Quân sự thế giới hôm nay (23-2): Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh tiêm kích thế hệ 5 KAAN, Anh 'bắn xịt' tên lửa hạt nhân lần hai liên tiếp

23/02/2024 06:59

Quân sự thế giới hôm nay (23-2) có những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh tiêm kích thế hệ 5 KAAN, tiêm kích F-16 của Mỹ tại Hàn Quốc lại xảy ra sự cố, Anh “bắn xịt” tên lửa hạt nhân Trident 2 lần thứ hai liên tiếp.

* Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh tiêm kích thế hệ 5 KAAN

Theo Breaking Defense, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm KAAN - máy bay chiến đấu đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất - vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên tại một căn cứ không quân ở phía Bắc thủ đô Ankara.

Với việc thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm này, Ankara chính thức gia nhập nhóm các quốc gia ưu tú có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, cho dù sản phẩm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Tiêm kích tàng hình KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc thử nghiệm cất cánh lần đầu tiên. Ảnh: Defence Blog

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, với KAAN, nước này sẽ không chỉ có một loại chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ năm vô cùng tối tân, mà còn có các công nghệ mà ít quốc gia trên thế giới sở hữu được.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) - nhà thầu chính chịu trách nhiệm phát triển dự án này - cho biết đang chuẩn bị sẵn nguyên mẫu thứ hai và thứ ba, lần lượt cất cánh vào năm 2025 và 2026, trong khi các nguyên mẫu còn lại sẽ được xuất xưởng vào năm 2034.

Dù vẫn giữ kín những tính năng kỹ chiến thuật của máy bay này, TAI khẳng định Kaan sẽ không hề thua kém máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Các thông số được công bố tới nay cho thấy KAAN có chiều dài 21m, sải cánh 14m, trọng lượng cất cánh khoảng 27 tấn, vận tốc tối đa 2.200km/giờ, trần bay gần 17km và bán kính hoạt động hơn 1.000km.

Hình ảnh buổi thử nghiệm cất cánh lần đầu tiên của tiêm kích KAAN. Nguồn: TRT World

Được thiết kế với mục đích chiếm ưu thế trên không, KAAN sẽ trang bị nhiều khí tài tiên tiến bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều vũ khí nội địa hiện đại. Các nguyên mẫu và lô đầu tiên của máy bay sẽ sử dụng động cơ General Electric F110 của máy bay F-16 mà Ankara có giấy phép lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, hai công ty TR Motor và TUSAS Engine Industries của Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi một chương trình phát triển động cơ riêng dành cho máy bay chiến đấu.

* Tiêm kích F-16 của Mỹ tại Hàn Quốc lại xảy ra sự cố

Yonhap đưa tin, một máy bay chiến đấu F-16 của một đơn vị không quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc đã phải thả hai thùng nhiên liệu xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này khi gặp tình huống khẩn cấp.

May mắn là phi công vẫn cố gắng trở về căn cứ an toàn và theo nguồn tin trên, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành để tìm ra nguyên nhân của tình huống khẩn cấp đó.

Phi đội F-16 của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc gặp nhiều sự cố thời gian qua. Ảnh: The Seattle Times

Tháng trước, một chiếc F-16 của Mỹ rơi ở vùng biển ngoài khơi Gunsan. Trong khi đó, vào tháng 12-2023, một chiếc F-16 cũng rơi xuống biển Hoàng Hải trong quá trình huấn luyện định kỳ, còn một chiếc F-16 khác bị rơi gần Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, cách Seoul 60km về phía Nam vào tháng 5-2023. Không có thương vong trong những vụ tai nạn này.

* Anh “bắn xịt” tên lửa hạt nhân lần hai liên tiếp

BBC cho biết, Hải quân Anh đã phóng không thành công hệ thống răn đe hạt nhân Trident 2 trong một cuộc thử nghiệm bí mật, khiến một tên lửa lao xuống biển ngoài khơi Florida (Mỹ). Đây là vụ thử thất bại thứ hai trong số 12 lần phóng thử của nước này.

Theo những thông tin được đăng tải, Trident 2 dự kiến sẽ bay khoảng 6.000km từ bờ biển Florida đến một mục tiêu giả định ở Đại Tây Dương, song có thể đã rơi “ngay gần” HMS Vanguard - tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đảm nhiệm phóng tên lửa này. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps và Tư lệnh Hải quân Anh Ben Key khi đó có mặt trên tàu để chứng kiến cuộc thử nghiệm.

Một tên lửa Trident 2 được phóng từ tàu ngầm HMS Vanguard. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Bộ Quốc phòng Anh xác nhận đã xảy ra “sự cố bất thường” trong quá trình thử nghiệm nhưng cho biết “hệ thống răn đe hạt nhân của Anh vẫn an toàn, vững chắc và hiệu quả”. Giới chức quốc phòng Anh không cung cấp thêm thông tin về vấn đề này vì lý do an ninh quốc gia, tuy nhiên nguyên nhân thất bại trên được cho là do hệ thống đẩy giai đoạn đầu trên quả tên lửa đã không kích hoạt. Lỗi này xảy ra ở bộ dụng cụ thử nghiệm và vụ phóng có thể thành công nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân thực sự.

Bất chấp vụ thử thất bại, nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin khẳng định tên lửa Trident 2 vẫn là một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến và đáng tin cậy nhất trên thế giới, đã được thử nghiệm thành công với con số kỷ lục 191 lần, kể từ năm 1989. Riêng quân đội Anh đã bắn 12 tên lửa Trident 2 kể từ khi vũ khí này được đưa vào trang bị cho lực lượng hải quân vào năm 1994. Tuy nhiên, hai quả tên lửa bắn gần đây nhất đều thất bại, sau sự cố bắn hỏng vào năm 2016.

Theo Defense News, khả năng răn đe hạt nhân của Anh được cung cấp bởi một hạm đội gồm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Trident 2 do hãng Lockheed Martin sản xuất. Đầu đạn được chế tạo ở Anh. Hệ thống răn đe hạt nhân của Anh tiêu tốn khoảng 3 tỷ bảng Anh mỗi năm để vận hành - tương đương khoảng 6% tổng ngân sách quốc phòng.

MINH ANH(tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (23-2): Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh tiêm kích thế hệ 5 KAAN, Anh 'bắn xịt' tên lửa hạt nhân lần hai liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO