Quân sự thế giới hôm nay (21-7): Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 3 của Anh có gì mới?

21/07/2024 08:01

Quân sự thế giới hôm nay (21-7-2024) có những nội dung sau: Xe tăng chủ lực Challenger 3 của Anh có gì mới? Hàn Quốc đặt ky đóng mới tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II thứ 2, Czech nhận hệ thống tên lửa phòng không Spyder, Paraguay mua 6 máy bay A-29 Super Tucano.

* Xe tăng chủ lực Challenger 3 của Anh có gì mới?

Liên doanh Rheinmetall BAE Systems Land (RBSL) của Đức và Anh vừa thông báo đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thử nghiệm xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 3, đặc biệt là khả năng bảo vệ kíp xe trước các mối đe dọa.

Dự án sản xuất và phát triển Challenger 3 được triển khai nhằm nâng cao đáng kể khả năng của Quân đội Anh bằng việc trang bị mẫu xe tăng thế hệ tiếp theo được tích hợp công nghệ tiên tiến. Dự án này bao gồm các nâng cấp toàn diện cho nền tảng Challenger 2 hiện có, biến nó thành 1 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Được trang bị vũ khí và cải tiến kỹ thuật số mới nhất, Challenger 3 dự kiến sẽ mang lại khả năng chiến đấu vượt trội trên chiến trường đầy rẫy các mối đe dọa.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 3 của quân đội Anh trình diễn công nghệ tiên tiến. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Khả năng cơ động, hỏa lực và hiệu quả hoạt động tổng thể của xe tăng này dự báo sẽ được nâng cao đáng kể nhờ hệ thống động cơ, truyền động nâng cấp cũng như hệ thống vũ khí mạnh mẽ và chính xác hơn. Những cải tiến này nhằm đảm bảo Challenger 3 có thể đáp ứng và vượt nhu cầu của chiến tranh hiện đại.

Ngoài ra, Challenger 3 còn được trang bị hệ thống giám sát và thu thập thông tin mục tiêu tiên tiến. Những cải tiến này sẽ giúp xe tăng Challenger 3 luôn đi đầu trong công nghệ xe chiến đấu bọc thép và mang đến cho Vương quốc Anh cơ hội khám phá các công nghệ mới cho các tình huống trong tương lai.

 * Hàn Quốc đặt ky đóng mới tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II thứ 2

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vừa tổ chức lễ đặt ky đóng mới tàu ngầm thứ 2 lớp Jangbogo-III Batch-II. Sự kiện cho thấy sự tiến bộ của Hàn Quốc trong nỗ lực trở thành một cường quốc tàu ngầm hàng đầu thế giới.

Tàu ngầm đầu tiên lớp Jangbogo-III Batch-II đã được khởi đóng vào tháng 3-2023. So với Batch-I, tàu ngầm thứ 2 lớp Jangbogo-III Batch-II sẽ được lắp đặt nhiều thiết bị sản xuất trong nước, giúp việc bảo trì được kịp thời và tin cậy hơn. Theo đó, sẽ có tới 70 thiết bị nội địa được sử dụng cho lớp Batch-II, tăng 12 thiết bị so với Batch-I.

Việc tăng cường nội địa hóa này dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào thiết bị và linh kiện nhập khẩu đắt đỏ hơn. Hơn nữa, điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu những tranh chấp về sở hữu trí tuệ, qua đó củng cố lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường tàu ngầm toàn cầu.

Mô hình tàu ngầm Jangbogo-III Batch-II được giới thiệu tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Navy Recognition

Tàu dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2026 và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển trước khi bàn giao cho hải quân nước này vào năm 2028.

Jangbogo-III Batch-II được nâng cấp đáng kể so với các tàu ngầm thuộc lớp Jangbogo-III Batch-I, như Dosan Ahn Chang-ho, An Mu và Shin Chae-ho. Ngoài những cải tiến liên quan đến trọng lượng và kích thước, khả năng phát hiện và xử lý mục tiêu của các tàu thuộc lớp này cũng được cải thiện. Tàu còn được trang bị hệ thống chiến đấu và sonar tiên tiến và công nghệ giảm tiếng ồn hiện đại.

Đáng chú ý, các tàu ngầm này sẽ được trang bị hệ thống pin lithium giúp nâng cao đáng kể khả năng hoạt động dưới nước của tàu, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 2 áp dụng công nghệ này.

Từ năm 2016, Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Hàn Quốc đã tổ chức một cơ sở thử nghiệm chuyên dụng trên đất liền để xác minh hiệu suất và tính an toàn của hệ thống pin lithium. Các cuộc thử nghiệm đã khẳng định tính an toàn của hệ thống.

* Czech nhận lô hệ thống tên lửa phòng không Spyder đầu tiên

Những bộ phận đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không Spyder do Israel sản xuất đã đến Cộng hòa Czech. Đây là lô hàng đầu tiên trong thương vụ có trị giá khoảng 627 triệu USD giữa Cộng hòa Czech với Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Rafael của Israel ký vào cuối tháng 9-2021 trong nỗ lực nâng cao khả năng phòng thủ của nước này.

Theo đó, trong năm 2025 và 2026, Czech sẽ nhận tổng cộng 4 tổ hợp Spyder, mỗi tổ hợp gồm 9 đến 10 xe. Những tổ hợp này sẽ được biên chế cho Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 251. Mỗi tổ hợp sẽ được trang bị radar 3D, hệ thống chỉ huy và kiểm soát hỏa lực và 4 bệ phóng.

Là hệ thống tên lửa đa năng tiên tiến, Spyder được thiết kế cho các nhiệm vụ phòng thủ chống lại nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái (UAV). Hệ thống sử dụng các tên lửa không đối không tiên tiến như Python-5 và I-Derby ER. Những tên lửa này cũng có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ đất đối không. Bên cạnh đó, với kiến trúc mở, hệ thống cho phép tích hợp các thành phần bên ngoài như radar.

Hệ thống Spyder sử dụng tên lửa Python-5 và Derby để phòng thủ tầm ngắn đến tầm trung. Ảnh: Rafael

Hiện tại, Spyder có nhiều phiên bản khác nhau. Phiên bản Spyder-SR tầm ngắn có tầm bắn lên đến 15km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên đến 9km. Với tên lửa Python-5 và Derby, phiên bản này có khả năng chống lại các mối đe dọa tầm ngắn một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Phiên bản tầm trung Spyder-MR có tầm bắn mở rộng hơn là 35km và cao đến 16km, được trang bị hệ thống radar tiên tiến và có khả năng cơ động cao hơn so với phiên bản tầm ngắn.

Việc mua lại hệ thống phòng không này đánh dấu một bước tiến đánh đáng kể giúp tăng cường khả năng bảo vệ không phận của Lực lượng vũ trang Czech. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về lựa chọn của Czech.

* Paraguay mua 6 máy bay A-29 Super Tucano

Tổng thống Paraguay Santiago Peña vừa ký thỏa thuận mua 6 máy bay A-29 Super Tucano cho không quân nước này. Thỏa thuận giá trị khoảng 96,6 triệu USD sẽ được tài trợ thông qua khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Brazil.

Được Công ty hàng không vũ trụ Embraer của Brazil phát triển và sản xuất, A-29 Super Tucano là máy bay tấn công hạng nhẹ đa nhiệm và huấn luyện tiên tiến. Được biết đến với độ bền và khả năng hoạt động trong môi trường đầy thách thức, A-29 được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm chống bạo loạn, hỗ trợ trên không tầm gần và trinh sát. Dự án mua lại này nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng không của Paraguay và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của không quân nước này.

A-29 Super Tucano là máy bay tấn công hạng nhẹ đa nhiệm và huấn luyện tiên tiến do Embraer phát triển. Ảnh: Không quân Brazil

Trong những năm gần đây, Không quân Paraguay đã tập trung vào việc nâng cấp phi đội để cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệu quả hoạt động. Việc mua 6 chiếc A-29 Super Tucano được đánh giá là bước tiến đáng kể trong chiến dịch hiện đại hóa này. Mặc dù vậy, Paraguay vẫn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm nguồn tài trợ hạn chế trong khi nhu cầu thay thế máy bay cũ cao.

Hiện tại, về vận tải, lực lượng không quân nước này đang vận hành 1 phi đội máy bay vận tải hạng nhẹ, bao gồm 1 chiếc Beech 58 Baron, 4 chiếc C-212-200 Aviocar, 1 chiếc C-212-400 Aviocar, 2 chiếc Cessna 208B Grand Caravan, 1 chiếc Cessna 210 Centurion, 1 chiếc Cessna 310, 2 chiếc Cessna 402B, 2 chiếc Cessna U206 Stationair, 1 chiếc DHC-6 Twin Otter, 1 chiếc PA-32R Saratoga và 2 chiếc PZL-104 Wilga 80. Với mục đích huấn luyện, phi đội bao gồm 6 chiếc EMB-312 Tucano, 6 chiếc T-25 Universal, 6 chiếc T-35A Pillan và 3 chiếc T-35B Pillan. Bên cạnh đó, Không quân Paraguay còn sở hữu 12 chiếc trực thăng, bao gồm 3 chiếc AS350 Ecureuil, 7 chiếc Bell 205, 1 chiếc Bell 407 và 1 chiếc Bell 427.

TRẦN HOÀI(tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-21-7-xe-tang-chien-dau-chu-luc-challenger-3-cua-anh-co-gi-moi-786254
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-21-7-xe-tang-chien-dau-chu-luc-challenger-3-cua-anh-co-gi-moi-786254
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (21-7): Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 3 của Anh có gì mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO