* Nga thử nghiệm xe tăng T-14 Armata trang bị pháo 152mm
Các cuộc thử nghiệm phiên bản mới của xe tăng T-14 Armata đã gần như đã hoàn tất. Những thử nghiệm này được tiến hành tại Viện Nghiên cứu - thử nghiệm vũ khí thiết giáp và thiết bị quân sự số 38 thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Xe tăng T-14 Armata xuất hiện trong một buổi diễu binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow. Ảnh: Bulgarian Military |
Tờ Bulgarian Military dẫn nguồn tin từ một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, mẫu xe tăng T-14 Armata mới này sẽ sử dụng pháo 152mm nòng trơn (mã 2A83-1A) để thay thế mẫu xe tăng có pháo chính cỡ nòng 125mm, chiều dài nòng (mã 2A82-1M).
Loại pháo 2A83 đã được phát triển từ những năm 90 cho dòng xe tăng thế hệ mới của Nga, được biết đến với tên gọi T-95 hoặc “Object 195” trong các tài liệu. Cấu tạo nòng pháo 2A83 dựa trên nòng pháo 2A65 được sử dụng trong hệ thống pháo tự hành 2S19 Msta-S. Tuy nhiên, vào năm 2009, dự án thử nghiệm “Object 195” đã bị dừng lại. Bộ Quốc phòng Nga cho biết do nó đã lỗi thời và không đáng để nâng cấp vì có quá nhiều công nghệ từ thời Liên Xô cũ.
Sau đó, các kỹ sư từ nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod ở Nizhny Tagil đã tiến hành một dự án mới mang tên "Hệ thống chiến đấu tương lai Armata", hướng đến việc sản xuất một loại xe tăng mới nhẹ hơn mang tên "Product 148", sau này được biết đến với tên gọi T-14.
Trong dự án này, các kỹ sư của Uralvagonzavod đã thiết kế nhiều phiên bản khác nhau của xe tăng với mô-đun chiến đấu không người lái và một khoang bọc thép riêng cho kíp lái. Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 được trang bị pháo 125mm được ký hiệu là 2A82-1M. Họ cũng đã tạo ra một phiên bản xuất khẩu và một phiên bản mạnh hơn với pháo 152mm gọi là 2A83. Dự án T-14 không người lái đã bị tạm dừng do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và việc quân đội Nga tăng cường sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M.
Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu thử nghiệm pháo 152mm trên xe tăng T-14 Armata kể từ tháng 2-2016. Phiên bản này được biết đến như một “phương tiện pháo chiến đấu” dựa trên nền tảng của Armata, được thiết kế cho các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực.
* Đan Mạch công bố gói viện trợ mới cho Ukraine
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Đan Mạch, nước này vừa công bố gói viện trợ quân sự thứ 19 dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ quân đội nước này và thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào sản xuất vũ khí tại đây.
Một chiếc xe tăng Leopard 1A5 của quân đội Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine |
Gói viện trợ mới bao gồm kinh phí hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, các nguồn lực bổ sung để tiếp tục triển khai chương trình cung cấp máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch cho Ukraine, chuyển giao vũ khí từ kho dự trữ của nước này cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đan Mạch không nêu cụ thể chủng loại vũ khí có trong gói viện trợ này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết nước này đang cố gắng hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Hai gói viện trợ mới đây nhất của Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã giúp Ukraine có thêm 1,2 tỷ krone Đan Mạch (khoảng 170 triệu USD) để đầu tư vào công nghiệp quốc phòng.
Đan Mạch cũng đã gửi một lượng lớn thiết bị quân sự cho Ukraine. Hồi tháng 8 năm ngoái, nước này đã ký thỏa thuận sẽ chuyển giao 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Trước đó, Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine 4 tổ hợp tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon, 19 pháo tự hành Caesar cỡ nòng 155mm, một số khẩu pháo tự hành ShKH Zuzana 2, và xe tăng Leopard 1A5.
* Quân đội Đức ký hợp đồng mua đạn pháo với Tập đoàn Rheinmetall
Tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức vừa đạt được một thỏa thuận cung cấp đạn pháo 155mm với tổng giá trị lên tới 8,5 tỷ Euro cho quân đội nước này. Thỏa thuận được ký kết giữa Giám đốc Cơ quan liên bang về trang thiết bị, công nghệ thông tin và hỗ trợ dịch vụ của quân đội Đức Annette Lehnigk-Emden với đại diện của Tập đoàn Rheinmetall.
Loại đạn pháo 155mm do Tập đoàn Rheinmetall sản xuất. Ảnh: Rheinmetall |
Hợp đồng mới này được ký kết dựa trên cơ sở mở rộng thỏa thuận khung đã có, với mục tiêu giúp quân đội Đức và các nước đồng minh bổ sung kho đạn pháo. Dự kiến, các đợt giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu năm 2025. Đơn hàng đầu tiên bao gồm các phiên bản khác nhau của đạn pháo 155mm, trị giá tổng cộng khoảng 880 triệu Euro.
Ông Armin Papperger, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Rheinmetall, thể hiện sự phấn khích khi nói về thỏa thuận này: “Chúng tôi rất vui mừng vì đây là một trong những đơn hàng lớn nhất trong lịch sử của công ty. Hợp đồng này một lần nữa khẳng định vị thế đứng đầu của Tập đoàn Rheinmetall trong lĩnh vực sản xuất vũ khí tại Đức, đồng thời cũng là doanh nghiệp sản xuất đạn pháo lớn nhất thế giới. Chúng tôi đánh giá cao sự tin tưởng của Bộ Quốc phòng Đức với Rheinmetall thể hiện qua đơn hàng này.” Ông Papperger cũng khẳng định hợp đồng này cũng sẽ giúp đảm bảo duy trì hoạt động cho nhà máy đang xây dựng của Tập đoàn Rheinmetall ở Unterlüß, Lower Saxony.
Khu nhà xưởng mới của Rheinmetall tại Unterlüß sẽ đảm nhiệm cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình sản xuất đạn pháo, từ vỏ đạn, ngòi nổ, thuốc nổ, cho đến thuốc phóng. Nhà máy đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn/năm từ năm thứ hai, và sau đó sẽ tăng lên mức 200.000 quả đạn/năm.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)