*Ấn Độ sản xuất tên lửa chống tăng Javelin
Hãng thông tấn Ấn Độ ANI News đưa tin Ấn Độ và Mỹ đang thúc đẩy hợp tác quân sự trong việc sản xuất tên lửa chống tăng Javelin tại Ấn Độ. Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia.
Tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Raytheon |
Theo các nguồn tin quốc phòng, Quân đội Ấn Độ đang khẩn trương trang bị một loại tên lửa dẫn đường chống tăng hiện đại để thay thế việc mua tên lửa Spike của Israel. Các quan chức nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp bền vững thông qua sự hợp tác này, giải pháp này cũng là cơ hội để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Javelin, tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, là tổ hợp tên lửa chống tăng do Raytheon và Lockheed Martin hợp tác phát triển. Tổ hợp này được quân đội Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh sử dụng rộng rãi.
Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, các mục tiêu bọc thép, cũng như các vị trí kiên cố từ bệ phóng vác vai. Tên lửa có khả năng khóa mục tiêu trước khi phóng và hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", cho phép người điều khiển không bị phát hiện ngay sau khi phóng. Sau khi được khai hỏa, tên lửa di chuyển với tốc độ khoảng 290m/s.
Javelin sử dụng công nghệ dẫn đường hồng ngoại giúp nâng cao độ chính xác ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi và có thể tấn công mục tiêu ở chế độ tấn công trực tiếp hoặc tấn công đột nóc để xuyên giáp tối ưu. Trong những năm qua, Javelin không ngừng được cải tiến để nâng cao tầm bắn, độ chính xác và khả năng chống lại các biện pháp bảo vệ tiên tiến của xe tăng hiện đại.
* BAE Systems đóng tàu khu trục lớp Hunter cho Hải quân Australia
Tập đoàn quốc phòng BAE System của Anh vừa công bố, Australia đã bắt đầu triển khai đóng các tàu khu trục lớp Hunter tại xưởng đóng tàu hải quân Osborne ở Adelaide.
BAE Systems ký hợp đồng đóng tàu khu trục lớp Hunter với Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: BAE Systems |
Được thiết kế là tàu đa nhiệm, tàu khu trục lớp Hunter có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tác chiến chống ngầm và tàu mặt nước cũng như thực hiện các nhiệm vụ giám sát và thu thập thông tin tình báo. Ngoài ra, tàu cũng có khả năng cứu trợ nhân đạo `và thực hiện các hoạt động phòng thủ.
Trước đó, Australia đã ký hợp đồng đóng tàu khu trục lớp Hunter với BAE Systems Maritime Australia (công ty con của BAE Systems) vào tháng 12-2018. Tổng giá trị của hợp đồng ước tính khoảng hơn 25 tỷ USD, một khoản đầu tư đáng kể cho việc đảm bảo Hải quân Hoàng gia Australia vẫn đi đầu trong năng lực phòng thủ hàng hải. Giai đoạn đóng toàn bộ các tàu khu trục lớp Hunter dự kiến sẽ kéo dài trong 20 năm, với mục tiêu đưa tàu đầu tiên vào hoạt động năm 2034.
Về thông số kỹ thuật, tàu khu trục lớp Hunter có chiều dài 151,4m, rộng 21,3 và có lượng giãn nước đầy tải là 8.800 tấn. Được trang bị hệ thống động lực hybrid CODLOG (kết hợp động cơ diesel, tuabin khí và điện), tàu có thể di chuyển với vận tốc 50km/giờ, tầm hoạt động 12.964km. Tàu khu trục lớp Hunter được tích hợp radar mảng pha nội địa CEA, hệ thống quản lý chiến đấu Aegis, có sàn đáp cho trực thăng và máy bay không người lái cánh cố định.
* Ukraine ra mắt UAV cảm tử Bulava
Tại Triển lãm Vũ khí Lục quân Eurosatory 2024 diễn ra ở Paris, Ukraine đã giới thiệu một mẫu máy bay không người lái (UAV) cảm tử mới nhất có tên “Bulava”.
UAV cảm tử Bulava được Ukraine giới thiệu tại Triển lãm Vũ khí Lục quân Eurosatory 2024. Ảnh: Army Recognition |
UAV này còn có phiên bản xuất khẩu với tên gọi “Mace”. Việc ra mắt mẫu UAV mới đã cho thấy những tiến bộ đáng kể trong ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Được phát triển bởi liên doanh Ukraine - Cộng hòa Czech UAC, Bulava có thiết kế hình chữ X và mang theo đầu đạn nhiệt áp nặng 3,6kg. Máy bay không người lái này có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 60km. Với sải cánh rộng 1,6m và dài 1,5m, Bulava có trọng lượng 11kg và trần bay 2.000m. Được trang bị động cơ điện, UAV này có thể bay với tốc độ 100km/giờ và duy trì hoạt động trên không trong hơn 50 phút.
Bulava được trang bị mô-đun liên lạc mã hóa và ăng-ten CRPA, giúp nền tảng này có khả năng chống lại tác chiến điện tử. Phương tiện sử dụng công nghệ MESH để truyền dữ liệu qua máy bay không người lái chuyển tiếp và có thể được vận hành trực tiếp bởi người điều khiển hoặc thông qua tọa độ vệ tinh. UAV này còn được trang bị một trạm quang học có kênh ảnh nhiệt ngày và đêm giúp phát hiện, theo dõi mục tiêu và thực hiện các đòn tấn công có độ chính xác cao ngay cả trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
Bulava được chế tạo nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát mục tiêu, tấn công chính xác và phá hủy kho đạn dược cũng như các cứ điểm kiên cố. Khả năng cơ động của máy bay được tăng cường nhờ đuôi hình chữ X, mang lại sự ổn định và độ chính xác cao trong quá trình bay và tấn công.
Việc phát triển UAV Bulava là một phần trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Ukraine. Ngoài Bulava, Ukraine cũng trình làng những mẫu phương tiện không người lái tiên tiến khác tại triển lãm như Magura V5 và Raybird.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)