Quân sự thế giới hôm nay (20-7): Nga - Ấn Độ hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500

20/07/2024 07:05

Quân sự thế giới hôm nay (20-7) có những nội dung sau: Nga đề xuất hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 với Ấn Độ, Mỹ triển khai tiêm kích F-16 Viper tới Căn cứ Osan (Hàn Quốc), Bộ Quốc phòng Australia nhận thêm tàu tuần tra lớp Guardian.

*Nga đề xuất hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 với Ấn Độ

Theo trang tin quốc phòng Ấn Độ Indian Defence Research Wing (IDRW) ngày 19-7, trong chuyến thăm Nga chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa qua, Nga đã gia hạn đề xuất hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga. Ảnh: Defense Express 

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ, sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga nhằm đảm bảo an ninh khu vực biên giới.

S-500 là hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất của Nga do công ty quốc phòng Almaz-Antey phát triển và là phiên bản cải tiến của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt mọi loại vũ khí siêu vượt âm cũng như nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay không người lái (UAV), tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo, trong phạm vi lên tới 600km. Hệ thống có thể theo dõi đồng thời tới 10 mục tiêu siêu vượt âm và phát hiện các vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ở độ cao 200km.

Mỗi tổ hợp S-500 tiêu chuẩn gồm trung tâm chỉ huy và kiểm soát chiến thuật, hệ thống tác chiến phòng không và phòng thủ tên lửa và hệ thống phòng thủ vũ trụ. Tất cả các bộ phận cấu thành này được đặt trên các khung gầm xe tải riêng rẽ để tăng khả năng sống sót trong điều kiện tác chiến. Trung tâm chỉ huy được lắp đặt tổ hợp radar mảng pha giúp hệ thống có thể phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác.

Theo các nguồn tin, S-500 có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm dòng 40N6M (đã được trang bị trên S-400) để bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình, cũng như dòng 77N6 và 77N6-N1 nhằm chống lại tên lửa đạn đạo và vệ tinh địa tĩnh hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất. Tên lửa 40N6M có tầm bắn khoảng 400km, trong khi 77N6 và 77N6-1 được cho là có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 500-600km.

* Mỹ triển khai tiêm kích F-16 Viper tới Căn cứ Osan, Hàn Quốc

Không lực 7 của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc vừa tuyên bố tạm thời triển khai 9 chiến đấu cơ F-16 tại Căn cứ Kunsan sang Căn cứ Osan (tỉnh Gyeonggi, nằm cách Seoul khoảng 60km về phía Nam) trong vòng một năm tới.

Máy bay chiến đấu F-16 Viper, hay còn gọi là F-16 Block 70/72. Ảnh: US DoD

Theo đó, Phi đội máy bay chiến đấu 36 tại căn cứ Osan hiện có 31 tiêm kích F-16. Việc bố trí tạm thời như trên thể hiện nỗ lực tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tối ưu hóa năng lực chiến đấu để hỗ trợ cho đồng minh Hàn-Mỹ và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

F-16V (Viper), hay còn gọi là F-16 Block 70/72, là biến thể mới nhất của tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin sản xuất. Phiên bản cải tiến này được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), vũ khí và buồng lái hiện đại, động cơ hiệu suất được cải tiến và tuổi thọ kéo dài lên tới 12.000 giờ bay. Khả năng hoạt động của Block 70/72 được tăng cường nhờ liên kết dữ liệu tiên tiến; hệ thống lấy phần tử bắn và vũ khí; hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST); hệ thống định vị GPS; máy tính điều khiển kỹ thuật số với chế độ lái tự động; cùng hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động (Auto GCAS), giúp cảnh báo phi công khi máy bay sắp lao xuống đất hoặc tự động điều chỉnh đường bay khi người điều khiển bất tỉnh.

Về thông số kỹ thuật, F-16 Block 70/72 có chiều dài 15,02m, cao 5,09m, sải cánh rộng khoảng 9,45m. Máy bay có trọng lượng rỗng 9,2 tấn, có thể đạt tốc độ Mach 2+ (hơn 2.472km/giờ) và có lực đẩy 13 tấn với trọng lượng cất cánh tối đa là hơn 21,7 tấn. Chiến đấu cơ này có tuổi thọ kéo dài tới 12.000 giờ - cao hơn 50% so với tuổi thọ của máy bay F-16 sản xuất trước đó.

* Bộ Quốc phòng Australia nhận thêm tàu tuần tra lớp Guardian

Theo Army Recognition, công ty đóng tàu Austal vừa ban giao tàu tuần tra lớp Guardian thứ 20 có tên “Tobwaan Mainiku” cho Bộ Quốc phòng Australia tại xưởng đóng tàu Henderson, phía Tây Australia.

Tàu tuần tra lớp Guardian RKS Teanoai II. Ảnh: Army Recognition

Kể từ tháng 12 năm 2018, Austal Australia, phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc phòng, đã giao định kỳ 1 tàu tuần tra lớp Guardian mới 4 tháng 1 lần. Ngoài các tàu tuần tra lớp Guardian, Austal Australia cũng đã hoàn thành việc đóng 2 tàu tuần tra lớp Cape, 6 tàu tuần tra lớp Cape cải tiến và 3 phà cao tốc cỡ lớn cho mục đích thương mại.

Guardian là một lớp tàu tuần tra nhỏ được thiết kế và đóng tại Australia và cung cấp cho các quốc gia nhỏ ở Nam Thái Bình Dương như một phần của Chương trình An ninh Hàng hải Thái Bình Dương của chính phủ nước này.

Các tàu lớp này có chiều dài 39,5m, phạm vi hoạt động 5.600 km với tốc độ 22km/giờ và có thể đạt tốc độ tối đa 37km/giờ. Tàu được thiết kế có thể chở thủy thủ đoàn 23 người và có cầu hạ thủy cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Mặc dù Austal bàn giao tàu lớp Guardian không được trang bị vũ khí trang bị, nhưng tàu có thể được lắp đặt pháo tự động 30mm trên boong trước và súng máy hạng nặng ở hai bên.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20-7-nga-an-do-hop-tac-san-xuat-he-thong-phong-thu-ten-lua-s-500-786126
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20-7-nga-an-do-hop-tac-san-xuat-he-thong-phong-thu-ten-lua-s-500-786126
Bài liên quan
  • UAV Nga tích hợp AI lẩn tránh hệ thống phòng thủ Ukraine
    Theo tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các thiết bị bay không người lái (UAV) Shahed-136 của Iran và phiên bản cải tiến Geran-2 để sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (20-7): Nga - Ấn Độ hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO