Quân sự thế giới hôm nay (26-3): Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus

26/03/2023 14:11

Quân sự thế giới hôm nay (26-3) có những tin đáng chú ý sau: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus; Singapore tiếp tục tăng cường năng lực quốc phòng; phiến quân Houthis tấn công đoàn hộ tống Bộ trưởng Quốc phòng Yemen.

* Phiến quân Houthis tấn công đoàn hộ tống Bộ trưởng Quốc phòng Yemen bằng thiết bị bay không người lái, khiến 1 binh sĩ chính phủ thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra ở thành phố miền Nam Taez, nằm trong nỗ lực tăng cường thực hiện âm mưu ám sát các quan chức chính phủ của phiến quân Houthis trong những ngày qua.

Taez là thành phố lớn thứ ba của Yemen do chính phủ (do Saudi Arabia hậu thuẫn) kiểm soát nhưng hiện đang bị phiến quân bao vây và tiến hành các hoạt động khủng bố.

Taez hiện đang bị phiến quân Houthi bao vây. Ảnh: The National

Cuối năm 2014, phiến quân Houthis giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa, dẫn đến một cuộc can thiệp quân sự do Saudi Arabia hậu thuẫn vào năm 2015. Đầu tháng 3-2023, Riyadh và Tehran đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm đình trệ, làm dấy lên hy vọng về hòa bình cho Yemen.

* Căng thẳng hạt nhân tiếp tục leo thang khi Nga tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Hãng tin Nga RT cho biết Tổng thống Vladimir Putin ngày 25-3 tuyên bố sẽ hoàn thiện một cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào tháng 7 tới và sẽ triển khai vũ khí đến đây sớm nhất là vào mùa hè này. Tổng thống Nga cũng khẳng định Nga sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus mà không trao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk. Thời điểm triển khai chính xác cũng chưa được xác định.

Lý giải cho động thái này, ông Putin cho biết đây là phản ứng đáp trả việc Vương quốc Anh cung cấp cho Kiev đạn chứa uranium làm nghèo đi kèm xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Nga coi đây là hành động “hết sức liều lĩnh và vô trách nhiệm” và cảnh báo rằng việc sử dụng loại đạn này có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, và hậu quả của nó đã được thấy rõ qua việc NATO sử dụng các loại vũ khí tương tự ở Iraq. Trong khi đó, Mỹ vẫn gọi đạn chứa uranium nghèo là “đạn thông thường” và đã “được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua”. Phản ứng trước động thái nói trên của Nga, phía Mỹ dè dặt cho rằng không có dấu hiệu cho thấy Nga có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận của lực lượng răn đe chiến lược tại Moscow ngày 19-2-2022. Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Minsk. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần nêu bật các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai tới các nước Liên minh châu Âu. Tháng 10-2022, ông cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể đã được bố trí ở Ba Lan, giáp biên với Belarus và nhấn mạnh rằng Minsk cần thực hiện “các biện pháp thích hợp” để giải quyết mối đe dọa này và sẽ bàn thảo với Moscow. Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được đã triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí hạt nhân như một phần trong các đề xuất an ninh của mình, nhưng Mỹ và NATO đã từ chối.

* Thales và Singapore hợp tác tăng cường năng lực quốc phòng. Nhà thầu quốc phòng Thales và Cơ quan Khoa học và công nghệ quốc phòng Singapore (DSTA) mới ký kết một Thỏa thuận tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả thiết lập các hợp đồng dài hạn. Thales cũng thông báo ra mắt Trung tâm Quốc phòng có nhiệm vụ khai thác chuyên môn kỹ thuật và kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động và bảo trì dài hạn, tối đa hóa khả năng sẵn sàng tác chiến đối với các thiết bị và hệ thống có vòng đời dài phục vụ quân đội Singapore (SAF).

Thỏa thuận tổng thể sẽ giúp tăng cường và kéo dài khả năng phục vụ của trang thiết bị, bao gồm hoạt động bảo trì, hỗ trợ, vận hành và phát triển trong nước đáp ứng người dùng đầu cuối. Một nền tảng trao đổi dữ liệu an toàn cũng sẽ được thiết lập cho phép DSTA và Thales thường xuyên trao đổi thông tin. Chuyên gia kỹ thuật và bảo trì của Thales sẽ tới Singapore, làm việc trực tiếp với DSTA và SAF, đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Công nghệ radar của Thales được áp dụng cả trong và ngoài lĩnh vực quốc phòng. Ảnh: Navy Recognition

Trong 50 năm qua, Thales đã cung cấp cho SAF nhiều khí tài quân sự như radar, cảm biến hải quân và hệ thống thông tin liên lạc. Trên thực tế, năng lực làm chủ công nghệ của Thales trong lĩnh vực radar không chỉ dừng lại trong lĩnh vực quốc phòng. Hệ thống radar quản lý không lưu của Thales cũng đang được nhiều cơ quan hàng không dân dụng trong khu vực sử dụng. Đây cũng là lý do Singapore tăng cường hợp tác với tập đoàn quốc phòng Thales, hướng tới trang bị cho quân đội những công nghệ mới và hiện đại nhất, đủ khả năng đối phó với những thách thức mới nổi.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (26-3): Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO