*Nga phát triển UAV săn nguồn và gây nhiễu sóng vô tuyến
Công ty Kursir của Nga tiết lộ đã phát triển một mẫu máy bay không người lái (UAV) có khả năng xác định nguồn và gây nhiễu sóng vô tuyến. Loại khí tài mới này cho thấy sự tiến bộ không ngừng của Nga trong công nghệ máy bay không người lái.
Máy bay không người lái (UAV) có khả năng xác định nguồn và gây nhiễu sóng vô tuyến do công ty Kursir của Nga phát triển. Ảnh: Army Recognition |
Theo Kursir, nền tảng UAV này được trang bị bộ công cụ tìm hướng, sử dụng ăng-ten đặc biệt để xác định chính xác các nguồn phát xạ vô tuyến. Khi sử dụng công nghệ này, UAV có thể định vị tọa độ của trạm hoặc người điều khiển UAV, cũng như nguồn phát sóng vô tuyến khác - đây là một chức năng vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên chiến tranh điện tử và thông tin liên lạc.
Nhà phát triển giải thích rằng, việc sử dụng máy bay không người lái này có thể nâng cao đáng kể hiệu quả của các hoạt động quân sự, giúp tăng cường an ninh cho quân đội và tăng hiệu quả của các hoạt động tác chiến. Bằng cách xác định nhanh chóng và hiệu quả các nguồn phát xạ vô tuyến, UAV này cung cấp giải pháp duy trì tính toàn vẹn của các hoạt động liên lạc. Từ đó, lực lượng quân sự có thể tiến hành gây nhiễu hoặc các biện pháp đối phó để vô hiệu hóa hoặc làm gián đoạn liên lạc của đối phương.
Ngoài mục đích quân sự, máy bay này còn có thể sử dụng trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, tìm kiếm máy bay bị rơi hoặc người mất tích gửi tín hiệu cấp cứu qua tín hiệu vô tuyến. Kursir cho biết, UAV này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5km.
* Boeing giành hợp đồng cung cấp máy bay E-7 Wedgetail thế hệ tiếp theo cho Không quân Mỹ
Mới đây, Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) vừa đạt thỏa thuận với Boeing về việc cung cấp máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-7 Wedgetail. Thỏa thuận này là một bước quan trọng trong mục tiêu hiện đại hóa khả năng giám sát trên không của Mỹ.
Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-7 Wedgetail. Ảnh: Boeing |
Theo Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall, Boeing sẽ nhanh chóng sản xuất E-7 Wedgetail để thay thế dần máy bay trinh sát E-3 Sentry hoặc các mẫu máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm đã cũ.
Boeing E-7 Wedgetail là máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, được trang bị 2 động cơ tiên tiến. Dựa trên thiết kế của máy bay Boeing 737 thế hệ mới, E-7 được sửa đổi để phù hợp với không gian chiến đấu hiện đại và bổ sung thêm một số tính năng mới.
Máy bay có thể theo dõi đồng thời các mục tiêu trên không và trên biển nhờ được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động đa năng MESA do Northrop Grumman phát triển. Radar này cung cấp khả năng bao quát 360 độ và có tầm hoạt động tối đa lên tới hơn 400km. Do đó cung cấp nhận thức tình huống toàn diện và chính xác hơn.
Sử dụng 2 động cơ CFM56-7, E-7 có thể bay với vận tốc tối đa 955km/giờ, trần bay gần 12.500m, phạm vi hoạt động 7.040km.
* Tàu chiến Australia phóng thành công tên lửa diệt hạm NSM
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Australia, tàu khu trục lớp Hobart, HMAS Sydney, đã tiến hành phóng thành công tên lửa diệt hạm NSM.
Vụ phóng tên lửa này nằm trong khuôn khổ của cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2024 do Hải quân Mỹ tổ chức ngoài khơi Hawaii. Đây là một mốc quan trọng của Hải quân Hoàng gia Australia trong việc tích hợp tên lửa có khả năng sát thương cao cho các đội tàu mặt nước.
Tàu khu trục HMAS Sydney phóng thành công tên lửa diệt hạm NSM trong khuôn khổ Cuộc tập trận RIMPAC 2024 ngoài khơi Hawaii. Ảnh: Militarnyl |
HMAS Sydney, hay còn gọi là NUSHIP Sydney, là tàu khu trục lớp Horbat do Bộ Quốc phòng Australia, Raytheon Australia và công ty đóng tàu ASC hợp tác sản xuất và được xem là tàu chiến mạnh nhất mà Australia từng chế tạo.
Sydney có thể mang theo tên lửa dẫn đường, cung cấp khả năng phòng không và bảo vệ hàng hải cho các tàu đi cùng, lực lượng trên bộ cũng như cơ sở hạ tầng ở các khu vực ven biển. Tàu được tích hợp hệ thống chiến đấu Aegis, radar mảng pha AN/SPY, hệ thống sonar hiện đại và hệ thống mồi bẫy. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị tên lửa phòng không SM-2, hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng tấn công máy bay và tên lửa ở phạm vi 150km, tên lửa chống hạm, hải pháo tầm xa, ngư lôi và một loạt vũ khí phòng thủ tầm gần.
NSM (Naval Strike Missile, tạm dịch: Tên lửa tấn công hải quân) là tên lửa hành trình, được thiết kế để chống hạm hoặc tấn công trên bộ. Tên lửa có trọng lượng 400kg và phạm vi hoạt động trên 200km với phiên bản tiêu chuẩn và 250km đối với phiên bản NSM 1A. NSM có khả năng bay ở độ cao thấp gần mặt biển giúp tránh bị radar phát hiện. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp GPS, máy đo độ cao bằng laser, hệ thống TERCOM, giúp mang lại độ chính xác cao trong việc phát hiện và tấn công mục tiêu.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)