* Mỹ tấn công nhóm Kataeb Hezbollah ở Iraq
Theo Scripps News, Mỹ đã tiến hành hai cuộc tấn công nhằm vào nhóm Kataeb Hezbollah ở Iraq trong ngày 21-11 và 22-11.
Máy bay chiến đấu AC-130U. Ảnh: Không quân Mỹ |
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, các cuộc không kích này nhằm đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và liên minh. Máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công vào trung tâm hoạt động và trạm kiểm soát của Kataib Hezbollah - lực lượng dân quân ở Iraq có liên hệ với Iran.
Theo Reuters, khoảng 1 ngày trước đó, lực lượng Mỹ đã bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại một căn cứ không quân ở phía Tây Baghdad (Iraq). Máy bay AC-130 của quân đội Mỹ đã được huy động tấn công trả đũa, tiêu diệt một số chiến binh nhóm Kataib Hezbollah.
Cho đến nay, Mỹ vẫn hạn chế đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của mình ở Iraq do tình hình chính trị tại đây hết sức phức tạp. Các quan chức cho biết, Mỹ không muốn xung đột căng thẳng hơn.
Kể từ ngày 17-10, có đến 66 cuộc tấn công do lực lượng dân quân có liên hệ với Iran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, khiến ít nhất 62 binh lính Mỹ bị thương nhẹ hoặc chấn thương sọ não. Các cuộc tấn công được cho là có liên quan đến việc Mỹ hỗ trợ Israel trong xung đột ở Dải Gaza.
Mỹ hiện có 900 binh sĩ đồn trú tại Syria và 2.500 binh sĩ ở Iraq, thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ các lực lượng sở tại ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
* Nga có thể dùng pháo phản lực Tornado-S MLRS ở Ukraine
Army Recognition đưa tin, Nga có thể sẽ sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S để tấn công các mục tiêu ở Ukraine thay vì dùng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S có khả năng nhắm đến mục tiêu ở một khu vực rộng lớn cũng như các mục tiêu riêng lẻ bằng các loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo Bekhan Ozdoyev, Giám đốc phụ trách Cụm Vũ khí, Đạn dược và Hóa học đặc biệt thuộc Tập đoàn Rostec của Nga, Tornado-S có tầm bắn xa hơn, cộng thêm chi phi tối ưu hơn. Điều này khiến hệ thống pháo phản lực phóng loạt này trở thành một giải pháp khả thi thay thế tên lửa Iskander.
Ozdoyev nhấn mạnh rằng Tornado-S có khả năng nhắm đến mục tiêu ở một khu vực rộng lớn cũng như các mục tiêu riêng lẻ bằng các loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao, sức mạnh của nó tương đương với các hệ thống tên lửa chiến thuật. Ông xác nhận rằng hiện tại, tầm bắn Tornado-S đã được cải thiện, nâng từ mức 90 lên 120 km. Phạm vi này cho phép hệ thống có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu mà trước đây được coi là nằm ngoài tầm với.
Tornado-S, được coi là “kỳ phùng địch thủ” của hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), là hệ thống phóng loạt có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu ở xa và nằm trong lãnh thổ đối phương.
Theo TASS, Tornado-S thực chất là phiên bản hiện đại hóa sâu của tổ hợp BM-30 Smerch từ thời Liên Xô. Tornado-S có chiều dài 12,37m, chiều rộng 3,1m, và chiều cao 3,1m. Hệ thống này được trang bị 12 ống phóng sử dụng đạn tên lửa dẫn đường và không dẫn đường. Loạt đạn tấn công từ Tornado-S có sức công phá tương đương một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể san phẳng diện tích 12 sân bóng đá trong tích tắc.
Một trong những điểm cải tiến của Tornado-S là các công cụ điều hướng mới, bao gồm hệ thống định vị GLONASS và la bàn con quay hồi chuyển. Khoang lái của xe phóng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, cho phép kết nối chiến thuật với các phương tiện chiến đấu khác và nhận mệnh lệnh tác chiến của cấp trên từ sở chỉ huy. Hệ thống thông tin liên lạc có cấp độ bảo vệ cao, chống gây nhiễu hoặc đánh chặn, hiển thị và lưu trữ thông tin, điều hướng địa hình ngoại tuyến bằng bản đồ điện tử.
Mặc dù vẫn chưa rõ lý do tại sao Nga lại xem xét thay thế tên lửa đạn đạo Iskander bằng Tornado-S MLRS, nhưng các nhà phân tích quân sự suy đoán rằng quyết định như vậy có thể nhằm mục đích sử dụng tên lửa Iskander cho các mục tiêu có giá trị hơn. Điều này cũng có thể là do việc sản xuất tên lửa Iskander phụ thuộc vào các nguyên vật liệu được mua từ các nguồn phương Tây nhưng đang trở nên khó khăn do các lệnh trừng phạt.
Nguồn: Armies Power |
* Israel và Hamas đồng ý thỏa thuận con tin
Theo NBC News, chính phủ Israel đã thông qua thỏa thuận trao đổi con tin và ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza.
Một người đàn ông bế một đứa trẻ bị thương sau cuộc không kích của Israel vào Rafah ở phía nam Dải Gaza ngày 19-11. Ảnh: The Guardian |
Các nguồn tin cho biết, thỏa thuận này bao gồm việc Hamas sẽ trả tự do cho 50 phụ nữ và trẻ em trong vòng 4 ngày (khoảng thời gian này cũng sẽ tạm dừng giao tranh) và Israel sẽ thả 150 tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của quốc gia này. Những con tin đầu tiên có thể được thả ngay trong ngày hôm nay 23-11, trừ khi Toà án tối cao Israel bác bỏ thoả thuận và ngăn chặn việc thả tù nhân Palestine.
Thời gian ngừng bắn kéo dài 4 ngày. Nhưng theo Times of Israel, lệnh ngừng bắn tạm thời có thể được kéo dài hơn nữa nếu Hamas trả tự do cho nhiều phụ nữ và trẻ em hơn. Cứ thêm 10 con tin được thả, đình chiến sẽ kéo dài thêm 1 ngày.
Chính phủ Israel cho biết họ “sẽ tiếp tục chiến đấu để đưa tất cả con tin về nhà, hoàn thành việc tiêu diệt Hamas và đảm bảo rằng sẽ không còn mối nguy hiểm nào đe dọa Nhà nước Israel từ Gaza”.
Binh lính Israel thực hiện chiến dịch quân sự ở quận Zeitoun, phía Nam thành phố Gaza ngày 19-11. Ảnh: Getty Images |
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hai công dân Mỹ và một trẻ 3 tuổi có thể được thả trong nhóm 50 con tin.
Cuộc xung đột Hamas-Israel đã diễn ra hơn 8 tuần. Lực lượng Phòng vệ Israel ước tính, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10, trong đó 236 người vẫn bị giữ làm con tin ở Gaza. Từ đó đến nay, Hamas mới chỉ thả bốn con tin.
Các quan chức y tế ở Gaza cho biết số người chết ở đây đã vượt quá con số 14.000 sau nhiều tuần bị Israel tấn công. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng "cơn ác mộng" ở dải Gaza không còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà đã trở thành cuộc khủng hoảng của nhân loại.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)