Quân sự thế giới hôm nay (31-7): Nga phát triển tên lửa đạn đạo Iskander-1000

31/07/2024 07:01

Quân sự thế giới hôm nay (31-7-2024) có những nội dung sau: Đức công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, Nga phát triển tên lửa đạn đạo Iskander-1000, Hà Lan đặt mua tên lửa không đối đất JASSM-ER của Mỹ.

Đức công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Theo thông cáo báo chí của Chính phủ Đức, nước này vừa chuyển giao cho Ukraine một gói viện trợ quân sự mới, gồm nhiều chủng loại vũ khí, trang bị khác nhau.

Hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard của Đức. Ảnh: Defense Express

Tính đến nay, Đức đã chi khoảng 5 tỷ EUR (tương đương 5,4 tỷ USD) hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2023, trong khi con số này vào năm 2022 là khoảng 1,6 tỷ EUR (tương đương 1,73 tỷ USD). Ngoài ra, Đức cũng lên kế hoạch dành 2,9 tỷ EUR (tương đương 3,13 tỷ USD) cho các gói viện trợ tiếp theo được chuyển giao từ năm 2025 đến 2028.

Gói viện trợ mới nhất của Đức bao gồm 8 xe tăng Leopard 1A5 (chuyển giao chung với Đan Mạch), 21.000 quả đạn pháo cho hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard, 10 tàu tấn công không người lái, 2 xe bọc thép cứu hộ Bergepanzer, 10 radar giám sát mặt đất, 24.800 mũ bảo vệ và 1 bệnh viện dã chiến.

Bộ Quốc phòng Đức nhấn mạnh rằng riêng trong năm 2024, ngân sách dành cho kế hoạch xây dựng năng lực đảm bảo an ninh để hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã lên tới khoảng 7,1 tỷ EUR (tương đương 7,67 tỷ USD). Con số này cũng bao gồm các khoản đóng góp của Đức vào Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) của Liên minh châu Âu, một cơ chế hỗ trợ các quốc gia thành viên chi trả chi phí viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, Đức cũng đã phê duyệt các gói viện trợ trong những năm sắp tới với tổng trị giá khoảng 6 tỷ EUR (tương đương 6,48 tỷ USD).

Nga phát triển tên lửa đạn đạo Iskander-1000

Theo Defense Express, một kênh truyền thông của Nga đã đưa ra thông tin nước này hiện đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo mới có tên gọi không chính thức là Iskander-1000. Tên lửa này được cho là có tầm bắn lên tới 1.000km và sử dụng một loại đầu đạn cải tiến.

Tên lửa đạn đạo Iskander-1000. Ảnh: Defense Express 

Hình ảnh đầu tiên về tên lửa Iskander-1000 đã được tiết lộ vào tháng 5-2024 trong một đoạn video tuyên truyền nhân kỷ niệm 78 năm thành lập Bãi thử tên lửa Kapustin Yar ở thành phố Astrakhan, thuộc Astrakhan Oblast, phía Nam nước Nga.

Ngoài thông tin về tầm bắn, kênh truyền thông trên còn cho biết tên lửa có độ sai lệch mục tiêu chỉ trong phạm vi 5m. Khối lượng đầu đạn cải tiến của tên lửa Iskander-1000 không được nêu cụ thể. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính tự động, có thể hiệu chỉnh từ hệ thống định vị vệ tinh, và có thể dẫn đường bằng radar dựa trên bản đồ địa hình khu vực mục tiêu ở giai đoạn cuối của hành trình bay.

Tên lửa Iskander-1000 được cho là có cấu trúc tương tự như tên lửa đạn đạo 9M723 của hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander và có thể được phóng bằng bệ phóng Iskander tiêu chuẩn.

Hà Lan đặt mua tên lửa không đối đất JASSM-ER của Mỹ

Hà Lan vừa ký Thư đề nghị và chấp thuận (LoA) với Mỹ để mua tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158B JASSM-ER do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Thỏa thuận này đưa Hà Lan trở thành nước thứ 5 sở hữu dòng tên lửa JASSM-ER.

Tên lửa không đối đất JASSM-ER. Ảnh: Lockheed Martin

Ông Scott Redmerski, Giám đốc chương trình tên lửa JASSM thuộc tập đoàn Lockheed Martin, bày tỏ hào hứng khi nói về thỏa thuận: "Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Chính phủ Mỹ để cung cấp cho quân đội Hà Lan một loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả trong chiến đấu để đáp ứng nhu cầu phòng thủ chiến lược của họ".

JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) và phiên bản tầm xa JASSM-ER là loại tên lửa hành trình tấn không đối đất được thiết kế cho Không quân Mỹ và các đối tác. Dòng tên lửa JASSM-ER, với mã ký hiệu là AGM-158B, được phát triển song song với phiên bản tiêu chuẩn JASSM và bắt đầu được sử dụng kể từ năm 2014.

Dòng tên lửa này được phóng từ máy bay, có chiều dài 4,27m và sải cánh 2,4m. Trọng lượng phóng là 1.021 kg và mang theo đầu đạn xuyên phá WDU-42/B nặng 450 kg. Tên lửa JASSM được trang bị động cơ turbojet, trong khi JASSM-ER sử dụng động cơ turbofan hiệu quả hơn, cho phép nó đạt tầm bắn khoảng 1.000 km, trong khi tầm bắn của phiên bản tiêu chuẩn JASSM chỉ là 370km. Một biến thể tầm xa khác của tên lửa JASSM-XR là AGM-158D hiện cũng đang được phát triển, dự kiến sẽ có tầm bắn lên tới 1.800 km.

Dự án tên lửa JASSM bắt đầu được tập đoàn Lockheed Martin thực hiện vào năm 1998. Tên lửa được cấp chứng nhận hoạt động của Không quân Mỹ vào năm 2003, bắt đầu thử nghiệm vào năm 2006, với các đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2014.

Được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, có bảo vệ nghiêm ngặt từ khoảng cách xa, tên lửa JASSM có thân vỏ áp dụng công nghệ "tàng hình" và sử dụng hệ thống dẫn đường hiện đại, bao gồm một bộ thiết bị dẫn đường quán tính kết hợp định vị toàn cầu (INS/GPS) và một công cụ tìm kiếm hồng ngoại. Mỗi tên lửa có thể lưu trữ mô hình mục tiêu ba chiều, đảm bảo độ chính xác khi tấn công với phạm vi sai lệch chỉ khoảng 3m.

Dòng tên lửa này có thể trang bị trên nhiều loại máy bay khác nhau, bao gồm B-1B Lancer, B-2 Spirit, B-52H, F-15, F-16C/D, F/A-18C/D và F-35. Không quân Mỹ đã mua hơn 2.000 quả tên lửa JASSM và có kế hoạch mua tới 10.000 quả. Ngoài Mỹ, Australia, Phần Lan, Ba Lan và Hà Lan đã triển khai hoặc đang trong hợp đồng triển khai tên lửa JASSM.

Tên lửa JASSM-ER đại diện cho những tiến bộ mới nhất trong công nghệ tên lửa, với những cải tiến về cả phần cứng và phần mềm. Những cải tiến này giúp tăng cường tính năng và sự linh hoạt của tên lửa để giải quyết được nhiều yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Với hơn hai thập kỷ phục vụ trong Không quân Mỹ, tên lửa JASSM đã liên tục chứng minh hiệu quả của mình qua các lần tấn công chính xác khi thực hiện các nhiệm vụ không đối đất.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (31-7): Nga phát triển tên lửa đạn đạo Iskander-1000
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO