Quân sự thế giới hôm nay (29-2): Nga xây dựng đường sắt quân sự, Ấn Độ duyệt mua 220 tên lửa BrahMos

29/02/2024 06:58

Quân sự thế giới hôm nay (29-2) có những nội dung sau: Nga xây dựng đường sắt quân sự mới, khinh hạm Hessen của Hải quân Đức đẩy lùi cuộc tấn công của Houthi, NATO tiến hành tập trận chống tàu ngầm ngoài khơi Sicilia, Ấn Độ phê duyệt mua 220 tên lửa hành trình BrahMos…

* Nga xây dựng đường sắt quân sự mới

Theo Bulgarian Military, có nhiều nguồn tin cho rằng Nga đang xây dựng tuyến đường sắt chở hàng quân sự quanh cầu Crimea, trong bối cảnh cây cầu này liên tục bị Ukraine tấn công.

Hình ảnh từ đoạn video clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy Nga đang xây dựng tuyến đường sắt quân sự quanh khu vực cầu Crimea. Ảnh: Bulgarian Military 

Cụ thể, các đoạn clip được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy rõ tiến độ xây dựng của tuyến đường sắt mới này. Nga đang thiết lập đường ray tự động theo tọa độ đã được lập trình. Trước đó, các khu đất xung quanh đã được san bằng nhằm mục đích xây dựng tuyến đường sắt liền mạch.

Theo các nguồn tin của Nga, tuyến đường sắt quân sự này dự kiến sẽ phục vụ cho quân đội Nga ở bán đảo Crimea cũng như ở khu vực xung đột Melitopol và Donetsk. Tuyến đường bắt đầu từ thành phố Rostov-on-Don, nơi cung cấp tài nguyên quân sự chính cho quân đội Nga, và kết thúc ở thị trấn Dzhankoy - trung tâm của quận Dzhankoy ở Bắc Crimea, với dân số hơn 35.000 người.

Cầu Crimea ở eo biển Kerch bị tấn công ngày 8-10-2022. Ảnh: Newsweek

Các báo cáo ban đầu về việc xây dựng tuyến đường sắt thực ra đã xuất hiện vào cuối năm ngoái. Kế hoạch này dường như là một động thái nhằm giảm sự phụ thuộc vào cầu Kerch – cây cầu chiến lược nối liền Nga với Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, đang có nhiều suy đoán rằng, Ukraine có thể nhắm vào tuyến đường sắt này ngay sau khi nó đi vào hoạt động.

* Khinh hạm Hessen của Hải quân Đức đẩy lùi cuộc tấn công của Houthi

Ngày 28-2, hãng thông tấn của Đức Deutsche Presse-Agentur đăng tải thông tin tàu khu trục Hessen của Đức đã ngăn chặn thành công một cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

Đây là tàu chiến của Hải quân Đức đang tham gia chiến dịch Eunavfor Aspides của Liên minh châu Âu (EU) trên Biển Đỏ nhằm bảo vệ các tàu thương mại trước những cuộc tấn công của Houthi.

Tàu khu trục Hessen của Đức bắn tên lửa hạm đối không đẩy lùi cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Ảnh: German MoD

Theo báo cáo, chiến hạm Hessen đã giao chiến và bắn hạ 2 máy bay không người lái (UAV) của nhóm vũ trang Yemen.

Chỉ huy lực lượng hải quân Đức, Phó đô đốc Jan Christian Kaack cho biết, ngoài nhân sự và đạn dược, các ưu tiên của Hải quân Đức trong năm 2024 tập trung vào tăng cường sự hiện diện ở biển Baltic và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến đi tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hải quân Đức trong mùa hè này.

Điều này bao gồm các kế hoạch bảo vệ tàu thương mại và tham gia vào các hoạt động ứng phó với các thách thức an ninh hàng hải toàn cầu. Việc triển khai các tàu chiến của Đức, như tàu khu trục và tàu tiếp tế tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là một phần trong nỗ lực của Đức nhằm phô trương sức mạnh và thực hiện tham vọng ngoại giao của mình tại các khu vực căng thẳng gia tăng.

* NATO tập trận chống ngầm ngoài khơi Sicilia

Mới đây, NATO thông báo liên minh quân sự này đang tiến hành cuộc tập trận Dynamic Manta 24 ở khu vực ngoài khơi bờ biển Sicilia thuộc Địa Trung Hải.

Đây là một hoạt động huấn luyện, tập trung chủ yếu vào tác chiến chống tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Todaro của Hải quân Italy tham gia tập trận Dynamic Manta 24. Ảnh: NATO

Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều phương tiện hải quân, bao gồm tàu, tàu ngầm, máy bay và binh lính từ các quốc gia thành viên của liên minh. Mục đích của cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng tương tác và sự thành thạo trong các kỹ năng tác chiến chống tàu ngầm và tàu chiến mặt nước.

Được tổ chức bởi Bộ Tư lệnh hàng hải liên minh (MARCOM), tập trận Dynamic Manta 24 thu hút sự tham gia của Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italy. Trong đó, Italy là nước chủ nhà.

* Ấn Độ phê duyệt mua hơn 220 tên lửa hành trình BrahMos

Theo thông tin đăng tải trên The Economic Times, Ủy ban nội các về An ninh Ấn Độ (CCS) đã hoàn tất thỏa thuận mua bán hơn 220 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tầm xa cho Hải quân Ấn Độ.

INS Mormugao, tàu khu trục lớp Visakhapatnam, phóng tên lửa BrahMos. Ảnh: Indian MoD 

BrahMos, còn được gọi là PJ-10, là tên lửa hành trình siêu thanh có thể phóng từ tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay chiến đấu hoặc xe kéo cơ động. Tên lửa này là sản phẩm liên doanh giữa Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ và NPO Mashinostroyeniya của Nga, và được đặt theo tên sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga.

BrahMos được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa nhanh nhất thế giới, với tốc độ từ Mach 2,8 đến 3,0 (tương đương với 960,4m/s đến 1.029 m/s), có thể cản trở đáng kể khả năng đáp trả hoặc đánh chặn mục tiêu của đối phương.

Được thiết kế ban đầu với tầm bắn khoảng 290km, tên lửa đã có những cải tiến cho phép nâng phạm vi tấn công lên tới 450km. BrahMos có hệ thống đẩy hai giai đoạn, kết hợp động cơ đẩy nhiên liệu rắn để tăng tốc ban đầu và động cơ phản lực dùng nhiên liệu lỏng để duy trì bay tốc độ cao.

Tên lửa có khả năng bay ở nhiều độ cao khác nhau, từ 10m đến 15km nhằm tránh bị radar phát hiện. BrahMos có thể mang đầu đạn thông thường nặng tới 300kg, hoặc đầu đạn nổ mạnh và đạn con, để nhắm vào các vị trí kiên cố hoặc khu vực mục tiêu. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính tiên tiến, hệ thống định vị GPS/GLONASS để đảm bảo độ chính xác cao.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-2-nga-xay-dung-duong-sat-quan-su-an-do-duyet-mua-220-ten-lua-brahmos-766799
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-2-nga-xay-dung-duong-sat-quan-su-an-do-duyet-mua-220-ten-lua-brahmos-766799
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (29-2): Nga xây dựng đường sắt quân sự, Ấn Độ duyệt mua 220 tên lửa BrahMos
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO