* Ukraine mất chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên
Tờ Wall Street Journal trích lời một quan chức Mỹ cho biết, Ukraine đã mất chiếc máy bay tiêm kích F-16 đầu tiên trong số 6 chiếc được các nước đồng minh phương Tây chuyển giao đợt đầu cho nước này. Chiếc F-16 này đã được triển khai để đối phó với một cuộc tấn công tên lửa của Nga. Cũng theo vị quan chức này, chiếc máy bay rơi không phải do bị bắn hạ mà có khả năng cao là do lỗi của phi công.
Máy bay F-16 được bàn giao cho không quân Ukraine. Ảnh: Forbes |
Ngày 27-8 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức thông báo về việc triển khai tiêm kích F-16 vào trong hoạt động chiến đấu của quân đội Ukraine, nhưng ông Zelensky không đề cập đến việc quân đội nước này vừa mất một chiếc tiêm kích F-16.
Ukraine đã nhận được lô máy bay F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8. Nước này dự kiến sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không bằng việc tiếp nhận ít nhất 79 chiếc tiêm kích F-16 do Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ cung cấp.
Mặc dù có các tính năng hiện đại, nhưng độ hiệu quả của tiêm kích F-16 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm không chỉ số lượng máy bay được bàn giao, mà còn cả trình độ thao tác thành thạo của phi công và sự phát triển của các cơ sở hạ tầng hỗ trợ mặt đất. Một trong những trở ngại đáng kể là việc đào tạo phi công. Làm chủ các tính năng tiên tiến của tiêm kích F-16 đòi hỏi phi công phải được đào tạo chuyên sâu và chuyên biệt.
Mặc dù tiêm kích F-16 sẽ nâng cấp đáng kể năng lực của Không quân của Ukraine, các chuyên gia nhấn mạnh rằng hiệu quả thực sự sẽ phụ thuộc vào việc tích hợp liền mạch chúng vào các chiến lược quân sự hiện tại của Ukraine, và khả năng thích ứng của lực lượng Ukraine với những máy bay chiến đấu hiện đại này.
* Philippines chi hàng chục tỉ USD mua máy bay chiến đấu mới
Philippines đang lên kế hoạch chi ít nhất 33 tỷ USD để tăng cường sức mạnh cho quân đội, với trọng tâm là mua sắm tên lửa tầm trung và máy bay chiến đấu hiện đại.
Tướng Romeo Brawner, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho biết quân đội nước này đang đặt mục tiêu sở hữu các loại vũ khí hiện đại hơn, bao gồm cả tên lửa tầm trung và máy bay chiến đấu. Phát biểu này được ông đưa ra trong cuộc họp báo chung với Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ, tại thành phố Baguio, miền Bắc Philippines.
Tiêm kích FA-50 đến căn cứ không quân Clark, thành phố Angeles, tỉnh Pampanga, phía bắc Manila, Philippines ngày 1-12-2016. Ảnh: Romeo Ranoco |
Tướng Paparo cho biết, Mỹ và Philippines đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung có thể là lớn nhất vào năm sau. Hồi tháng 4, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại miền Bắc Philippines trong một cuộc tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cũng xác nhận rằng, nước này đang xem xét mua thêm vũ khí. Ông cho biết, Bộ Quốc phòng Philippines có kế hoạch chi ít nhất 1.894 tỷ peso (tương đương 33,74 tỷ USD) để hiện đại hóa và tăng cường năng lực phòng thủ của quân đội.
Chi phí cho việc mua máy bay chiến đấu có thể lên tới từ 300 đến 400 tỷ peso (tương đương từ 5,3 đến 7,1 tỷ USD). Chính phủ Philippines đang xem xét các phương án tài chính, bao gồm cả vay từ các bên tư nhân.
Tướng Brawner từng nói rằng, Philippines cần các chiến đấu cơ đa nhiệm "nhanh và sát thương cao hơn" so với các tiêm kích hạng nhẹ FA-50 (do Hàn Quốc sản xuất) mà Manila đang sở hữu. Việc mua sắm tên lửa tầm trung và chiến đấu cơ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp Philippines nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ và răn đe, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông.
* Quân đội Đức đặt hàng súng trường G210 cho lực lượng đặc nhiệm
Quân đội Đức tiếp tục tin tưởng vào Heckler & Koch, nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng có trụ sở tại Oberndorf am Neckar, khi trao hợp đồng cung cấp súng trường bắn tỉa bán tự động G210 cho công ty này. Súng trường bắn tỉa bán tự động G210 là phiên bản cải tiến từ mẫu MR308A6, được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu của lực lượng đặc nhiệm. Dự kiến, 500 khẩu G210 sẽ được bàn giao vào năm 2025.
Súng trường bắn tỉa bán tự động G210. Nguồn ảnh: Heckler&Koch |
G210 sử dụng loại đạn 7,62 x 51mm, nổi bật với cơ chế nạp đạn bên hông giúp tăng sự thoải mái cho người dùng. Súng có trọng lượng khoảng 4,4kg khi không có băng đạn. Súng được thiết kế để thay thế G28, một mẫu súng bắn tỉa khác của Heckler & Koch từng được lực lượng đặc nhiệm Đức sử dụng. So với G28, G210 mang lại tính công thái học tốt hơn, độ chính xác cao hơn và sự thoải mái khi sử dụng.
Heckler & Koch từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí chủ lực cho quân đội Đức, với các mẫu súng nổi tiếng như G36 - súng trường tấn công tiêu chuẩn của bộ binh Đức, và MP7 - súng tiểu liên được ưa chuộng bởi các đơn vị đặc nhiệm và lực lượng an ninh nhờ khả năng xuyên giáp tốt và tính cơ động cao.
Tuy nhiên, G36 cũng gặp phải một số vấn đề về độ chính xác khi được sử dụng kéo dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để giải quyết vấn đề này, công ty Heckler & Koch đã đề xuất HK416, một mẫu súng trường tấn công hiện đại được nhiều lực lượng đặc nhiệm trên thế giới sử dụng, bao gồm cả Đức, dưới tên gọi G38. HK416 nổi tiếng với độ bền và khả năng hoạt động ổn định trong mọi điều kiện.
Gần đây, Heckler & Koch cũng đã cung cấp cho quân đội Đức mẫu HK437, một biến thể của HK416 được thiết kế đặc biệt cho lực lượng đặc nhiệm Đức với ống giảm thanh tích hợp, lý tưởng cho các hoạt động bí mật.
TRUNG THÀNH(tổng hợp)