Quân sự thế giới hôm nay (27-7): Nhiều nước châu Âu cùng mua tên lửa vác vai Piorun

27/07/2024 06:57

Quân sự thế giới hôm nay (27-7-2024) có những nội dung sau: Ukraine sẽ nhận thêm xe tăng Leopard hiện đại hóa, Italy đầu tư cho lực lượng tàu rà phá thủy lôi ven bờ, nhiều nước châu Âu cùng mua tên lửa vác vai Piorun.

* Ukraine sẽ nhận thêm xe tăng Leopard hiện đại hóa

Reuters dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hà Lan và Đan Mạch cho biết sẵn sàng gửi 14 xe tăng Leopard 2A4 tới Ukraine vào mùa hè này sau khi được hiện đại hóa và thử nghiệm.

Số khí tài trên được hai nước đặt mua từ một bên thứ ba (không được công khai), sau đó được hiện đại hóa bởi nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức.

Xe tăng Leopard 2A4. Ảnh: The Hill Times 

Các thông số kỹ thuật cải tiến trên xe tăng chưa được các bên tiết lộ, song Bộ Quốc phòng Hà Lan nhấn mạnh với hỏa lực mạnh mẽ, khả năng bảo vệ cho tổ lái cũng như tốc độ di chuyển nhanh, xe Leopard có thể giúp Kiev chiếm ưu thế trên chiến trường.

Leopard 2A4 là phiên bản cải tiến dựa trên cơ sở Leopard 2. Phiên bản mới bao gồm nâng cấp về hệ thống giáp phản ứng nổ tự động, hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số và tháp pháo bọc thép bằng titan.

Phương tiện sử dụng động cơ diesel MTU MB 873 công suất 1.500 mã lực. Nhờ động cơ mạnh, xe tăng có thể di chuyển với vận tốc tối đa 72km/giờ, tầm hoạt động 550km.

Xe tăng được trang bị vũ khí chính là pháo nòng trơn L55 120mm do Rheinmetall phát triển và bắn được hai loại đạn là APFSDS-T và HEAT-MP-T. Ngoài ra, xe tăng cũng được tích hợp súng máy 7,62mm và súng phóng lựu 40mm.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ cam kết cung cấp 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, còn Đức thì tuyên bố chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Kiev.

* Italy đầu tư cho lực lượng tàu rà phá thủy lôi ven bờ

Theo Army Recognition, Hải quân Italy vừa trao hợp đồng đóng 5 tàu rà phá thủy lôi ven bờ thế hệ mới (CNG/C) cho liên doanh nội địa giữa các hãng Intermarine và Leonardo trị giá 1,6 tỷ euro kèm theo điều khoản thêm 1 tỷ euro nếu hai bên có nhu cầu. Thời gian giao hàng chưa được công bố.

Hình đồ họa về tàu thuộc dự án CNG/C của Hải quân Italy. Ảnh: Army Recognition

Hiện Hải quân Italy đang có trong biên chế 10 tàu rà phá thủy lôi thuộc lớp Lerici và Gaeta đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động rà phá thủy lôi song đã hoạt động trong nhiều thập kỷ qua. Vì thế, dự án CNG/C đang được Hải quân Italy thúc đẩy trong bối cảnh các mối đe dọa trên biển ngày càng gia tăng trên thế giới.

Leonardo tiết lộ, các tàu rà phá thủy lôi ven biển thế hệ mới sẽ có chiều dài khoảng 63m, lượng giãn nước 1.300 tấn, có thân vỏ chống chịu được các cú sốc từ vụ nổ dưới nước, kết hợp với các thiết bị tiên tiến như radar, cảm biến quang điện tử, sonar phát hiện và phân loại thủy lôi băng thông rộng, hệ thống chỉ huy-kiểm soát đa miền.

Nhiệm vụ của đội tàu CNG/C bao gồm rà phá các khu vực tiềm ẩn có thủy lôi và tiến hành giám sát đáy biển để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu và khí đốt hay mạng dữ liệu hàng hải, cũng như bảo tồn các di sản văn hóa và môi trường biển.

* Nhiều nước châu Âu cùng mua tên lửa vác vai Piorun

The Baltic Times đưa tin, Litva, Ba Lan cùng hai quốc gia châu Âu giấu tên dự kiến đồng thời mua tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Piorun do hãng Mesko SA của Ba Lan sản xuất.

Mặc dù chưa thông báo chi tiết hợp đồng song thỏa thuận sẽ được thực hiện theo chương trình khuyến khích mua sắm chung trong lĩnh vực quốc phòng của châu Âu (EDIRPA), với việc các bên sẽ nộp đơn xin tài trợ một phần từ Liên minh châu Âu (EU).

“Tăng cường năng lực phòng không là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi đặt ra cho quân đội”, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí.

Hệ thống tên lửa vác vai Piorun được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Top War

Riêng Litva hiện đang sử dụng biến thể cũ hơn của hệ thống Grom - phiên bản nội địa hóa từ dòng Igla của Liên Xô - được sản xuất tại Ba Lan và một số khí tài phòng không tầm ngắn từ các quốc gia khác.

Hệ thống Piorun thực chất là bản hiện đại hóa sâu của hệ thống Grom, vốn lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong quân đội Ba Lan vào năm 2019 nhằm vô hiệu hóa máy bay trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Toàn bộ hệ thống nặng hơn 16kg, trong đó đạn có trọng lượng 10,5kg. Đạn tên lửa dài 1,6m, đường kính 72mm, đầu đạn nặng 1,82kg, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, trang bị một ngòi chạm nổ.

Tầm bắn hiệu quả của Piorun là trong dải độ cao 10 - 4.000m, cự ly 500 - 6.500m, tốc độ mục tiêu khi bay tới lên đến 400m/giây, tốc độ đạn bay ra là 320m/giây, đạt vận tốc tối đa 660m/giây nhờ động cơ nhiên liệu rắn.

Hệ thống phòng không này được vận hành bởi một binh sĩ, bao gồm một tên lửa một tầng, một bệ phóng hình ống sử dụng một lần, một nguồn cung cấp năng lượng trên mặt đất và một cơ cấu khai hỏa. Piorun trang bị hệ thống dẫn đường bằng đầu dò hồng ngoại thụ động (GOS), nâng cao phạm vi bắt mục tiêu, tăng khả năng chống lại các biện pháp đối phó của đối phương. Ngoài ra, tên lửa còn có ống ngắm quang học ngày/đêm được gắn trên ống phóng.

MINH ANH(tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (27-7): Nhiều nước châu Âu cùng mua tên lửa vác vai Piorun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO