* Theo thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Nam Sudan, các phe phái quân sự trong xung đột ở Sudan đã nhất trí ngừng bắn về mặt nguyên tắc 7 ngày, từ ngày 4 đến 11-5. Trước đó, Nam Sudan đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Sudan và Tổng thống Salva Kiir nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận ngừng bắn dài hơn và hai bên nhất trí chỉ định phái viên tham gia đàm phán hòa bình. Độ tin cậy của thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày sắp tới là chưa rõ ràng do các bên đã thường xuyên vi phạm quy định ngừng bắn trước đó.
Theo các quan chức Liên hợp quốc, xung đột giữa Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, và người đứng đầu Lực lượng bán quân sự RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, đã khiến hơn 100.000 người phải rời đất nước đi tị nạn. Giao tranh hiện đã sang tuần thứ ba và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn trong khu vực khi các nước láng giềng vốn rất nghèo khó của Sudan đang phải đối phó với dòng người tị nạn và giao tranh ở Sudan cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển viện trợ nhân đạo ở một quốc gia mà 2/3 dân số vốn dĩ đã phải sống dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài.
Xung đột ở Sudan đã kéo dài 3 tuần, khiến bùng phát khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Ảnh: Asharq Al-awsat |
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cho biết Cairo sẽ hỗ trợ đối thoại giữa các bên xung đột ở Sudan nhưng cũng sẽ hết sức “cẩn trọng để không can thiệp vào các vấn đề nội bộ”. Theo Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc (WFP), hiện WFP đang nối hoạt động của mình ở những vùng an toàn sau khi buộc phải tạm dừng trước đó do xung đột ở Sudan đã khiến một số nhân viên của WFP thiệt mạng. Ông Michael Dunford, Giám đốc WFP Đông Phi, cho biết: “Rủi ro ở chỗ đây không phải là một cuộc khủng hoảng ở Sudan mà sẽ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn trong toàn bộ khu vực”.
Chỉ huy các lực lượng trong xung đột ở Sudan vốn đã từng chia sẻ quan điểm về phân chia quyền lực trong quá trình chuyển đổi dân sự được quốc tế hậu thuẫn, tiến tới bầu cử tự do và thành lập chính phủ dân sự, nhưng hiện đã không còn đồng thuận và chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ lùi bước trước đối phương. Có một thực tế là cả hai bên đều không thể giành được chiến thắng một cách nhanh chóng và điều này khiến nguy cơ Sudan rơi vào một cuộc xung đột kéo dài có sự can thiệp của các cường quốc là đang hiện hữu trước mắt.
* Lầu Năm Góc sẽ triển khai 1.500 quân tới biên giới phía với Mexico hỗ trợ Bộ An ninh nội địa sau khi có dự báo số người di cư bất hợp pháp kéo đến khu vực biên giới sẽ gia tăng mạnh. Cùng với lực lượng quân đội, hiện đã có 2.500 người thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đóng dọc theo biên giới. Các lực lượng mới bổ sung sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các cơ quan hải quan và biên phòng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder tại một cuộc họp báo. Ảnh: U.S. News |
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder, thông báo hiện Bộ Quốc phòng đang “tích cực theo đuổi” các lựa chọn khác nhau để hỗ trợ cho lực lượng tuần tra biên giới, bao gồm cả việc huy động lực lượng dự bị tiếp quản công việc của lực lượng tại ngũ sau khi kết thúc 90 ngày triển khai tại khu vực biên giới.
Ông cho biết: “Các quân nhân sẽ không trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực thi pháp luật. Việc triển khai lực lượng quân đội tới biên giới là phù hợp với các hình thức hỗ trợ khác đối với Bộ An ninh nội địa trong nhiều năm qua.”
Chuẩn tướng Ryder cũng thông tin thêm rằng Bộ An ninh nội địa đã yêu cầu quân đội tham gia hoạt động kiểm soát biên giới do sẽ có “những thay đổi của Điều 42 từ ngày 11-5 và dự báo số người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mexio sẽ gia tăng mạnh”. Điều 42 do Tổng thống Donald Trump ban hành cho phép chính phủ Mỹ bỏ qua các thủ tục và trục xuất người di cư bất hợp pháp trong nước. Chính sách này sẽ hết hạn vào ngày 11-5 tới.
* Quân đội Israel không kích Dải Gaza sau khi bị các lực lượng Palestine nã rocket hôm 2-5 (giờ địa phương) nhằm trả đũa cho tù nhân 45 tuổi người Palestine Khader Adnan tuyệt thực đến chết sau gần 3 tháng bị Israel giam giữ ở Bờ Tây.
Khói bốc lên từ các tòa nhà trên vùng đất của người Palestine ở Gaza. Ảnh: Middle East Eye |
Đây là lần đầu tiên quân đội Israel đáp trả cuộc tấn công bằng rocket của các lực lượng Palestine với hỏa lực xe tăng trước khi tiến hành các cuộc không kích vào Dải Gaza. Trước đó, các cuộc tấn công bằng rocket của Palestine từ Dải Gaza nhằm vào thị trấn Sderot của Israel và các khu vực giáp biên khác. Theo truyền thông Palestine, Dải Gaza ghi nhận các vụ nổ ở khu vực phía Bắc, nhưng chưa có thương vong nào xảy ra.
Giao tranh giữa các bên đang làm dấy lên lo ngại về leo thang bạo lực trong khu vực. Trong tháng 4, quân đội Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào Lebanon và Dải Gaza do trước đó Israel đã bị nã rocket sau khi quân đội nước này tấn công Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)