hệ thống phòng không của Estonia, như IRIS-T.
Cựu quan chức Estonia lưu ý rằng, việc mua 1 hệ thống như vậy là cần thiết, nhưng không dễ dàng bởi chi phí tốn kém. Ngoài chi phí mua sắm, việc đầu tư vào đào tạo nhân sự, bảo trì và tích hợp liền mạch với hệ thống quốc phòng quốc gia và đồng minh cũng đòi hỏi chi phí đáng kể.
Ngoài ra, những hạn chế trong sản xuất cũng khiến việc sử hữu Patriot trở nên khó khăn hơn. Theo đó, việc chế tạo các hệ thống tiên tiến như tên lửa cho hệ thống này đòi hỏi công nghệ phức tạp, cần nhiều thời gian bởi yêu cầu về độ chính xác. Trong những giai đoạn nhu cầu cao, các cơ sở sản xuất có thể quá tải, dẫn đến thời hạn giao hàng kéo dài.
* LIG Nex1 trình làng các giải pháp tiên tiến cho UAV tại KADEX 2024
Tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế Hàn Quốc (KADEX 2024), Công ty LIG Nex1 (một công ty con của Tập đoàn LG) đã trình làng các giải pháp công nghệ tiên tiến cho máy bay không người lái (UAV). Trong số đó, UAV vận tải với khả năng mang tải trọng 40kg và hệ thống chống UAV tích hợp, được thiết kế để giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng do UAV không xác định gây ra, đã thu hút được nhiều sự chú ý của người tham gia triển lãm.
Được trang bị kết hợp động cơ đốt trong với pin, UAV vận tải đa cánh quạt tải trọng 40kg có thể bay hơn 60 phút trong khi mang theo một tải trọng đáng kể. Khả năng vận chuyển với tải trọng lớn được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cả nhiệm vụ quân sự lẫn dân sự, đặc biệt là trong môi trường mà khả năng tiếp cận bằng đường bộ bị hạn chế. UAV này có thể được sử dụng để vận chuyển vật tư, thiết bị hoặc thậm chí là đạn dược trên chiến trường, mang lại sự linh hoạt hơn trong các hoạt động hậu cần.
Hybrid engine (động cơ lai) được xem là một bước tiến lớn đối với UAV này. Bằng cách kết hợp lợi ích của động cơ đốt trong với hiệu quả của pin, LIG Nex1 đã tạo ra một thiết bị có khả năng thực hiện các nhiệm vụ kéo dài trong khi giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng thông thường. Sự kết hợp này đặc biệt hữu ích trong những tình huống mà thời gian bay và khả năng chịu tải là ưu tiên, như thường xảy ra trong các hoạt động quân sự ở những khu vực xa xôi hoặc khó tiếp cận.
LIG Nex1 giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến tại KADEX 2024. Ảnh: Army Recognition |
Ngoài ra, LIG Nex1 còn giới thiệu một hệ thống chống UAV tích hợp. Khi việc sử dụng UAV, cho cả mục đích quân sự và dân sự, trở nên phổ biến, mối đe dọa do phương tiện này gây ra, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng nhạy cảm, đang ngày càng trở nên đáng lo ngại. Hệ thống phòng thủ UAV nhằm mục đích phát hiện, xác định và vô hiệu hóa các mối đe dọa, đảm bảo bảo vệ các cơ sở quan trọng như căn cứ quân sự, tòa nhà chính phủ hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng.
Sau khi phát hiện UAV thông qua các cảm biến tiên tiến, hệ thống sẽ đánh giá mức độ đe dọa của chúng. Nếu UAV được coi là nguy hiểm, hệ thống sẽ tùy chọn can thiệp vào tín hiệu điều khiển hoặc thậm chí sử dụng vũ khí năng lượng định hướng.
Hai giải pháp được LIG Nex1 giới thiệu tại KADEX 2024 thể hiện cam kết của công ty trong việc giải quyết những thách thức trong chiến trường hiện đại. UAV vận tải đa cánh quạt tải trọng 40kg và hệ thống chống UAV cung cấp các giải pháp cụ thể cho nhu cầu ngày càng tăng về khả năng di chuyển và an ninh, hai khía cạnh thiết yếu đối với lực lượng vũ trang ngày nay.
* Argentina đàm phán mua tàu ngầm lớp Scorpene từ Pháp
Army Recognition dẫn thông tin từ Tạp chí Zona Militar cho biết Argentina đang đàm phán với Pháp để mua 3 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene. Thỏa thuận được cho là có giá trị hơn 2 tỷ USD này đang được thảo luận giữa Chính phủ Argentina và nhà thầu quốc phòng Pháp Naval Group.
Tàu ngầm lớp Scorpene có chiều dài khoảng 66,4m, rộng 6,2m, lượng giãn nước khi lặn khoảng 2.000 tấn. Được trang bị hệ thống đẩy diesel-điện, tàu lớp này có khả năng đạt tốc độ lên đến 36km/giờ khi lặn và 21km/giờ khi nổi, lặn sâu khoảng 300m, hoạt động trong 50 ngày với phạm vi hoạt động ước tính khoảng 11.700km ở tốc độ 14,4km/giờ khi nổi.
Bản vẽ nghệ thuật của tàu ngầm lớp Scorpene. Ảnh: Naval Group |
Mỗi tàu ngầm lớp Scorpene có khả năng chở thủy thủ đoàn từ 31 đến 35 người, bao gồm cả sĩ quan. Các tàu ngầm được trang bị 6 ống phóng 533mm có khả năng phóng ngư lôi, tên lửa chống hạm và rải thủy lôi. Hệ thống vũ khí bao gồm ngư lôi Black Shark hoặc tên lửa chống hạm Exocet, tùy thuộc vào lựa chọn của khách hàng.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)