*Không quân Nga tiếp tục nhận máy bay ném bom Su-34
Ngày 2-9, Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) của Nga thông báo đã chuyển giao một lô máy bay ném bom Su-34 mới cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga (VKS).
Sukhoi Su-34 là máy bay ném bom chiến thuật của Nga. Ảnh: Vitaly Kuzmin |
Su-34 định danh NATO: Fullback, là máy bay tiêm kích-ném bom tầm trung do Sukhoi phát triển và được sản xuất tại Nhà máy hàng không Novosibirsk, được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển và trên không, bao gồm cả những mục tiêu được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không, và có thể hoạt động ở khoảng cách xa từ căn cứ. Máy bay có khả năng thực hiện các nhiệm vụ dưới hỏa lực của đối phương, cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Được trang bị vũ khí dẫn đường và không dẫn đường, Su-34 còn có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không.
Vladimir Artykov, Phó tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn Rostec, cho biết, những chiếc Su-34 mới được chuyển giao gần đây có hiệu suất bay đặc biệt và cực kỳ hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu của đối phương. Những chiếc máy bay này có khả năng triển khai các loại đạn có độ chính xác cao với mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh phổ quát.
Với phi hành đoàn gồm hai người, Su-34 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Lyulka AL-35F, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 1.900km/giờ và trần bay 17.000m. Về kích thước, máy bay dài 23,34m, sải cánh rộng 14,70m và cao 6,36m. Với trọng lượng rỗng 20 tấn, Su-34 có thể đạt trọng lượng tối đa 45 tấn khi mang tải trọng.
Về hỏa lực, Su-34 có thể mang nhiều loại vũ khí không đối đất, bao gồm bom dẫn đường như KAB-500, KAB-1500, cũng như tên lửa không đối đất như Kh-29, Kh-31 và Kh-59. Để tác chiến trên không, máy bay có thể được trang bị tên lửa R-73 và R-77. Su-34 cũng được trang bị pháo tự động GSh-30-1 30mm để chiến đấu ở cự ly gần. Với tầm bay 2.000km, máy bay có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa trong khi vẫn có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt.
* Azerbaijan chi mạnh vào tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ
Không quân Azerbaijan có kế hoạch tăng cường khả năng chiến đấu trên không bằng việc mua tên lửa Bozdogan và Gokdogan của Thổ Nhĩ Kỳ để tích hợp vào máy bay chiến đấu JF-17-C Block III Thunder.
Azerbaijan có kế hoạch mua tên lửa Bozdogan và Gokdogan của Thổ Nhĩ Kỳ để trang bị trên máy bay JF-17. Ảnh: PAF |
Quyết định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Ngoài các tên lửa không đối không tiên tiến này, máy bay chiến đấu của Azerbaijan cũng sẽ được tích hợp hệ thống điện tử hàng không tinh vi của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động của chúng.
Tên lửa Bozdogan (Merlin) và Gokdogan (Peregrine), do Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Tubitak-SAGE phát triển. Bozdogan là tên lửa tầm ngắn, được thiết kế cho các nhiệm vụ cận chiến, cung cấp độ chính xác cao hơn thông qua hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Với chiều dài khoảng 3m và được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, Bozdogan có thể tiếp cận mục tiêu trong bán kính 25km, tạo ra độ sát thương đáng kể bằng đầu đạn phân mảnh.
Trong khi đó, Gokdogan là tên lửa tầm trung, được thiết kế cho các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn. Tên lửa có chiều dài 3,7m, sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính, cập nhật dữ liệu giữa hành trình thông qua đường truyền dữ liệu và radar chủ động để nhắm mục tiêu cuối cùng. Với tầm hoạt động lên tới 65km, Gokdogan có thể phá hủy các mục tiêu ở xa bằng đầu đạn nặng từ 20-25kg.
* Hà Lan cung cấp xe bọc thép BvS-10 Viking cho Ukraine
Hà Lan mới đây đã quyết định cung cấp 28 xe bọc thép BvS 10 Viking cho Ukraine, nhằm tăng cường năng lực quân sự của lực lượng vũ trang trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Quân đội Ukraine huấn luyện trên xe bọc thép BvS 10 vào tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Netherlands Army |
BvS10 Viking là xe bọc thép được thiết kế để hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, từ rừng rậm đến sa mạc và môi trường Bắc cực. Phương tiện này là sản phẩm hợp tác của BAE Systems (Anh) và Land Systems Hagglunds (Thụy Điển), là bản nâng cấp của mẫu Bv206S, với khả năng chịu tải được cải thiện đồng thời vẫn duy trì khả năng cơ động đặc biệt trên địa hình hiểm trở.
BvS10 Viking được trang bị súng máy hạng nặng Browning 12,7mm hoặc súng máy đa năng 7,62mm. Về khả năng bảo vệ, xe được tấm giáp thép có khả năng chống lại đạn xuyên giáp 7,62mm và mảnh đạn pháo 152mm ở khoảng cách hơn 10m. Bên cạnh đó, xe cũng có khả năng chịu được mìn chống bộ binh với liều nổ 0,5kg.
BvS10 Viking được trang bị động cơ turbo diesel, cho phép xe đạt tốc độ tối đa 65km/giờ trên đường trường, lội nước với vận tốc 5km/giờ và phạm vi hoạt động là 500km.
* Nga lần đầu triển khai tên lửa “lai” đặc biệt Kh-36 Grom-E1 ở Ukraine
Theo Army Recognition, mới đây, Quân đội Nga đã thực hiện một cuộc không kích vào thành phố Kharkov (Ukraine). Đáng chú ý, lực lượng Nga đã sử dụng một loại tên lửa “lai” đặc biệt có tên gọi Kh-36 Grom-E1.
Tên lửa Kh-36 được trưng bày tại triển lãm Hàng không Vũ trụ quốc tế MAKS 2019. Ảnh: Rosoboronexport |
Về cơ bản, Kh-36 Grom-E1 là sự kết hợp giữa tên lửa hành trình và bom lượn, được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm xa với độ chính xác cao. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 315kg và sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp, bao gồm dẫn đường quán tính để điều hướng cơ bản, bổ sung bằng hiệu chỉnh quỹ đạo dựa trên vệ tinh, có khả năng sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS. Đối với giai đoạn cuối, tên lửa sử dụng radar chủ động hoặc hình ảnh quang học, cho phép điều chỉnh quỹ đạo và tấn công với độ chính xác cao ngay cả trong những giây cuối cùng trước khi chạm mục tiêu. Tốc độ cận âm của tên lửa ưu tiên khả năng tàng hình và tiết kiệm nhiên liệu, mang lại ưu thế khi bay tầm xa. Tên lửa có tầm bắn khoảng 500km, mặc dù một số nguồn tin cho rằng tầm bắn thực tế chỉ dưới 200km.
Về tải trọng, Kh-36 Grom-E1 rất linh hoạt, có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đạn nổ phân mảnh hoặc đầu đạn xuyên giáp để phá hủy các mục tiêu kiên cố.
QUỲNH OANH (tổng hợp)