*Ấn Độ hạ thủy tàu khu trục Triput
Chính phủ Ấn Độ mới đây công bố, công ty đóng tàu Goa Shipyard Limited (GSL) vừa hạ thủy tàu khu trục Triput tại Vasco da Gama, Goa, Ấn Độ.
Ấn Độ hạ thủy tàu khu trục Triput. Ảnh: Indian government |
Đây là chiếc đầu tiên trong số hai tàu khu trục do GSL đóng cho lực lượng hải quân, với sự chuyển giao công nghệ từ Nga. Trước đó, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Nga về việc đóng 4 tàu khu trục tiên tiến vào tháng 10-2016, 2 trong số đó được đóng ở Nga và số còn lại đóng tại GSL.
Tàu khu trục Triput được chế tạo nhằm thực hiện các hoạt động tác chiến toàn diện, như tấn công tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay của đối phương. Dựa trên thiết kế của các tàu lớp Teg và Talwar của Nga, Triput có chiều dài 124,8m, chiều rộng 15,2m, mớn nước 4,5m và lượng giãn nước khoảng 3.600 tấn. Sử dụng hệ thống động cơ đẩy tua bin khí kết hợp CODAG, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 59,2km/giờ và phạm vi hoạt động hơn 8.300km.
Thân tàu có thiết kế giảm tiết diện phản xạ tín hiệu radar, góp phần nâng cao khả năng tàng hình của tàu. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị hệ thống vũ khí và các cảm biến tiên tiến.
* Nga điều Su-27 chặn máy bay quân sự của Anh trên Biển Đen
Theo Bulgarian Military, Bộ Quốc phòng Nga đã điều động máy bay chiến đấu Su-27 để ngăn chặn máy bay quân sự của Anh xâm phạm không phận quốc gia trên Biển Đen.
Nga điều máy bay chiến đấu Su-27 chặn máy bay quân sự của Anh. Ảnh: Defencyclopedia |
Được biết, mục tiêu được xác định là 1 máy bay trinh sát chiến lược RC-135 và 2 máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Khi máy bay chiến đấu của Nga lại gần, máy bay quân sự nước ngoài đã bay xa khỏi biên giới không phận Nga. Các tiêm kích Nga trở về căn cứ an toàn. Biên giới Nga không bị xâm phạm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Máy bay trinh sát RC-135 của Anh đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin trên Biển Đen, đặc biệt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Những máy bay này được trang bị các cảm biến và thiết bị giám sát điện tử tiên tiến có thể chặn thu thông tin liên lạc, tín hiệu radar và các phát xạ điện tử khác từ các vũ khí quân sự trong khu vực. Khả năng này cho phép Anh và các đồng minh giám sát các hoạt động trên không và trên biển.
RC-135 là dòng máy bay trinh sát cỡ lớn, được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Trinh sát cơ này được đưa vào sử dụng từ thập niên 1960 và đã trải qua nhiều lần nâng cấp.
Về kích thước, máy bay RC-135 có chiều dài khoảng 41m, sải cánh rộng khoảng 40m, chiều cao khoảng 13m và trọng lượng cất cánh tối đa là 135.000kg. RC-135 có thể đạt vận tốc lên tới khoảng 933km/giờ, phạm vi hoạt động và trần bay lần lượt là 5.550km và 15.200m.
Máy bay được trang bị các hệ thống lái tự động tiên tiến, công nghệ điều khiển bay tự động và hệ thống điều khiển bay dự phòng để nâng cao độ an toàn và độ tin cậy trong các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, RC-135 còn được lắp đặt các hệ thống giám sát tiên tiến bậc nhất thế giới, bao gồm hệ thống thu thập thông tin tình báo tín hiệu SIGINT, tình báo điện tử ELINT và tình báo thông tin liên lạc COMINT. Những hệ thống này cho phép máy bay chặn thu và phân tích nhiều loại tín hiệu điện tử, cung cấp dữ liệu tình báo quan trọng.
* Tây Ban Nha cung cấp hệ thống phòng không Hawk cho Ukraine
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles thông báo sẽ viện trợ hệ thống phòng không Hawk cho Ukraine trong tháng 9 tới, nhằm nâng cao khả năng phòng không của lực lượng vũ trang quốc gia này.
Hệ thống tên lửa phòng không Hawk. Ảnh: Army Recognition |
Hawk là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu trên không ở nhiều khoảng cách và độ cao khác nhau. Hệ thống này được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Pháp, Hy Lạp, Iran, Israel, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, UAE…
Hawk được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn, cho phép tên lửa đạt vận tốc tới Mach 2,7 (gấp 2,7 lần vận tốc âm thanh). Hệ thống tương thích với 2 loại tên lửa: MIM-23A (trọng lượng 584kg và đầu đạn phân mảnh nặng 54kg) và MIM-23B (trọng lượng 627kg và đầu đạn phân mảnh nặng 75kg). MIM-23A sử dụng động cơ M22E8 có thể hoạt động với tầm bắn từ 2-32km, độ cao tác chiến tối thiểu là 60m, độ cao tối đa là 11km. Trong khi đó, MIM-23B được trang bị động cơ M112 với lực đẩy lớn hơn, nâng phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên đến 40km với độ cao tối đa 18km.
Hệ thống dẫn đường của Hawk dựa vào radar bán chủ động dẫn đường theo tỷ lệ, đảm bảo độ chính xác cao trong việc đánh chặn mục tiêu. Ngoài ra, hệ thống phòng không này còn được trang bị trung tâm điều khiển BCC; trung tâm điều phối thông tin và xử lý dữ liệu ICC và trung tâm điều khiển hỏa lực PCP cùng bệ phóng tên lửa.
QUỲNH OANH (tổng hợp)