Quân sự thế giới hôm nay (20-5): Ukraine nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật

20/05/2024 06:29

Quân sự thế giới hôm nay (20-5-2024) có những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm bom dẫn đường bằng laser LGK-82 và LGK-84; Ukraine cải tiến hệ thống phòng không SA-8B, sử dụng tên lửa R-73; Fincantieri hạ thủy tàu hỗ trợ hậu cần LSS Atlante.

* Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm bom dẫn đường bằng laser LGK-82 và LGK-84

Bulgarian Military dẫn tin từ TurkDef cho biết, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã thử nghiệm độ chính xác của bom dẫn đường bằng laser LGK-82 và LGK-84, sử dụng máy bay chiến đấu F-16 làm phương tiện phóng. Những quả bom dẫn đường được thả từ độ cao 4.572m.

Các cuộc thử nghiệm sử dụng máy bay F-16 thuộc chương trình F-16 Ozgur. Trong chương trình này, F-16 đã được tích hợp thành công radar Murad AESA tiên tiến, giúp nâng cao khả năng của máy bay, cho phép nó thực hiện các chức năng không đối không, không đối đất, tìm kiếm cứu nạn và tác chiến điện tử trên không.

Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm bom dẫn đường bằng laser LGK-82 và LGK-84, sử dụng máy bay chiến đấu F-16 làm phương tiện phóng. Ảnh: TurkDef, Flicr, Reddit

Được phát triển bởi Aselsan, LGK-82 và LGK-84 là các bộ dẫn đường bằng laser tiên tiến nhằm tăng độ chính xác của bom. Bằng cách chuyển đổi vũ khí không dẫn đường thành vũ khí dẫn đường chính xác, LGK-82 và LGK-84 được tích hợp lên mặt trước của bom Mk-82 nặng 230kg và bom Mk-84 nặng 907kg. Được trang bị thiết bị tìm kiếm laser, bộ dẫn đường này cho phép quả bom nhắm chính xác vào các mục tiêu đã được chỉ thị bằng laser, cả trên không và trên mặt đất.

Bom sử dụng bộ thiết bị bao gồm mô-đun dẫn đường, cánh lái và thiết bị tìm kiếm tia laser. Mô-đun dẫn đường có nhiệm vụ xử lý tín hiệu từ thiết bị tìm kiếm laser và điều chỉnh các cánh lái để điều khiển quả bom bay chính xác về phía mục tiêu.

Ngoài việc tăng cường độ chính xác, bộ thiết bị này còn giúp nâng cao tầm bắn của bom. Theo đó, bom có thể được triển khai từ độ cao và khoảng cách lớn hơn, giảm rủi ro cho máy bay và tăng khả năng tấn công thành công. Đáng chú ý là bộ thiết bị Aselsan này không chỉ được chế tạo cho máy bay chiến đấu mà còn được thiết kế riêng cho máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển như Akinci và Anka.

* Ukraine cải tiến hệ thống phòng không SA-8B

Một bức ảnh chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội X OSINTTechnical ngày 18-5 cho thấy Ukraine đã nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn, cơ động cao 9K33M Osa (SA-8B) do Liên Xô phát triển bằng cách thay thế tên lửa 9M33 bằng tên lửa không đối không R-73.

SA-8B là bản nâng cấp của SA-8 có khả năng tấn công máy bay, trực thăng và máy bay không người lái. SA-8B được lắp đặt trên xe lội nước bánh lốp, đem lại tính cơ động cao trên nhiều địa hình.

Theo Army Recognition, thông thường, SA-8 được vận hành bởi tổ lái 4 người, bao gồm lái xe, chỉ huy, xạ thủ và trắc thủ radar. Theo hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội X, mỗi hệ thống SA-8B hiện mang theo một cặp tên lửa R-73 phóng từ đường ray, thay thế cho tên lửa 9M33 dạng hộp tiêu chuẩn.

Ukraine được cho là đã nâng cấp một số hệ thống phòng không SA-8B, sử dụng tên lửa không đối không R-73 lấy từ kho dự trữ của Không quân. Ảnh: Tài khoản mạng xã hội X OSINTTechnical 

R-73, định danh NATO là AA-11 Archer, là tên lửa không đối không tầm ngắn, thường được triển khai bởi máy bay chiến đấu. Nó được thiết kế để tấn công máy bay đối phương trong cận chiến và nổi tiếng nhờ tốc độ và khả năng dẫn đường hồng ngoại tiên tiến.

Đặc điểm chính của tên lửa R-73 là khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng, cho phép tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao. Tên lửa có hệ thống điều khiển vectơ lực đẩy nhằm tăng cường khả năng cơ động, đạt hiệu quả cao trong không chiến, phạm vi tác chiến lên tới 30km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao từ 500m đến 20km. R-73 được trang bị đầu đạn phân mảnh uy lực mạnh và đầu dò hồng ngoại, mang lại khả năng nhắm và tấn công mục tiêu ở mọi góc độ.

R-73 có thể được trang bị cho nhiều loại máy bay khác nhau, đồng thời tương thích với hệ thống quan sát gắn trên mũ bảo hiểm của phi công, tạo điều kiện thuận lợi cho phi công lấy phần tử bắn, khiến R-73 trở thành vũ khí đáng gờm trong không chiến tầm ngắn.

Việc Ukraine tích hợp tên lửa phòng không R-73 vào nền tảng 9K33M Osa giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng không tầm ngắn, cung cấp giải pháp linh hoạt và cơ động chống lại các mối đe dọa trên không.

* Fincantieri hạ thủy tàu hỗ trợ hậu cần LSS Atlante

LSS Atlante là tàu hỗ trợ hậu cần thứ hai trong kế hoạch hiện đại hóa Hải quân Italy. Tàu hỗ trợ hậu cần thứ nhất, Vulcano, được hạ thủy năm 2021. Việc hạ thủy diễn ra tại nhà máy đóng tàu Castellammare di Stabia.

Ngày 18-5, Công ty đóng tàu Fincantieri của Italy đã ra mắt tàu hỗ trợ hậu cần LSS Atlante mới cho Hải quân Italy. Ảnh: Fincantieri

LSS Atlante có thể vận chuyển hàng ở dạng chất lỏng như dầu diesel, nhiên liệu hàng không và nước ngọt và hàng rắn như phụ tùng, thực phẩm và đạn dược cho các đơn vị hải quân. Tàu còn có chức năng thực hiện các hoạt động sửa chữa và bảo trì trên biển. LSS Atlante được trang bị các hệ thống phòng thủ cung cấp khả năng chỉ huy và kiểm soát trong các tình huống chiến thuật, cũng như hệ thống liên lạc và phòng thủ răn đe không sát thương. Nó cũng có thể hỗ trợ các hệ thống phòng thủ phức tạp hơn, các thiết bị thu thập thông tin tình báo và tác chiến điện tử.

Tàu LSS Atlante có trọng lượng khoảng 27.000 tấn, dài 193 mét, đạt tốc độ 37 km/giờ. Nó có thể chở đoàn thủy thủ gồm 235 thành viên và các chuyên gia. Dự kiến, tàu LSS Atlante sẽ được chính thức bàn giao vào năm sau.

MAI HƯƠNG (Tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20-5-ukraine-nang-cap-he-thong-ten-lua-dat-doi-khong-chien-thuat-777608
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20-5-ukraine-nang-cap-he-thong-ten-lua-dat-doi-khong-chien-thuat-777608
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (20-5): Ukraine nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO