* Mỹ có đang trì hoãn chuyển giao máy bay chiến đấu F-15 cho Israel?
The Wall Street Journal đưa tin, Nhà Trắng vẫn chưa chuyển giao 50 máy bay chiến đấu F-15EX cho Israel dù Quốc hội Mỹ ủng hộ động thái này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ chính thức thông báo cho Quốc hội về thương vụ trị giá 18 tỷ USD sau khi 2 nghị sĩ đảng Dân chủ rút lại phản đối về việc bán “đại bàng chiến” F-15EX cho Israel vào tháng trước. Như vậy đơn giá cho mỗi chiếc F-15EX cùng vũ khí kèm theo mà Israel phải trả lên tới 360 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay thương vụ vẫn chưa có chuyển biến.
Israel có truyền thống sử dụng máy bay chiến đấu F-15 và đã đặt số lượng lớn mẫu F-15EX. Ảnh: Essa News |
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng không có chính sách làm chậm quá trình chuyển giao vũ khí và nhấn mạnh đang xem xét về mặt chiến thuật thời điểm. “Vấn đề không phải có hay không mà là khi nào”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đăng một video trên mạng xã hội chỉ trích chính quyền Washington trì hoãn cung cấp vũ khí cho Israel. Trước diễn biến này, Nhà Trắng đã hủy bỏ các cuộc đàm phán cấp cao giữa quan chức an ninh Mỹ và Israel tại Washington D.C.
Israel có truyền thống sử dụng máy bay chiến đấu F-15 với các phiên bản A, B, C, D và I. Trong đó phiên bản F-15I được sửa đổi từ dòng F-15E nổi tiếng của Mỹ. Và mới nhất là F-15EX được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-82 (V1) với bộ vi xử lý tốt hơn, giảm thời gian bảo trì xuống 20 lần so với trước. Nâng cấp thu hút sự chú ý nhất là giá treo tên lửa tăng gấp 4 lần, được gọi là AMBERs. F-15EX có thể mang theo tới 20 tên lửa không đối không tầm xa AIM-120D và 2 tên lửa tầm ngắn AIM-9X ở hai đầu cánh.
* Hàn Quốc muốn bán pháo phản lực cho Na Uy và Thụy Điển
Theo Defense News, tập đoàn quốc phòng Hanwha của Hàn Quốc đang trưng bày hệ thống pháo phản lực dẫn đường K239 Chunmoo tại Triển lãm vũ khí lục quân Eurosatory 2024 tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên xứ kim chi mang tới châu Âu loại vũ khí này.
Đại diện Hanwha khẳng định coi Na Uy và Thụy Điển là những khách hàng lớn, tiềm năng đối với hệ thống K239 Chunmoo. Lợi thế mà Hanwha có được so với những đối thủ khác là thời gian giao hàng ngắn và giá cả cạnh tranh. “Họ muốn giao hàng trước năm 2030 và chúng tôi chắc chắn có thể làm được điều đó”, Defense News dẫn lời đại diện Hanwha cho biết.
Hệ thống K239 Chunmoo của Hàn Quốc. Ảnh: Defence24 |
Được biết, Hanwha có thể cung cấp cho mỗi quốc gia (Na Uy và Thụy Điển) một lô gồm 16 đến 18 bệ phóng K239 Chunmoo vào cuối thập kỷ này. Theo phía công ty của Hàn Quốc, chính quyền Oslo có thể đưa ra quyết định vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, trong khi Stockholm sẽ đưa ra quyết định muộn hơn vì nước này vẫn chưa lập ngân sách mua hệ thống pháo phản lực.
K239 Chunmoo được thiết kế để cung cấp cho các lực lượng vũ trang một loại vũ khí có hỏa lực mạnh, độ chính xác và tính cơ động cao. Với trọng lượng 25 tấn, chiều dài 9m, chiều rộng 2,5m, chiều cao 3m, hệ thống trang bị động cơ diesel có công suất 400 mã lực cho phép nó di chuyển với tốc độ tối đa là 90km/giờ, tầm hoạt động tối đa 800km. Xe có thể leo dốc 60%, vượt chướng ngại vật cao 1,2m và rãnh rộng 1,4m. K239 Chunmoo có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm cả rocket và tên lửa, khiến nó trở thành một hệ thống vũ khí linh hoạt trong nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, tiêu diệt xe bọc thép và các vị trí kiên cố, được bảo vệ nghiêm ngặt của đối phương.
Cấu trúc mở của hợp đồng mua bán K239 Chunmoo cũng là một điểm hấp dẫn khác. Theo đó, các quốc gia có thể sử dụng khung gầm riêng cho bệ phóng của hệ thống nếu họ muốn, như trường hợp của Ba Lan và tiếp theo có thể là các khách hàng Bắc Âu. Cụ thể, Warsaw đã ký hợp đồng mua 288 chiếc Homar-K, phiên bản K239 Chunmoo nhưng được lắp trên khung gầm xe tải quân sự bánh lốp Jelcz của nước này.
* Ukraine sẽ nhận hàng chục pháo tự hành hiện đại 155mm của Đức
Army Recognition cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ nhận được 54 hệ thống pháo tự hành bánh lốp RCH 155 cỡ nòng 155mm mới nhất của tập đoàn quốc phòng KNDS Đức (liên doanh giữa KMW và Nexter Defense Systems). Tuy nhiên, hai bên không tiết lộ các chi tiết khác của thỏa thuận cung cấp vũ khí.
Hệ thống RCH 155. Ảnh: KNDS |
Vào tháng 2 năm nay, chính phủ Đức thông báo rằng đến năm 2027, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ nhận được tổng cộng 36 hệ thống RCH 155 như một phần viện trợ quân sự của Berlin. Vì vậy, hiện chưa rõ ai sẽ trả tiền mua 18 tổ hợp còn lại, song có lẽ chúng cũng sẽ được chính phủ Đức tài trợ.
RCH-155 có trọng lượng khoảng 35 tấn; chiều dài tổng thể 10,5m, chiều rộng 2,99m và chiều cao 3,5m. Kíp chiến đấu có 2 người gồm lái xe và xạ thủ. Hệ thống lái, tải đạn và nạp đạn của RCH 155 hoàn toàn tự động. Hệ thống pháo tự hành này sử dụng động cơ diesel tăng áp MTU 199TE20 với công suất lên đến 804 mã lực. Nhờ đó, pháo có thể chạy với vận tốc tối đa lên tới 103km/giờ trên địa hình bằng phẳng, tầm hoạt động hơn 1.000km.
Hệ thống pháo được trang bị vũ khí chính là pháo 155mm/L52 với tốc độ bắn 6-8 phát/phút, cơ số đạn là 30 viên. Pháo có tầm bắn tối đa là 30km với đạn tiêu chuẩn, 40km với đạn bắn tăng tầm và tối đa 56km với đạn phản lực. Vỏ giáp của RCH-155 có thể chống được sức công phá của đạn cỡ 14,5mm hay những mảnh đạn pháo.
MINH ANH (tổng hợp)