Quân sự thế giới hôm nay (29-8): Nga, Ấn Độ có hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30?

29/08/2024 07:07

Quân sự thế giới hôm nay (29-8) có những nội dung sau: Nga, Ấn Độ hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30? Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu ngầm TCG Piri Reis vào hoạt động, Ukraine lần đầu thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo.

*Nga, Ấn Độ liệu có hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30?

Theo The Diplomat, Ấn Độ đang tiến gần đến thời điểm then chốt trong thị trường quốc phòng toàn cầu khi tham gia thảo luận với Nga về việc hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 để xuất khẩu. Sự hợp tác này giúp Ấn Độ củng cố hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng.

Su-30MKI là máy bay chiến đấu đa năng do Cục thiết kế Sukhoi của Nga và công ty HAL của Ấn Độ phát triển cho Không quân Ấn Độ. Ảnh: TASS 

Hindustan Aeronautics Limited (HAL), công ty hàng không vũ trụ nhà nước của Ấn Độ, đã lắp ráp máy bay chiến đấu Su-30MKI cho Không quân Ấn Độ (IAF) trong hơn hai thập kỷ. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, các cuộc đàm phán này nhằm mục đích sản xuất các biến thể có thể xuất khẩu của Su-30 tại Ấn Độ.

Su-30MKI là máy bay chiến đấu đa năng do Cục thiết kế Sukhoi của Nga và HAL cùng phát triển cho IAF. Máy bay được trang bị hệ thống kiểm soát vectơ lực đẩy và cánh phụ, giúp tăng cường khả năng cơ động. Chiến đấu cơ này bay lần đầu vào tháng 11-2000 và đi vào hoạt động từ tháng 9-2002. IAF đã đặt hàng 272 máy bay Su-30MKI, đưa máy bay này thành “xương sống” trong đội máy bay chiến đấu của IAF.

Su-30MKI có 12 giá treo, có khả năng mang tới 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa không đối đất (Kh-29, Kh-31, Kh-59M) và tên lửa không đối không (R-27, R-73, R-77). Máy bay cũng có thể phóng tên lửa hành trình BrahMos với tầm bắn 290km. Để phòng thủ, máy bay được trang bị các biện pháp đối phó điện tử, bao gồm máy thu cảnh báo radar Tarang, máy phát tán mồi bẫy/pháo sáng và máy gây nhiễu chủ động. Được trang bị 2 động cơ AL-31FP có chế độ đốt sau (afterburner), Su-30MKI có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,9 và có tầm hoạt động tối đa 3.000km, có thể mở rộng tới 8.000km khi được tiếp nhiên liệu trên không.

Việc hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 tại Ấn Độ mang lại lợi thế cho cả hai nước. Đối với Nga, đây là cách để vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt theo luật CAATSA nhằm cản trở việc bán thiết bị quân sự cho nhiều quốc gia. Khi sản xuất Su-30 tại Ấn Độ, máy bay chiến đấu do Nga thiết kế có thể tiếp cận các thị trường mới. Ấn Độ được hưởng lợi từ việc duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước, hỗ trợ hàng trăm công ty địa phương tham gia vào chương trình Su-30. Bằng cách cùng nhau sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 để xuất khẩu, Ấn Độ và Nga có thể củng cố quan hệ quốc phòng và mở rộng ảnh hưởng của họ trên thị trường vũ khí toàn cầu.

* Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu ngầm TCG Piri Reis vào hoạt động

Mới đây, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố đã đưa tàu ngầm TCG Piri Reis vào hoạt động, đánh dấu một chương mới cho đội tàu ngầm và cũng cho thấy nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu ngầm TCG Piri Reis vào hoạt động. Ảnh: Turkish MoD

Bên cạnh đó, tàu ngầm Hizir Reis cũng bắt đầu quá trình thử nghiệm dẫn đường và các tàu tiếp nhiên liệu YAKIT 2-3-4 được đưa vào hoạt động nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ hậu cần của hải quân.

Theo Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu đưa tất cả các tàu ngầm trên vào hoạt động trong năm 2029. Ông cũng đề cập đến việc xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng tự cung tự cấp, có khả năng thiết kế và chế tạo các vũ khí quân sự tiên tiến, bao gồm tàu ngầm và các nền tảng hải quân quan trọng khác.

TCG Piri Reis, định danh S-330, là tàu ngầm lớp Reis có thiết kế dựa trên tàu ngầm Type-214TN của Đức. Tàu có thể hoạt động ở vùng nước ven biển cũng như tuần tra ngoài đại dương, tàu có thể thực hiện các nhiệm vụ chống tàu mặt nước và tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và hoạt động của lực lượng đặc nhiệm.

Piri Reis được tích hợp công nghệ động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép tàu hoạt động êm hơn và lặn lâu hơn so với tàu ngầm điện-diesel thông thường.

Tàu ngầm lớp Reis sử dụng công nghệ pin nhiên liệu tiên tiến và pin dung lượng lớn, cho phép hoạt động trong thời gian dài mà không cần phải nổi lên mặt nước thường xuyên để lấy không khí. Lớp tàu ngầm này được chế tạo tại Xưởng đóng tàu Hải quân Golcuk của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hợp tác của ThyssenKrupp Marine Systems.

Tàu có chiều dài 68,35m, lượng giãn nước 1.850 tấn và có sức chứa 40 thủy thủ. Lớp Reis trang bị nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm ngư lôi hạng nặng Akya, tên lửa chống hạm Atmaca và thủy lôi. Bên cạnh đó, tàu cũng sẽ được trang bị tên lửa hành trình Gezgin, hiện đang được phát triển.

* Ukraine lần đầu thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo

Tại diễn đàn "Ukraine 2024 Độc lập", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên được sản xuất trong nước.

Cuộc thử nghiệm tại chỗ một phần tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Ukraine năm 2019. Ảnh: Pivdenne Design Bureau

Ông Zelensky chia sẻ rằng vụ thử tên lửa đã thành công, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thông tin chi tiết về tên lửa do tính bảo mật của dự án. Thông báo này được đưa ra ngay sau thông tin Ukraine đã đưa một loại tên lửa/UAV tầm xa mới có tên gọi Palianytsia vào thực chiến. Vào cuối năm 2023, Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng Ukraine có triển vọng trong việc sản xuất tên lửa có tầm bắn 1.000km và dự án này được tài trợ hoàn toàn bằng ngân sách quốc gia và do ngành công nghiệp Ukraine thực hiện.

Hiện tại, Ukraine sở hữu tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka thời Liên Xô, có tầm bắn 120km nhưng độ chính xác thấp hơn. Ukraine cũng đã phát triển Hrim-2, còn được gọi là Grim-2, Grom-2 hay OTRK Sapsan. Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn này được phát triển để thay thế tên lửa Tochka-U hiện đang được sử dụng. Trong phiên bản xuất khẩu, Hrim-2 có thể nhắm vào các mục tiêu riêng lẻ và nhóm cố định ở khoảng cách từ 50km đến 280km. Tuy nhiên, vì nhu cầu quân sự của Ukraine, tầm bắn của hệ thống đã được mở rộng lên 700km, tăng đáng kể so với tầm bắn trước đó là 450km đến 500km.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (29-8): Nga, Ấn Độ có hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO