* Boeing sẽ sản xuất 184 trực thăng Apache cho Lục quân Mỹ và các đối tác, trong đó có Australia. Hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD này nâng tổng giá trị hợp đồng sản xuất trực thăng Apache của Boeing lên 2,1 tỷ USD và có thể sẽ tăng lên 3,8 tỷ USD trong tương lai gần.
Phó Chủ tịch Chương trình Trực thăng tấn công Christina Upah cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện chương trình tăng cường năng lực cho lực lượng trực thăng của Lục quân Mỹ và hỗ trợ cho các nước đối tác. Rất hoan nghênh Lục quân Australia đã lần đầu tiên trở thành khách hàng của Apache. Hợp đồng này cho thấy nhu cầu sử dụng trực thăng Apache đang tăng lên trên toàn thế giới”.
Hiện có 1.275 trực thăng Apache đang hoạt động trong quân đội các nước trên thế giới. Ảnh: Lục quân Anh |
Lục quân Mỹ sẽ nhận 115 chiếc Apache theo hợp đồng làm mới lại và 15 chiếc Apache đóng mới bổ sung các tính năng. 54 chiếc cũng sẽ được bàn giao cho các quốc gia đối tác. Hợp đồng này được trao cho Boeing sau khi đội trực thăng Apache của Lục quân Mỹ vượt mốc 5 triệu giờ bay, cho thấy trực thăng tấn công đa nhiệm này là rất linh hoạt và đáng tin cậy.
Trực thăng phiên bản Apache AH-64E sản xuất tại cơ sở của Boeing ở Mesa (Arizona) là trực thăng chiến đấu đa nhiệm tiên tiến nhất thế giới. Hiện có tổng cộng 1.275 trực thăng Apache đang hoạt động trong quân đội các nước trên thế giới.
* Hải quân Philippines mua hệ thống radar SharpEye Mk11 của Hensoldt UK. Hensoldt UK đã nhận được 2 hợp đồng từ Hyundai Heavy Industries đặt hàng hệ thống radar SharpEye Mk11 trang bị cho 6 tàu tuần tra xa bờ 2.400 tấn và 2 khinh hạm 3.200 tấn hiện đang được Hyundai Heavy Industries đóng mới cho Hải quân Philippines. Theo kế hoạch, Hải quân Philippines sẽ nhận bàn giao hệ thống radar này trong 4 năm nữa.
Hình ảnh mô phỏng radar SharpEye Mk11. Ảnh: Military Leak |
Radar SharpEye Mk11 được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận khi lắp đặt tích hợp với các hệ thống vận hành hành trình của tàu thủy trên đài chỉ huy. Bộ thu phát SharpEye nằm trên cùng, làm từ sợi carbon dễ lắp đặt và có độ tin cậy cao. Hệ thống truyền động trực tiếp giúp giảm chi phí bảo trì so với hộp số quay ăng-ten truyền thống. Radar sử dụng băng tần Kelvin Hughes Mk11 X kết hợp ăng-ten Hensoldt Iff cho hiệu suất phát hiện mục tiêu cao.
HENSOLDT là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu với phạm vi hoạt động toàn cầu, chuyên phát triển các thiết bị điện tử và quang điện tử phục vụ yêu cầu hoạt động quốc phòng. Với hơn 6.500 nhân viên, HENSOLDT đạt doanh thu 1,7 tỷ Euro vào năm 2022.
* Ngày 20-3-2003, Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Iraq. Hai mươi năm sau, một câu hỏi lớn về cuộc chiến vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, thu hút sự quan tâm và tranh luận của giới sử gia, học giả quan hệ quốc tế, giới quân sự, và thậm chí là cả các quan chức từng tham gia hoặc tham gia một phần vào cuộc chiến.
Câu hỏi đó không liên quan tới con số thương vong ở Iraq, cũng chẳng phải là về chi phí dành cho cuộc chiến, mặc dù đây cũng là 2 nội dung được rất nhiều người quan tâm. Về con số thương vong, Lầu Năm Góc đưa ra con số khoảng 4.700 lính Mỹ và khoảng 300.000 binh sĩ và thường dân Iraq trực tiếp thiệt mạng vì bom đạn. Chi phí cho cuộc chiến cũng không hề nhỏ, được ước tính ở mức 815 tỷ USD, không tính những thiệt hại do mất khả năng sản xuất của nền kinh tế Iraq. Câu hỏi cũng không phải là về một phần hậu quả của cuộc chiến là đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến hay là về việc Mỹ đã vô tình tạo ra một thế hệ theo chủ nghĩa thánh chiến mới và chống lại sự can thiệp của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell trình bày lý do Mỹ xâm lược Iraq bằng chiếc lọ nhỏ chứa vũ khí hóa học được cho là thu được từ Iraq. Ảnh: The New York Times |
Câu hỏi đó chỉ đơn giản là: “Vì sao Mỹ xâm lược Iraq?”
Câu trả lời có thực sự là như chính quyền Tổng thống George W. Bush tuyên bố trước ngày 20-3-2003 hay không? Chính quyền Mỹ khi đó tuyên bố Iraq phát triển, sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (vũ khí hóa học) và nước Mỹ phải ngay lập tức vô hiệu hóa kho vũ khí này. Thế nhưng cuối cùng thì kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq không hề và chưa bao giờ tồn tại. Câu trả lời cũng chẳng phải là như một số người Mỹ từng tin rằng chính quyền Iraq liên quan đến sự kiện ngày 11-9-2001 mà sau này được chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Nhiều người cũng cho rằng có lẽ lý do chính là dầu mỏ hoặc tầm ảnh hưởng của nước Mỹ đối với địa chính trị khu vực.
Dù câu trả lời chính xác có là gì thì có một thực tế cần phải soi chiếu vào. Đó là thông tin tình báo đã không chính xác hay “bị làm cho không chính xác” để phục vụ mục đích cuối cùng là xâm lược Iraq. 20 năm sau cuộc chiến, câu trả lời dù chưa có nhưng câu hỏi vẫn cần phải được trả lời chính xác để thế giới có thể ngăn chặn một cuộc chiến tương tự có thể xảy ra trong tương lai, tránh đổ máu nhiều hơn, tránh việc đưa thêm một đất nước vào vòng bất ổn trong nhiều năm một cách phi lý vì một thế lực nào đó, vì một lý do nào đó mà không ai chắc chắn.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)