Quân sự thế giới hôm nay (31-12): UAV tàng hình mới của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh

31/12/2023 06:53

Quân sự thế giới hôm nay (31-12-2023) có những nội dung sau: UAV tàng hình mới của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh, Nhật Bản hoàn thành dự án nâng cấp trực thăng săn ngầm, Anh viện trợ thêm tên lửa phòng không cho Ukraine.

* UAV tàng hình mới của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh

Tạp chí quân sự Janes dẫn thông tin từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quân đội nước này đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với máy bay không người lái (UAV) tàng hình mới nhất Anka-3.

Một nguyên mẫu UAV Anka-3. Ảnh: DefenceHub

Ở lần thử nghiệm quan trọng này, Anka-3 bay liên tục trong 70 phút, duy trì trần bay trên 2.400m và tốc độ hành trình gần 280km/giờ để kiểm tra khả năng hoạt động trên không.

Được phát triển bởi Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), nguyên mẫu Anka-3 lần đầu được công bố vào tháng 12-2022, trong khi các cuộc thử nghiệm chạy trên đường băng được tiến hành từ tháng 4-2023.

Theo những thông số kỹ thuật công khai, Anka-3 sở hữu thiết kế với kích thước như một tiêm kích hạng nhẹ với nhiều đặc điểm nổi bật như khả năng bay ở tốc độ cao, chuyên chở theo nhiều vũ khí và gần như tàng hình trước các hệ thống radar phòng không của đối phương. Bên cạnh đó, Anka-3 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt, có thể bay ở độ cao hơn 13km, tốc độ tối đa khoảng 800km/giờ, hoạt động trong 10 giờ liên tục, mang theo 650kg vũ khí bên trong thân hoặc có thể mang thêm 100kg ở dưới cánh khi không cần tính năng tàng hình.

Clip thử nghiệm lần đầu tiên UAV Anka-3 cất cánh. Nguồn: Defence Labs

Hiện nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố thời điểm đưa UAV Anka-3 vào biên chế chính thức. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chính quyền Ankara đang rất kỳ vọng loại UAV mới này, cùng với tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm TF-X, có thể nâng tầm năng lực tác chiến của không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.

* Nhật Bản hoàn thành dự án nâng cấp trực thăng săn ngầm

Military Leak đưa tin, Nhật Bản vừa tuyên bố hoàn thành dự án nâng cấp trực thăng săn ngầm SH-60L – phiên bản mới nhất của dòng SH-60K do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) chế tạo theo giấy phép với hãng Sikorsky của Mỹ.

Trực thăng săn ngầm SH-60L của Nhật Bản. Ảnh: Military Leak

Được chế tạo để đáp ứng yêu cầu tác chiến chống tàu mặt nước (ASuW) và tác chiến chống tàu ngầm (ASW) của Lực lượng Phòng vệ Biển (JMSDF), SH-60L mang hàng loạt cải tiến so với người tiền nhiệm, bao gồm hộp số động cơ mới, liên kết dữ liệu tốc độ cực cao và nâng cấp các hệ thống ASW.

Chương trình SH-60L được MHI hợp tác với Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiến hành từ năm 2015 nhằm trang bị cho JMSDF các máy bay trực thăng đa năng hơn so với dòng SH-60K đã cũ.

Chuyến bay đầu tiên của trực thăng SH-60L được thực hiện thành công vào tháng 5-2021 và MHI đã bàn giao 2 máy bay nguyên mẫu cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào tháng 9 cùng năm để tiến hành thử nghiệm và nghiệm thu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dành 423,5 triệu USD (60,3 tỷ yên) để mua 6 chiếc SH-60L trong ngân sách quốc phòng năm tài chính 2023. Ngoài ra, gần đây nhất, vào cuối tháng này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục chi 467 triệu USD để mua thêm 6 chiếc SH-60L trong năm tài chính 2024.

SH-60L rất có thể sẽ được triển khai trên tàu khu trục tàng hình lớp Mogami hiện đại của JMSDF. Lực lượng này hiện đang vận hành 2 tàu lớp Mogami và đang có kế hoạch đóng thêm 10 tàu nữa. Tuy nhiên, mốc thời gian để loại bỏ dần dòng SH-60K trước đó bằng SH-60L vẫn chưa được xác định.

* Anh viện trợ thêm tên lửa phòng không cho Ukraine

Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ viện trợ khoảng 200 tên lửa đất đối không tầm ngắn tiên tiến (ASRAAM) cho Ukraine, nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.

Hệ thống ASRAAM được đặt trên xe tải Supacat. Ảnh: UK Defence Journal

Tên lửa ASRAAM do nhà thầu quốc phòng MBDA sản xuất ban đầu được quân đội Anh dùng cho tiêm kích Typhoon và F-35. Từ giữa năm 2022, London chỉnh sửa ASRAAM để phóng từ bệ mặt đất rồi sau đó sản xuất các tổ hợp phòng không sử dụng tên lửa này để viện trợ cho Kiev.

Hệ thống ASRAAM được đặt trên xe tải Supacat. Tên lửa còn được biết đến với tên gọi AIM-132, có chiều dài 2,9m, trọng lượng 88kg, đường kính 166mm, tích hợp đầu dò hồng ngoại. Đầu đạn của tên lửa có khả năng kích nổ bằng ngòi nổ hoặc chạm nổ khi gặp mục tiêu. Khi phóng từ máy bay, tầm phóng của tên lửa có thể đạt 25km, còn khi phóng từ mặt đất thì tầm bắn khoảng 10km.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định việc này giúp nhanh chóng cung cấp các giải pháp hiệu quả với chi phí thấp nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách cho Ukraine.

Đến nay, chính phủ Anh cam kết viện trợ quân sự khoảng 5,9 tỷ USD cho Ukraine trong hai năm, cũng như huấn luyện khoảng 30.000 binh sĩ cho nước này.

MINH ANH(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (31-12): UAV tàng hình mới của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO