* Israel đặt mua 50 máy bay chiến đấu của Mỹ
Theo The Times of Israel, Israel đang thúc đẩy thỏa thuận với Mỹ để mua máy bay chiến đấu, trực thăng và đạn dược trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Dải Gaza.
Máy bay phản lực của Israel và Mỹ tập trận trên không ngày 29-11-2022. Ảnh: Israel Defense Forces |
Các nguồn tin cho biết Israel có kế hoạch đặt mua 25 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 25 máy bay chiến đấu F-15IA – biến thể F-15EX dành cho Israel, 12 trực thăng KH-64 Apache, cùng một lượng lớn đạn dược từ Mỹ.
Năm ngoái, Israel đã gửi yêu cầu chính thức tới Mỹ về việc mua máy bay chiến đấu F-35 và máy bay phản lực F-15. Hiện chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc giao máy bay chiến đấu và trực thăng, tuy nhiên, Israel đang nỗ lực thỏa thuận để thúc đẩy việc giao hàng nhanh hơn.
Trước đó, Israel đã mua 50 máy bay chiến đấu F-35 từ tập đoàn Mỹ Lockheed Martin. Số máy bay này dự kiến sẽ được giao trong năm 2024. Quân đội nước này cũng đang tìm cách bổ sung và nâng cấp đội F-15 hiện có, có thể mang vũ khí hạng nặng.
F-35 là một trong những mẫu máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới, với hình dáng và công nghệ tàng hình rất khó bị radar phát hiện. Khả năng hoạt động đa nhiệm khiến F-35 trở thành một mẫu máy bay được sử dụng rộng rãi trong các nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu.
Tiêm kích F-35 có thể tấn công các mục tiêu trên không cũng như mặt đất. Máy bay có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, cung cấp dữ liệu chiến trường cho các đơn vị không quân, hải quân và lục quân.
* Trung Quốc tập trận bắn tên lửa chống hạm YJ-62
Mới đây, Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV vừa đăng tải một video ghi lại cuộc tập trận có sử dụng tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 của Hải quân Trung Quốc tại thành phố ven biển Hải Dương, tỉnh Sơn Đông.
Hình ảnh tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 trong cuộc tập trận được Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải. Ảnh: CCTV |
Theo thông tin trên Naval News, YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm trung được trang bị động cơ phản lực do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu chế tạo.
YJ-62 có thể phóng từ trên không, trên đất liền hoặc trên biển. Tên lửa này có chiều dài 6,1m, đường kính thân 0,54m và có trọng lượng phóng 1,24 tấn. YJ-62 có tầm bắn tối đa 500km và được trang bị đầu đạn nặng 300kg, có thể đánh chìm tàu chiến có trọng tải 5.000 tấn. Nó cũng có thể mang đầu đạn xuyên phá nổ mạnh. Đầu dò radar của YJ-62 hoạt động ở băng tần X với phạm vi quét lên tới 40km. Tên lửa có thể đạt tốc độ cận âm 0,9 Mach, tương đương 1.111,32 km/giờ.
YJ-62 chính thức được giới thiệu vào năm 2005. Phiên bản YJ-62 trên bộ đã được Hải quân Trung Quốc triển khai từ khoảng năm 2008. Một phiên bản khác được trang bị cho khu trục hạm lớp Type 052C.
* Mỹ, Pháp, Ấn Độ hỗ trợ tàu chở dầu bị tên lửa tấn công trên Biển Đỏ…
Phiến quân Houthi của Yemen vừa xác nhận về vụ phóng tên lửa trúng một tàu chở dầu trên vịnh Aden, khiến tàu bốc cháy.
Tàu chở dầu Marlin Luanda bốc cháy sau khi bị tên lửa đạn đạo của Houthi tấn công. Ảnh: ALINDIEN |
Theo BBC, đêm ngày 26-1 rạng sáng ngày 27-1, tàu chở dầu có tên Marlin Luanda được vận hành bởi công ty Anh Oceonix Services Ltd. đang di chuyển trên vịnh Aden, Biển Đỏ thì bị tên lửa đạn đạo của Houthi bắn trúng. Khinh hạm USS Carney của Mỹ, tàu hộ vệ Fremm của Pháp, và tàu khu trục Visakhapatnam của Ấn Độ đang tuần tra trên khu vực Biển Đỏ đã kịp thời can thiệp và hỗ trợ con tàu. Ngọn lửa được khống chế sau 20 giờ và thủy thủ đoàn của tàu Marlin Luanda gồm các thủy thủ Ấn Độ và Sri Lanka vẫn an toàn.
Cùng ngày 27-1, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết Mỹ đã tiến hành không kích phá hủy một bệ phóng tên lửa chống hạm của lực lượng Houthi ở Yemen khi đang chuẩn bị khai hỏa tấn công mục tiêu trên Biển Đỏ. Đây là đòn tấn công mới nhất của Mỹ từ khi nước này và Anh phát động chiến dịch trả đũa Houthi sau nhiều cuộc tấn công nhiều tàu hàng đi qua Biển Đỏ và eo Bab-el-Mandeb.
Houthi bắt đầu tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ và khu vực lân cận từ tháng 11 năm ngoái, tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào tàu hàng có liên quan đến Israel. Trước tình hình đó, Quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều đợt không kích, trong đó có hai lần phối hợp với Anh, nhằm giảm năng lực tấn công tàu hàng của Houthi. Mỹ còn dẫn đầu liên minh đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đỏ, cũng như tìm cách gây áp lực ngoại giao và tài chính đối với Houthi.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)