Quân sự thế giới hôm nay (24-3): Thụy Điển viện trợ xuồng tấn công nhanh CB-90 cho Ukraine, Argentina mua 24 chiến đấu cơ F-16

24/03/2024 07:10

Quân sự thế giới hôm nay (24-3) có những nội dung sau: Thụy Điển viện trợ xuồng tấn công nhanh CB-90 cho Ukraine, Kenya mua xe bọc thép Springbuck, Argentina mua 24 chiến đấu cơ F-16.

* Thụy Điển viện trợ xuồng tấn công nhanh CB-90 cho Ukraine

Chính phủ Thụy Điển mới đây công bố, ủy ban tài chính nước này vừa phê duyệt đề xuất hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Gói viện trợ được đề xuất bao gồm đạn, lựu đạn, hệ thống tên lửa chống tăng, vũ khí dưới nước và xuồng tấn công nhanh CB-90.

Xuồng tấn công nhanh CB-90. Ảnh: Saab

Xuồng tấn công nhanh CB-90, còn được biết đến với tên gọi Stridsbåt 90, được Dockstavarvet phát triển cho Hải quân Thụy Điển và được một số quốc gia sử dụng cho mục đích quân sự. Xuồng có chiều dài 15,9m và rộng 3,8m, mớn nước 0,8m, lượng giãn nước từ 13.000kg khi không mang tải lên đến 20.500kg khi đầy tải.

Phương tiện được trang bị 2 động cơ diesel 600kW và 2 máy bơm phản lực cho phép thực hiện các thao tác nhanh và đạt tốc độ lên tới 75km/giờ khi hoạt động ở vùng nước nông ven bờ, phạm vi hoạt động 432km ở tốc độ 36km/giờ. Xuồng có khả năng chở tối đa 21 binh sĩ với đầy đủ trang thiết bị chiến đấu hoặc hàng hóa nặng tới 4,5 tấn.

Phương tiện quân sự này được trang bị 3 súng máy M2HB, một súng máy 12,7mm (hoặc súng phóng lựu 40mm) được cố định trên giá đỡ phía sau buồng lái. Ngoài ra, CB90 cũng được gắn một súng phóng lựu Mk 19; 4 thủy lôi hải quân hoặc 6 thủy lôi sâu.

Ở một số biến thể như CB90 HSM còn được trang bị Trạm vũ khí từ xa Saab Trackfire nhằm tăng cường hỏa lực. Với trang bị như vậy, xuồng có khả năng thực hiện đa dạng các nhiệm vụ hải quân, từ phản ứng nhanh, tuần tra ven biển đến các hoạt động đặc biệt.

* Kenya mua xe bọc thép chở quân Springbuck

Army Recgonition đưa tin, Kenya vừa mua một loạt xe bọc thép chở quân Springbuck nhằm tăng cường thế trận phòng thủ chống lại các mối đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc gia.

Là xe bọc thép chở quân của Nam Phi, Springbuck nổi bật nhờ kết cấu chắc chắn và khả năng bảo vệ vượt trội, mang lại an toàn cho binh sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Xe được trang bị lớp giáp bổ sung để đạt được cấp độ bảo vệ lên đến STANAG 3, có thể được trang bị trạm vũ khí điều khiển từ xa hoặc có người điều khiển.

Nhờ động cơ diesel MWM 6.12 TCA 6 xi-lanh 286 mã lực, phương tiện có thể tăng tốc từ 0 lên 48km/giờ chỉ trong 15 giây và khả năng leo dốc tối đa 35 độ. Springbuck có phạm vi hoạt động lên tới 600km và có thể di chuyển quãng đường dài mà không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên.

Kenya đã mua một loạt xe bọc thép chở quân Springbuck nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Kenya

Đặc biệt, với hệ thống lốp 14.00R20 có vành thép, phương tiện bọc thép này có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau, kể cả các điều kiện khắc nghiệt nhất. Hệ thống phanh khí nén, với phanh đĩa trên tất cả các bánh và hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) giúp bảo đảm an toàn cho phương tiện khi tăng tốc trong quá trình di chuyển.

Trong 6 tháng qua, Chính phủ Kenya đã phân bổ 7,6 tỷ Ksh và có kế hoạch đầu tư thêm 29,4 tỷ Ksh trong 3 năm tới vào chương trình hiện đại hóa trang thiết bị cảnh sát nhằm trang bị cho lực lượng cảnh sát các trang thiết bị hiện đại như xe bọc thép chở quân, giúp bảo đảm an toàn cho lực lượng thực hiện thi nhiệm vụ.

* Argentina mua 24 chiến đấu cơ F-16A/B MLU và tên lửa AIM

Bulgarian Military đưa tin, Argentina mới đây đã quyết định mua 24 chiến đấu cơ F-16A/B MLU đã qua sử dụng của châu Âu cùng với tên lửa AIM nhằm nâng cao khả năng của lực lượng không quân nước này.

Trước đó, Argentina cân nhắc giữa máy bay chiến đấu Tejas Mk1 hoàn toàn mới của Ấn Độ, JF-17 của Trung Quốc và F-16A/B MLU đã qua sử dụng của Đan Mạch. Tuy nhiên, Tổng thống Argentina Javier Millay đã quyết định chọn những chiếc F-16 đã qua sử dụng.

Theo nguồn tin từ Argentina, thương vụ này trị giá tới 650 triệu USD. Chi phí này không chỉ bao gồm việc mua 24 chiếc F-16A/B MLU đã qua sử dụng mà còn bao gồm hai loại tên lửa là AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinders.

AIM-120 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, tích hợp công nghệ radar chủ động tinh vi và mang đầu đạn có sức nổ mạnh. Tên lửa có chiều dài 3,7m, đường kính 17,8cm, sải cánh 53,8cm, có thể khóa và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tới 180km. Mặc dù nặng khoảng 152kg, nhưng AIM-120 vẫn được đánh giá là loại vũ khí nhỏ gọn và đáng gờm.

Một chiếc F-16 Fighting Falcon. Ảnh: homestead.afrc.af.mil

Trong khi đó, tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 có chiều dài khoảng 3m, đường kính 12,5cm, nặng khoảng 85kg, phạm vi hoạt động có thể từ 8 đến 35km tùy theo phiên bản. Tên lửa sử dụng đầu đạn phân mảnh có khả năng phá hủy và tiêu diệt mục tiêu bằng sự kết hợp giữa sức ép khi nổ và mảnh đạn.

Không quân Mỹ mô tả F-16 là một cỗ máy chiến đấu nhỏ gọn, đa nhiệm. Đặc điểm quan trọng của chiến đấu cơ này là khả năng không chiến đặc biệt, tính cơ động và tầm hoạt động. Ngoài ra, máy bay còn nổi bật với khả năng xác định chính xác mục tiêu trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào và phát hiện máy bay tầm thấp bằng radar.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (24-3): Thụy Điển viện trợ xuồng tấn công nhanh CB-90 cho Ukraine, Argentina mua 24 chiến đấu cơ F-16
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO