Quân sự thế giới hôm nay (21-3): Mỹ thử lần cuối tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, Nga công bố tổn thất mới nhất của Ukraine

21/03/2024 06:47

Quân sự thế giới hôm nay (21-3) có những nội dung sau: Nga công bố tổn thất mới nhất của Ukraine, Mỹ thử lần cuối tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, Nhật Bản cân nhắc cho phép xuất khẩu tiêm kích thế hệ 6, Hy Lạp nhận lô trực thăng MH-60R đầu tiên.

* Nga công bố thống kê mới nhất về tổn thất của Ukraine

Theo TASS, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây cho biết, Ukraine mất hơn 71.000 binh sĩ và hơn 11.000 đơn vị vũ khí khác nhau kể từ đầu năm 2024.

Lực lượng Nga khai hỏa vào một vị trí của Ukraine. Ảnh: TASS

“Con số này cao hơn gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Shoigu nêu rõ.

Riêng cuộc giao tranh mới nhất trong 8 ngày qua giữa hai bên diễn ra tại các khu định cư biên giới của Nga ở khu vực Belgorod và Kursk, tổn thất của lực lượng vũ trang Ukraine lên đến hơn 3.500 người, trong đó 790 người thiệt mạng.

Trong khi đó, Moscow thống kê phía Kiev cũng mất nhiều phương tiện, vũ khí do phương Tây cung cấp, trong đó nổi bật là 4 xe tăng M1 Abrams, 5 xe tăng Leopard, 6 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS và 5 hệ thống phòng không Patriot.

Hiện Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về công bố này.

* Mỹ thử lần cuối tên lửa siêu vượt âm AGM-183A

Defense News đưa tin, không quân Mỹ vừa tiết lộ đã sử dụng một “pháo đài bay” B-52H Stratofortress tiến hành thử nghiệm lần cuối đối với tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, hay còn gọi là vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW), do nhà thầu Lockheed Martin phát triển.

Một nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm AGM-183A. Ảnh: US Air Force

Mặc dù Không quân Mỹ chưa cho biết cuộc thử nghiệm có thành công hay không cũng như thông tin chi tiết về sự kiện, song họ khẳng định đã thu được dữ liệu có giá trị nhằm mục đích tiếp tục phát triển một loạt các chương trình vũ khí siêu vượt âm khác.

Tên lửa siêu vượt âm AGM-183A là một trong hai chương trình chính của Không quân Mỹ nhằm phát triển vũ khí siêu vượt âm phóng từ trên không, có thể bay nhanh hơn tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và có tính cơ động cao. Trong các thử nghiệm trước đây, ARRW đã bay với tốc độ ít nhất là Mach 5 - mức tiêu chuẩn để một vũ khí được xem là có tốc độ siêu vượt âm.

Trung Quốc và Nga đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí siêu vượt âm. Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua về lĩnh vực này. Thậm chí, các quan chức Không quân Mỹ tiết lộ, có kế hoạch kết thúc chương trình tạo nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm AGM-183A trong năm nay và không tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu và phát triển nào liên quan đến nó vào năm sau.

* Nhật Bản cân nhắc cho phép xuất khẩu máy bay tiêm kích thế hệ 6

Defense Mirror cho biết, chính phủ Nhật Bản có ý định dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu máy bay tiêm kích tàng hình Mitsubishi FX thế hệ 6 mới nhất, được phát triển cùng với Italy và Anh.

Hình đồ họa về tiêm kích tàng hình Mitsubishi FX. Ảnh: Gagadget

Là một phần của chương trình Máy bay chiến đấu toàn cầu, đến năm 2035, các tiêm kích Mitsubishi FX mới sẽ thay thế phi đội Mitsubishi F-2 đang phục vụ trong Không quân Nhật Bản, cũng như tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon thế hệ 4 của quân đội hai nước đối tác trong chương trình.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra quyết định tương ứng vào cuối tháng này, khi nhà phát triển Mitsubishi trình bày ý tưởng đầu tiên về chiếc FX. Ngoài ra, việc bán tiêm kích FX chỉ có thể được thực hiện cho các quốc gia có thỏa thuận quốc phòng với Tokyo và vẫn sẽ bị cấm đối với những quốc gia liên quan đến xung đột quân sự.

Hiến pháp Nhật Bản cấm xuất khẩu vũ khí, vốn được đưa ra từ năm 1945. Tuy nhiên, chính quyền Tokyo đang thực hiện một số bước để thay đổi một số điều khoản đã được nêu rõ trong Hiến pháp nước này, trong đó có chuyển giao hệ thống giám sát radar FPS-3ME cho Philippines và cung cấp tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

* Hy Lạp nhận lô trực thăng MH-60R đầu tiên

Theo Jane's Defense Weekly, quân đội Hy Lạp đã nhận bàn giao 3 chiếc trực thăng MH-60R Seahawk đầu tiên từ phía Mỹ. Số máy bay này nằm trong hợp đồng mua 7 chiếc trị giá khoảng 600 triệu USD mà Athens đặt mua của Washington vào năm 2021.

3 chiếc trực thăng MH-60R Seahawk đầu tiên của Hy Lạp được thử nghiệm tại Mỹ. Ảnh: The Defense Post

Cũng theo nguồn tin trên, 4 chiếc còn lại sẽ được bàn giao cho Hy Lạp vào năm 2025. Như vậy, Hy Lạp trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới biên chế trực thăng MH-60R Seahawk, với mục đích thay thế dòng trực thăng AB 212 đã sắp đến niên hạn loại biên.

Trực thăng MH-60R Seahawk. Nguồn: AiirSource Military

MH-60R Seahawk là một trong những dòng trực thăng đa nhiệm tiên tiến nhất thế giới hiện nay, được thiết kế để vận hành trên các khinh hạm, khu trục hạm, tuần dương hạm và tàu sân bay. Đây là phiên bản dành cho hải quân của dòng máy bay trực thăng vận tải hạng trung UH-60 Blackhawk được sử dụng rộng rãi bởi Lục quân Mỹ và các nước đồng minh. Nó có thể mang được nhiều loại vũ khí, bao gồm các tên lửa AGM-114 Hellfire, ngư lôi hạng nhẹ ATK Mk 50 hoặc Mk 46 và súng máy.

MINH ANH (tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (21-3): Mỹ thử lần cuối tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, Nga công bố tổn thất mới nhất của Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO