Quân sự thế giới hôm nay (29-12): Tiêm kích F-16 có thể đã tới Ukraine

29/12/2023 06:40

Quân sự thế giới hôm nay (29-12-2023) có những nội dung sau: Suy đoán về tiêm kích F-16 đầu tiên đã tới Ukraine, Hàn Quốc tăng cường năng lực không quân, Pakistan thử nghiệm tên lửa tầm xa mới.

* Suy đoán về tiêm kích F-16 đầu tiên đã tới Ukraine 

Newsweek đặt ra nghi vấn rằng các máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây cam kết cung cấp có thể đã hiện diện ở Ukraine.

Trang tin của Mỹ này dựa vào những tuyên bố mới đây của chính quyền Kiev về một số chiến thắng trên chiến trường trước các hệ thống phòng không Nga. Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng xuất hiện những đồn đoán về việc Ukraine dường như đã sử dụng F-16 để phá hủy khí tài quân sự Nga.

Hà Lan và Đan Mạch cam kết viện trợ tổng cộng 61 chiếc F-16 cho Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào cho thấy Ukraine đã nhận được các máy bay như vậy. Thậm chí, trên trang Facebook cá nhân, phát ngôn viên của không quân Ukraine Yurii Ihnat đã phủ nhận điều này và cho biết Kiev vẫn đang trong quá trình chuẩn bị để tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng thông tin nhóm phi công F-16 đầu tiên của nước này đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản ở Anh và chuyển sang huấn luyện chuyên sâu tại Đan Mạch, nhưng không tiết lộ mốc thời gian tiếp nhận F-16.

Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 tiên tiến do Mỹ sản xuất từ nhiều tháng trước, song thời điểm chính xác để những máy bay này cất cánh trên bầu trời Kiev vẫn chưa được tiết lộ. Theo báo giới, Hà Lan và Đan Mạch cam kết viện trợ tổng cộng 61 chiếc F-16 cho Ukraine.

Mặt khác, cần lưu ý rằng Ukraine đã yêu cầu phương Tây bàn giao F-16 từ lâu. Tuy nhiên, phương Tây nhấn mạnh rằng điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu phi công và nhân viên mặt đất chưa được đào tạo sơ bộ.

Ở các diễn biến liên quan, CNN đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm một số vũ khí và trang thiết bị như tên lửa cho các hệ thống phòng không, đạn chống tăng, đạn pháo 105mm và 155mm, đạn cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và 15 triệu viên đạn dành cho vũ khí cá nhân các loại. Đây là gói thứ ba trong tháng 12 và là cuối cùng trong năm 2023 mà Washington dành cho Kiev. Trong khi đó, theo Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét kế hoạch dự phòng theo đó cung cấp 20 tỷ euro (22,08 tỷ USD) để hỗ trợ Ukraine bất chấp sự phản đối của Hungary.

* Hàn Quốc tăng cường năng lực không quân

Theo Yonhap, Cơ quan Quản lý Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc cho biết đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc mua thêm 20 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35A cho không quân.

Máy bay F-35A của không quân Hàn Quốc. Ảnh: Newsis

Dự kiến số máy bay chiến đấu mới này sẽ được bàn giao cho Hàn Quốc từ năm 2027. Việc mua sắm máy bay F-35 nằm trong dự án trị giá 4,26 nghìn tỷ won (3,3 tỷ USD) của chính quyền Seoul, có hiệu lực đến năm 2028.

Hàn Quốc đã mua tổng cộng 40 chiếc F-35A từ năm 2019 đến 2022, trong đó 1 chiếc đã bị đưa ra khỏi biên chế do đâm phải chim ưng hồi tháng 1-2022.

* Pakistan thử nghiệm tên lửa tầm xa mới

Defense News dẫn nguồn từ đơn vị phụ trách truyền thông của quân đội Pakistan (ISPR) cho biết quân đội nước này đã phóng thành công tên lửa siêu thanh tầm xa nội địa Fatah-II mới phát triển.

Thử nghiệm tên lửa Fatah-II của Pakistan. Ảnh: Suno News

Theo những thông tin công bố ít ỏi, tên lửa có tầm bắn lên tới 400km, cải thiện hơn rất nhiều so với “người tiền nhiệm” Fatah-I với phạm vi chiến đấu chỉ khoảng 140km.

Bên cạnh đó, hình ảnh cuộc thử nghiệm cho thấy Fatah-II dường như được phóng từ một hệ thống pháo phản lực phóng loạt loại 2 ống phóng đặt trên khung gầm xe tải quân sự Taian TAS5450 cơ cấu 8x8 bánh lốp do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, Fatah-I cũng được đặt trên khung gầm tương tự nhưng phóng từ hệ thống gồm 10 ống phóng A-100.

Giới phân tích quân sự đánh giá, cũng giống như Fatah-I, Fatah-II sẽ được dùng để tấn công và tiêu diệt chính xác các mục tiêu chẳng hạn như căn cứ quân sự, lực lượng thiết giáp, địa điểm phóng tên lửa, sân bay lớn, bến cảng và các cơ sở quan trọng khác. Chỉ khác là nó có tầm bắn xa hơn.

Clip về vụ thử nghiệm tên lửa Fatah-II của Pakistan. Nguồn: ISPR Official

Thành công trong thử nghiệm Fatah-II đánh dấu một bước tiến đáng kể của ngành công nghiệp quốc phòng Pakistan trong việc trang bị cho quân đội nhiều hệ thống tên lửa tấn công chính xác với tầm bắn đa dạng để nâng cao năng lực tác chiến.

MINH ANH(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (29-12): Tiêm kích F-16 có thể đã tới Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO