Quân sự thế giới hôm nay (4-2): Số lượng xe tăng của Nga tăng gấp 5 lần từ khi nổ ra xung đột

04/02/2024 07:04

Quân sự thế giới hôm nay (4-2) có những nội dung sau: Xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga tăng gấp 5 lần kể từ khi nổ ra xung đột, Canada đề nghị gửi tên lửa CRV7 cho Ukraine, Italy có thêm 4 hệ thống phòng không thế hệ mới SAMP/T NG.

* Nga sản xuất gấp 5 lần xe tăng chiến đấu chủ lực cho quân đội kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine

Phát biểu tại diễn đàn "Tất cả cho Chiến thắng" diễn ra mới đây tại thành phố Tula, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nguồn cung xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga đã tăng gấp 5 lần.

Trong tuyên bố của mình về những cải tiến trong cả ngành công nghiệp dân sự và quân sự, ông Putin đã thu hút sự chú ý khi đề cập đến sự gia tăng đáng kể về số lượng xe tăng kể từ khi cuộc xung đột xảy ra. "Từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, sản lượng các loại máy bay không người lái (UAV) và đạn pháo cho quân đội cũng tăng đáng kể. Trang bị bảo hộ cá nhân cho binh sĩ cũng tăng gấp 10 lần, phương tiện cơ giới tăng 7 lần, xe tăng chiến đấu chủ lực tăng 5 lần, thiết giáp chở quân tăng 3,5 lần”, ông Putin nói.

Sản lượng xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga tăng gấp 5 lần kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: TASS

Dù Tổng thống Nga không đề cập đến con số chính xác về các mức tăng này, theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga được Hãng thông tấn TASS đăng từ tháng 12 năm ngoái, đã có 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái được cung cấp cho Quân đội Nga trong năm 2023. Báo cáo cũng lưu ý rằng, 22.000 phương tiện chiến đấu bọc thép và 1.400 hệ thống tên lửa và pháo binh đã được chuyển giao.

Tình báo quốc phòng Anh gần đây cho biết, số lượng xe tăng mà Nga sản xuất hằng tháng gần bằng số lượng xe tăng bị phá hủy ở Ukraine (trung bình khoảng 3 xe tăng mỗi ngày). Các nhà phân tích suy đoán rằng sự gia tăng về số lượng này không hoàn toàn có nghĩa là sản xuất mới mà có thể liên quan đến việc sản xuất thiết bị mới và nâng cấp các xe tăng cũ từ kho dự trữ của quân đội nước này.

Có ý kiến cho rằng việc sản xuất xe tăng T-90M Proryv tiên tiến đặt ra nhiều thách thức. Theo các nguồn tin này, chỉ có 130 phương tiện loại này được sản xuất và cung cấp cho Quân đội Nga trong năm 2023 và số còn lại vẫn chủ yếu là xe tăng T-72 và T-80 nâng cấp.

* Nghị sĩ Canada đề nghị gửi tên lửa không đối đất CRV7 cho Ukraine

Kênh truyền hình CBC mới đây đưa tin, Bộ Quốc phòng Canada hiện có 83.300 tên lửa CRV7 sản xuất từ những năm thập niên 80 và lãnh đạo đảng Bảo thủ Canada đã đề nghị chính quyền Ottawa nên viện trợ chúng cho lực lượng vũ trang Ukraine “thay vì hủy chúng”.

Được nghiên cứu và phát triển bởi Bristol Aerospace, tên lửa không đối đất CRV7 là vũ khí yêu thích của Không quân Hoàng gia Canada và đã được các lực lượng quân sự nhiều nước trên thế giới sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều loại tên lửa chính xác hơn với tầm bắn xa hơn, CRV7 đã không còn được sử dụng từ những năm 2000.

Là loại tên lửa động cơ nhiên liệu rắn, CRV7 có thể đạt vận tốc tối đa trên 2.459km/giờ, gấp đôi tốc độ âm thanh, khiến nó trở thành một trong những tên lửa không đối đất nhanh nhất hiện nay.

Nghị sĩ Canada đề nghị gửi tên lửa không đối đất CRV7 cho Ukraine. Ảnh: Bulgarianmilitary

Điều làm nên sự khác biệt của CRV7 là phạm vi hoạt động vượt trội của nó. Tên lửa không đối đất này có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa tới 8km. Nhờ sự kết hợp giữa tốc độ và tầm bắn vượt trội, vũ khí này có thể tiêu diệt các mục tiêu trước khi bị các hệ thống phòng không trên mặt đất phát hiện.

Mặc dù được thiết kế dành cho CF-104 Starfighter, nhưng tên lửa này có thể tương thích với một số máy bay khác như máy bay chiến thuật CF-18 Hornet, trực thăng CH-146 Griffon, Harrier GR.7 và A-10 Thunderbolt II.

* Italy sẽ có thêm 4 hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới SAMP/T NG

Bulgarian Military đưa tin, Eurosam, một công ty liên doanh giữa nhà sản xuất tên lửa MBDA của Italy và Thales của Pháp, sẽ sản xuất 4 hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T NG cho Quân đội Italy. Đây là một phần của bản thỏa thuận gia hạn hợp đồng được ký giữa Eurosam và OCCAR-EA (một tổ chức hợp tác vũ khí của châu Âu) mới đây.

Là phiên bản nâng cấp của các hệ thống phòng không SAMP/T, SAMP/T NG có khả năng cung cấp bảo vệ 360 độ trước nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu.

SAMP/T NG là bản nâng cấp của hệ thống phòng không SAMP/T hiện đang được Pháp và Italy sử dụng. Ảnh: Army Certification

Hệ thống SAMP/T NG được trang bị tới 48 tên lửa Aster, 1 radar đa chức năng (GF300 hoặc KGM HP), một mô-đun tác chiến (pin C2) và tối đa 6 bệ phóng, mỗi bệ có khả năng mang theo 8 tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Nhờ được hỗ trợ bởi radar đa hướng và tên lửa Aster 30, phiên bản nâng cấp này có phạm vi phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới trên 350km và đánh chặn từ khoảng cách trên 150km. Nó có thể hoạt động liên tục trong vòng 30 phút và có khả năng phóng 8 tên lửa chỉ trong 10 giây trong trường hợp khẩn cấp.

Việc sắm thêm hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T NG cho quân đội đã thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của Italy trong việc nâng cao khả năng phòng không của nước này.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (4-2): Số lượng xe tăng của Nga tăng gấp 5 lần từ khi nổ ra xung đột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO