* Anh sắp phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược Trident D5
UK Defence Journal đưa tin HMS Vanguard, một trong bốn tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân Trident của Hải quân Hoàng gia Anh, sẽ sớm tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo Trident D5 ở Đại Tây Dương.
Anh chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo Trident D5 từ tàu ngầm HMS Vanguard. Ảnh: UK Defence Journal |
Dự kiến, vụ phóng thử tên lửa sẽ diễn ra từ nay đến ngày 4-2 với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ tại Bãi thử miền Đông Mỹ, ngoài khơi bờ biển Florida.
Theo đó, tên lửa Trident D5 sẽ không mang theo đầu đạn và đã được chuyển đổi thành cấu hình thử nghiệm, trang bị các hệ thống theo dõi, thiết bị đo từ xa và các thiết bị an toàn cần thiết cho cuộc thử nghiệm.
Mục đích chính của vụ phóng thử này là đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ thống vũ khí chiến lược trên tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và thủy thủ đoàn trước khi triển khai hoạt động. Những lần phóng thử nghiệm này được thực hiện thường xuyên nhằm đánh giá và duy trì độ tin cậy cũng như độ chính xác của hệ thống vũ khí chiến lược.
Trident II D5 (hay còn gọi là UGM-133A) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm do tập đoàn Lockheed Martin nghiên cứu và phát triển từ năm 1983. Đây là tên lửa được đánh giá có độ chính xác cao nhất thế giới hiện nay. Thân tên lửa được làm bằng sợi carbon làm cho trọng lượng tên lửa nhẹ hơn nhiều so với biến thể Trident-I.
Trident II D5 có trọng lượng khoảng 59 tấn, dài 13,42m, đường kính 2,11m, và có tầm bắn lên tới 11.000km. Bán kính lệch mục tiêu CEP của tên lửa chỉ từ 90-120m. Trident II D5 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân W88 với đương lượng nổ 475kT/đầu đạn hoặc đầu đạn hạt nhân W76 với đương lượng nổ 100kT/đầu đạn.
* Biden tuyên bố đáp trả sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng
Theo thông tin đăng tải trên trang Global News, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “sẽ đáp trả” sau khi 3 binh lính Mỹ thiệt mạng và ít nhất 34 binh lính khác bị thương trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào lực lượng Mỹ đóng quân ở phía Đông Bắc Jordan, gần biên giới Syria.
Biden tuyên bố đáp trả sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng ở phía Đông Bắc Jordan. Ảnh: Malay Mail |
Biden cáo buộc các nhóm cực đoan được Iran hậu thuẫn ở Syria và các nhóm cực đoan Iraq đã thực hiện vụ tấn công này. “Chúng tôi sẽ buộc tất cả những kẻ gây ra vụ tấn công và những người liên quan phải chịu trách nhiệm vào một thời điểm và theo cách mà Mỹ lựa chọn”, ông Biden nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cho biết “sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ Mỹ, quân đội và lợi ích quốc gia”. Đây là vụ tấn công đầu tiên khiến binh lính Mỹ thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra. Trước đó, căn cứ của Mỹ ở Syria, Iraq cũng hứng chịu nhiều đợt tấn công.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ có những hành động đáp trả cụ thể nào, tuy nhiên nhiều khả năng điều này sẽ khiến căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang.
Ngày 29-1, Iran lên tiếng phủ nhận cáo buộc có liên quan vụ tấn công bằng máy bay không người lái khiến nhiều binh lính Mỹ tại Jordan thương vong. Phái bộ Iran tại Liên hợp quốc cũng khẳng định không liên quan gì đến cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ.
* Nhật Bản và Đức ký thỏa thuận chia sẻ nguồn cung quân sự
Ngày 29-1, Nhật Bản và Đức đã ký kết Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA), trong đó cho phép lực lượng vũ trang hai nước trao đổi vật tư và hỗ trợ lẫn nhau về mặt hậu cần, bao gồm cả việc chia sẻ đạn dược.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành một cuộc diễn tập quân sự chung với sự tham gia của Mỹ, Anh, Canada, Đức và một số nước khác tại thành phố Funabashi, tỉnh Chiba, ngày 7-1. Ảnh: Japan Times |
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tìm cách thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Đại sứ Đức tại Nhật Bản Clemens von Goetze đã ký thỏa thuận ACSA tại thủ đô Tokyo.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, thỏa thuận sẽ cho phép lực lượng vũ trang hai nước sử dụng cơ sở vật chất của mỗi bên trong các cuộc tập trận chung và chia sẻ đồ tiếp tế, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu, phương tiện cùng trang thiết bị…
Tokyo và Berlin đang tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây, trước những diễn biến căng thẳng về tình hình an ninh tại khu vực châu Á và châu Âu. Đức hiện là đối tác ACSA thứ 7 của Nhật Bản, sau Mỹ, Australia, Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ.
* Ấn Độ và Saudi Arabia tập trận quân sự chung ở Rajasthan
Trang Hindustan Times ngày 29-1 đưa tin, Ấn Độ và Saudi Arabia vừa tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên có tên gọi “Sada Tanseeq” tại Mahajan, bang Rajasthan, phía Tây Bắc nước này.
Ấn Độ và Saudi Arabia tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung có tên gọi “Sada Tanseeq” tại Mahajan, bang Rajasthan. Ảnh: First India |
Quân đội Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận được tổ chức nhằm huấn luyện lực lượng của hai bên về quy trình tác chiến trên địa hình bán sa mạc theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc. Thông qua cuộc tập trận, hai bên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về chiến thuật, kỹ thuật trong quá trình tác chiến, tạo cơ hội cho quân đội hai nước tăng cường quan hệ, thúc đẩy quan hệ song phương và góp phần đạt được các mục tiêu an ninh chung.
Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 10-2.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)