* Nga thử nghiệm hệ thống phòng không mới
Ngày 3-1, Tập đoàn Rostec của Nga công bố đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên phiên bản hiện đại hóa Pantsir-SM-SV.
Pantsir-SM-SV là phiên bản bánh xích của hệ thống tên lửa và pháo phòng không Pantsir S1 của Nga. Ảnh: Rostec |
Các cuộc thử nghiệm này do các chuyên gia từ Cục Thiết kế Shipunov thuộc tập đoàn Rostec thực hiện và đã đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo đó, Pantsir-SM-SV là bản nâng cấp của hệ thống tên lửa kết hợp pháo phòng không Pantsir-S. Được thiết kế để hỗ trợ tác chiến cho lực lượng trên bộ, hệ thống Pantsir-SM-SV được đặt trên khung gầm bánh xích, giúp tăng khả năng cơ động trong nhiều điều kiện khác nhau như tuyết và địa hình hiểm trở. Đặc biệt, hệ thống này có khả năng bắn khi đang chuyển động.
So với người tiền nhiệm, Pantsir-SM-SV được trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa dẫn đường tốc độ cao với tầm bắn lên tới 40km và hệ thống tên lửa đánh chặn máy bay không người lái nhỏ gọn. Việc nâng cấp hệ thống vũ khí trang bị trên tổ hợp phòng không này giúp tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay không người lái (UAV), tên lửa dẫn đường, bom cũng như các loại máy bay và trực thăng truyền thống. Hệ thống radar tích hợp trên Pantsir-SM-SV cũng đã được cải tiến, nâng phạm vi quét lên 75km, gấp đôi so với phiên bản trước đó. Điều này cho phép hệ thống phát hiện và tấn công mục tiêu một cách chính xác ở khoảng cách xa hơn.
Với khả năng cơ động cao, vũ khí hiện đại và hệ thống radar cải tiến, Pantsir-SM-SV được đánh giá là một loại vũ khí vạn năng của Nga trên chiến trường. Sự xuất hiện của hệ thống pháo và tên lửa phòng không này dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu ở độ cao thấp và cự ly gần. Tuy nhiên, hệ thống này hiện tại vẫn chưa được đưa vào thực chiến.
* Chiến hạm của Iran tiến vào Biển Đỏ
Theo thông tin đăng tải trên trang Naval Recognition, khinh hạm Alborz lớp Alvand của Hải quân Iran đã đi qua eo biển chiến lược Bab-el-Mandeb, tiến vào Biển Đỏ.
Khinh hạm lớp Alvand IRIS Alborz của Iran. Ảnh: Al Vefagh |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Vịnh Aden và eo biển Bab-el-Mandeb. Lực lượng Ansar Allah, còn gọi là Houthi, gần đây đã đưa ra tuyên bố có thể sẽ hạn chế việc đi qua eo biển Bab-el-Mandeb đối với tàu thuyền của Israel và một số tàu nước ngoài. Trước diễn biến này, Mỹ đã tăng cường triển khai thêm lực lượng hải quân và đề xuất thành lập một liên minh quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải trên khu vực Biển Đỏ.
Alborz là một trong ba tàu chiến lớp Alvand do Anh chế tạo và bàn giao cho Iran từ năm 1970. Trải qua hơn năm thập kỷ, Alborz hiện tại vẫn là một “tài sản quý” của lực lượng hải quân nước này. Con tàu này đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2015, khi cùng với tàu hỗ trợ Bushehr thành lập Hạm đội 34 tuần tra Vịnh Aden ở phía Bắc Ấn Độ Dương và eo biển Bab al-Mandab.
Alborz có chiều dài 94,5m, chiều rộng 11,07m, và có lượng giãn nước đầy tải 1.540 tấn, được trang bị hai động cơ đẩy diesel Paxman Ventura và hai tua-bin khí Rolls-Royce Olympus TM2, tầm hoạt động 9.000km khi di chuyển với tốc độ 28 km/giờ. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm tối đa 146 người.
Hỏa lực được trang bị trên khinh hạm bao gồm tên lửa chống hạm Noor, hải pháo 114,3mm Mark 8, hệ thống phòng thủ tầm gần Kamand, pháo nòng kép 35mm Oerlikon, cối 81mm và ba ống phóng ngư lôi, cùng nhiều loại vũ khí hiện đại khác.
* Lục quân Mỹ nâng cấp xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley
Mới đây, nhà thầu quốc phòng Anh BAE Systems đã ký hợp đồng trị giá 78 triệu USD với Lục quân Mỹ nhằm nâng cấp xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley (IFV) lên phiên bản M2A4.
Bản nâng cấp xe chiến đấu bộ binh M2A4 của Lục quân Mỹ. Ảnh: U.S. Army |
Kể từ khi ra mắt vào những năm 1980, Bradley đã trải qua nhiều lần nâng cấp để nâng cao khả năng sống sót, tăng cường hỏa lực và tính cơ động. Ban đầu được thiết kế để vận chuyển bộ binh và hỗ trợ hỏa lực, Bradley hiện tại đã có khả năng bảo vệ bộ binh trước các mối đe dọa mới như thiết bị nổ tự chế (IED) và chiến thuật du kích đô thị.
Biến thể M2A4 được trang bị công nghệ kỹ thuật số hiện đại, nâng cao khả năng nhận thức tình huống của kíp chiến đấu. Việc tích đồng bộ mạch thiết bị liên lạc và dẫn đường mới giúp duy trì liên lạc và tăng sự phối hợp hiệu quả trên chiến trường.
Về khả năng bảo vệ, M2A4 được trang bị lớp giáp chắc chắn hơn và giáp chủ động (APS) Iron Fist giúp phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa trước khi chúng tiếp cận phương tiện. Điều này làm tăng đáng kể khả năng sống sót của xe và tổ lái trong môi trường chiến đấu ngày càng phức tạp. Về khả năng di chuyển, M2A4 sử dụng động cơ mạnh mẽ hơn và hệ thống treo cải tiến, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính linh hoạt và khả năng di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau.
Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các công nghệ mới, các khí tài như Bradley phải chủ động thích ứng. Chương trình M2A4 xuất phát từ mong muốn duy trì một đội xe chiến đấu bộ binh có khả năng đối mặt với những thách thức hiện tại và tương lai của Lục quân Mỹ, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các cho lực lượng trên bộ.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)