* Iran nâng cấp các hệ thống tên lửa vừa ra mắt
Dù mới chỉ ra mắt từ đầu năm nay, nhưng theo Air Recognition, Iran đã tiến hành nâng cấp hệ thống chống tên lửa đạn đạo Shahid Arman và hệ thống phòng không tầm thấp Azarakhsh do nước này tự chế tạo.
Tên lửa Sayad 3F (phía trước) của hệ thống Shahid Arman (phía sau). Ảnh: Mehr News |
Ngay từ khi được đưa vào mạng lưới phòng thủ, hai hệ thống trên được kỳ vọng giúp gia tăng đáng kể năng lực phòng không của Iran. Trong đó, hệ thống Shahid Arman có thể phát hiện 24 mục tiêu ở khoảng cách 180km, sau đó cùng lúc đánh chặn 6 - 12 mục tiêu ở khoảng cách 120km, còn hệ thống Azarakhsh có khả năng xác định và phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách 50km với 4 tên lửa sẵn sàng ngắm bắn. Chúng bổ sung cho nhau và được tích hợp vào hệ thống phòng không đa tầng của Iran, bao gồm các loại khí tài như Khordad, S-300 và Bavar-373.
Chưa dừng lại ở đó, trong lần nâng cấp này, phía Tehran tập trung nâng cao năng lực khắc chế của hai hệ thống trên đối với nhiều mục tiêu khác nhau, nhất là bom dẫn đường tầm xa, bom phá boong-ke, tên lửa chống gây nhiễu, thông qua cải tiến thiết bị lái tự động, khả năng điều hướng, đầu đạn, máy tính tích hợp, sức chứa nhiên liệu phóng.
Bộ Quốc phòng Iran tuyên bố, Shahid Arman và Azarakhsh đều có hệ thống radar chống tác chiến điện tử đã được thử nghiệm khả năng phục hồi trước nhiều dạng nhiễu điện tử khác nhau.
* Nhật Bản cho phép xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ mới
Kyodo News đưa tin, chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng những quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu quốc phòng để cho phép xuất khẩu có điều kiện đối với máy bay chiến đấu thế hệ mới mà nước này đang chế tạo cùng với Anh và Italy.
Mô hình máy bay thế hệ mới do Nhật Bản, Anh và Italy dự định hợp tác phát triển. Ảnh: Reuters |
Theo đó, việc xuất khẩu sẽ chỉ giới hạn đối với máy bay chiến đấu thế hệ mới, đồng thời chúng cũng chỉ có thể được chuyển đến những nước đã ký thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản và không tham gia vào các cuộc xung đột đang diễn ra.
Được biết, Nhật Bản đang hợp tác với Italy và Anh để phát triển loại máy bay chiến đấu tiên tiến F-X nhằm thay thế máy bay F-2 và Eurofighter Typhoon vốn cũng đang được quân đội Anh và Italy sử dụng.
* UAV vũ trang của Trung Quốc có khách hàng mới
Military Africa đưa tin, Algeria đã quyết định mua 4 máy bay không người lái (UAV) vũ trang WJ-700 Falcon từ Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC). Tuy nhiên, hai bên không cho biết giá trị hợp đồng cũng như thời gian bàn giao.
Nguyên mẫu UAV WJ-700 Falcon tại một triển lãm. Ảnh: Sputnik News |
WJ-700 Falcon lần đầu cất cánh vào năm 2020, với trọng lượng tối đa 3,5 tấn, trong đó tải trọng 800kg, sử dụng động cơ phản lực và đạt tốc độ tối đa 700km/giờ, trần bay 12.000m, thời gian hoạt động liên tục trên không là 20 giờ, trang bị hệ thống cất cánh và hạ cánh tự động.
Máy bay có 2 điểm treo vũ khí dưới cánh, có thể mang nhiều loại đạn khác nhau, đảm nhận nhiệm vụ trinh sát, giám sát, cảnh báo sớm và tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên biển hoặc trên bộ.
Clip giới thiệu UAV WJ-700 Falcon của Trung Quốc. Nguồn: New China TV |
Đáng chú ý, chỉ nhìn thoáng qua, “ngoại hình” của WJ-700 Falcon có nhiều điểm giống với UAV Reaper của Mỹ - khí tài nổi tiếng được mệnh danh là “sát thủ” với khả năng mang nhiều loại vũ khí khủng và thực hiện các đòn tấn công uy lực.
MINH ANH(tổng hợp)