* Theo Security Week, Diễn tập tác chiến mạng quân sự có tên Defense Cyber Marvel 2 (DCM2) bắt đầu diễn ra Estonia với tổng cộng có 34 đội, 750 chuyên gia tới từ 10 nước: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy, Estonia, Ukraine, Ghana, Kenya và Oman.
Cuộc diễn tập kéo dài 7 ngày do Lục quân Vương quốc Anh chủ trì sẽ kiểm tra năng lực ứng phó của các đội với các tình huống an ninh mạng phức tạp trong đó có các cuộc tấn công trên không gian mạng và tấn công vào các hệ thống kiểm soát công nghiệp. Các đội tham gia thi đấu được đánh giá dựa trên tốc độ xác định các mối đe dọa an ninh mạng và khả năng ứng phó với các mối đe dọa đó.
* Triều Tiên tiếp tục bắn 4 quả tên lửa đạn đạo tầm xa về vùng biển phía Đông nước này nhằm phản ứng với hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong một tuần trở lại đây, Triều Tiên thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa trong khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức một cuộc tập trận mô phỏng ở Washington nhằm tăng cường ứng phó đối với các mối đe dọa hạt nhân.
KCNA cho biết 4 quả tên lửa đã bay trong gần 3 giờ đồng hồ trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông Triều Tiên. Ảnh: Getty Images |
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), 4 quả tên lửa đã bay trong gần 3 giờ đồng hồ trước khi rơi xuống biển. Đường bay của 4 quả tên lửa cho thấy chúng có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.240 dặm (1.995km). Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết thông số kỹ thuật của KCNA đưa ra có sự sai lệch so với những gì tình báo Hàn Quốc và Mỹ ghi nhận. Vì vậy, sẽ còn cần thêm thời gian để tiếp tục phân tích và làm rõ thông tin và kết quả về vụ phóng sẽ được công bố sau đó.
* Căng thẳng tiếp tục leo thang ở khu vực Trung Đông khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhóm họp các quan chức cấp cao chính phủ bàn định các hành động quân sự đối với Iran.
Theo Israel Times (Thời báo Israel), trong tuần ông Netanyahu đã tổ chức 5 cuộc họp với cùng một nội dung là xem xét tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Các quan chức được triệu tập trong các cuộc họp gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Tham mưu trưởng các lực lượng quốc phòng Herzi Halevi, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad David Barnea và Giáo đốc Cơ quan quân báo Aharon Haliva.
Israel Times dẫn nguồn giấu tên cho biết nội dung các cuộc họp xem xét một cách nghiêm túc khả năng Israel sẽ đơn phương sử dụng vũ lực để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thông tin các cuộc họp sau đó cũng được thông báo tới các quan chức Mỹ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
* NATO đang tiến hành dự án phát triển trực thăng thế hệ mới (NGRC) nhằm thay thế cho các thế hệ máy bay trực thăng hiện đang được sử dụng. Đây là dự án do Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Anh, và Canada nghiên cứu và phát triển với ý định đưa vào thực chiến một mẫu máy bay trực thăng tầm trung chậm nhất là vào năm 2035.
NGRC sẽ thay thế trực thăng NH90 của Pháp. Ảnh: Airbus |
Hiện dự án đang ở giai đoạn đầu và một văn phòng điều phối đã được thành lập vào cuối năm 2022 do Cơ quan Mua sắm và hỗ trợ của NATO (NSPA) điều hành. Các ý tưởng đang được lựa chọn và dự án đang ở giai đoạn tạo lập mô hình. Theo ông Cyril Heckel, Giám đốc chương trình NGRC tại NSPA, giai đoạn hình thành ý tưởng, tạo lập mô hình sẽ được tiến hành từ giờ đến 2025 và sau đó sẽ đưa ra “concept”. Phiên bản thử nghiệm bay đầu tiên có thể sẽ được ra mắt vào năm 2030. Khi thử nghiệm thành công, NGRC sẽ được biên chế cho các nước thành viên NATO bắt đầu từ 2035.
* Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine
Gói viện trợ được thông qua trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine không những chưa có dấu hiệu ngừng lại mà còn gia tăng cường độ và mức độ căng thẳng. Trong một diễn biến khác, ngày 24-2 (ngày 23-2 giờ Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngừng chiến ở Ukraine với 141 phiếu thuận, 32 phiếu trắng, và 7 phiếu chống. Nga đã bác bỏ nghị quyết này.
Liên quan gói viện trợ quân sự cho Ukraine, thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết gói viện trợ quân sự chủ yếu là nhằm củng cố hệ thống phòng không, bổ sung các thiết bị bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử, đạn pháo và các loại đạn chính xác cao. Một số hệ thống vũ khí, khí tài trong gói viện trợ quân sự cho Ukraine gồm: Tên lửa HIMARS, đạn pháo 155mm, đạn tên lửa dẫn đường laser, máy bay không người lái CyberLux K8, UAV cảm tử... và một gói huấn luyện sử dụng.
* Singapore tăng cường tiềm lực quốc phòng
Singapore mua thêm 8 chiến đấu cơ F-35, nâng tổng số máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của mình lên 12 chiếc khi tất cả được bàn giao vào cuối thập kỷ này. Đây là thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Singapore. Strait Times dẫn lời Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết F-35 sẽ thay thế dần cho các chiến đấu cơ F-16 sẽ trở nên già cỗi vào những năm 2030.
Bộ Quốc phòng Singapore quyết định mua thêm 8 chiến đấu cơ F-35. Ảnh: Strait Times |
Trong cuộc họp về ngân sách quốc phòng diễn ra ngày 24-2, ông Ng Eng Hen nhấn mạnh: “Chúng ta có thể tự hài lòng rằng Quân đội Singapore (SAF) là một trong những quân đội hiện đại nhất ở châu Á. Về tương quan lực lượng thì SAF không lớn, nhưng tất cả các quân chủng của chúng ta đều được vận hành trên các nền tảng hiện đại, tiên tiến nhất, đảm bảo có thể thực hiện các chiến dịch đối phó với nhiều thách thức về an ninh".
Trước đó, Singapore đã mua 4 chiếc F-35 với lựa chọn bổ sung có thể mua thêm 8 chiếc nữa. Giá trị hợp đồng này theo phía Mỹ là 2,75 tỷ USD. Cũng trong cuộc họp về ngân sách ngày 24-2, ông Ng Eng Hen thông báo bổ sung thông tin về Cơ quan Tình báo kỹ thuật số (DIS) - “quân chủng” thứ 4 của Quân đội Singapore được thành lập vào tháng 10 năm ngoái. Lực lượng này tích hợp các bộ phận an ninh mạng, kỹ thuật số và quân báo hiện có trong toàn quân nhằm đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai. Theo Strait Times, ngân sách quốc phòng Singapore dự kiến cho năm 2023 là khoảng 18 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)