* Ukraine sản xuất hàng loạt máy bay không người lái AQ 400 Scythe
Mới đây, Công ty Terminal Autonomy của Ukraine thông báo đã hoàn thành các khâu chuẩn bị cần thiết để sản xuất hàng loạt máy bay không người lái (UAV) cảm tử tầm xa AQ 400 Scythe.
UAV cảm tử AQ 400 Scythe. Ảnh: Terminal Autonomy |
Ban đầu, công suất sản xuất là 100 chiếc mỗi tháng. Tuy nghiên, công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất lên 500 chiếc mỗi tháng. Sự phát triển này đánh dấu những tiến bộ mới trong ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
AQ 400 Scythe có sải cánh rộng 2,3m, tốc độ bay 144 km/giờ, thời gian bay 6,5 giờ và tầm hoạt động 750km. UAV này có trọng lượng cất cánh 100kg, trong đó trọng tải mang theo từ 32 đến 70kg. Nó có thể phóng từ đường băng ngắn hoặc máy phóng.
Thiết kế đơn giản của nó cho phép lắp ráp và sản xuất hàng loạt nhanh chóng, điều này mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và cả chiến thuật. Khả năng phóng từ nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả máy phóng, khiến phương tiện này trở nên linh hoạt và phù hợp với nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Theo Army Recognition, công ty Terminal Autonomy hiện cũng đang sản xuất các máy bay không người lái nhỏ hơn, như AQV 120 Scalpel và AQ 100 Bayonet, có tải trọng khoảng 3kg. Việc triển khai máy bay không người lái AQ 400 Scythe mang lại lợi thế đáng kể cho Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra, cũng như đánh dấu một bước tiến mới trong việc tự chủ về quân sự và công nghệ của Ukraine.
* Mỹ và đồng minh khởi động “chiến dịch đặc biệt” bảo vệ Biển Đỏ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III vừa tuyên bố triển khai một chiến dịch đặc biệt để bảo vệ an ninh trên Biển Đỏ.
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường USS Carney (DDG-64) đánh chặn tổ hợp tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ ngày 19-10. Ảnh: US Navy |
Tuyên bố trên được đưa ra sau các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi vào các tàu chở hàng. Điều này khiến một số công ty vận tải buộc phải yêu cầu tàu của họ tạm dừng hành trình, không đi qua eo biển Bab el-Mandeb cho đến khi tình hình được giải quyết.
Được biết, chiến dịch đặc biệt này có tên gọi “Người bảo vệ thịnh vượng” (Operation Prosperity Guardian). Đây là một sáng kiến an ninh đa quốc gia, với sự tham gia của 10 quốc gia bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. “Liên minh này sẽ cùng nhau giải quyết các mối lo ngại về an ninh ở phía nam Biển Đỏ và Vịnh Aden, nhằm đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia và tăng cường an ninh khu vực”, Bộ trưởng Austin giải thích.
Trước đó, vào tháng 11, lực lượng Houthi đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV. Ngày 14-11, một tên lửa nhắm tới Eilat đã bị hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn. Ngày 15-11, tàu khu trục Mỹ USS Thomas Hudner cũng đã bắn hạ một chiếc UAV từ Yemen. Vào cuối tháng, lực lượng Houthi tiếp tục bắn một tên lửa hành trình về phía Eilat và bị một chiếc F-35 của Israel đánh chặn.
Tình hình leo thang căng thẳng vào tháng 12, lực lượng Houthi tăng cường tấn công các tàu chở dầu, chở hàng và một số tàu khác ở biển Đỏ, gây nguy hiểm cho tuyến đường biển này. Ngày 6-12, tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Mason đã bắn hạ một chiếc UAV. Ngày 10-12, tàu khu trục Languedoc của Pháp đã chặn hai UAV ở Biển Đỏ. Ngày 16-12, Hải quân Mỹ đã bắn hạ 14 UAV, trong khi Lực lượng Phòng không Ai Cập đã chặn một vật thể gần Dahab.
*Hàn Quốc phát triển hệ thống dò mìn bằng AI
Theo thông tin do nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc Hanwha Systems công bố, họ đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) của Hàn Quốc về việc phát triển hệ thống dò mìn hải quân tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn.
Hệ thống phát hiện bom mìn tích hợp công nghệ AI do Hanwha Systems phát triển. Ảnh: Hanwha Systems |
Theo đó, hệ thống dò mìn tự động này có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa mìn nhanh chóng, chính xác. Hệ thống này sử dụng AI để phân tích các bộ dữ liệu lớn, tận dụng các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) và các sonar mảng kéo để tìm kiếm và thu thập dữ liệu về môi trường dưới nước và mìn hải quân. Điều này giúp nâng cao khả năng của Hải quân Hàn Quốc trong việc phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ ngư lôi.
Dự án hợp tác này bao gồm giai đoạn nghiên cứu và phát triển kéo dài hai năm, sau đó là 6 tháng thử nghiệm. Hanwha Systems có kế hoạch cung cấp cho Hải quân Hàn Quốc cả phiên bản huấn luyện trên tàu và trên đất liền.
Những thách thức trong việc phát hiện ngư lôi là rất lớn, gây ra nhiều mối đe dọa đáng kể cho các tàu hải quân cũng như tàu buôn. Hải quân Hàn Quốc đang tích cực giải quyết vấn đề này thông qua đội tàu chuyên dụng và công nghệ tiên tiến. Hiện tại, Hải quân đang vận hành tàu quét mìn lớp Ganggyeong (MHC) và tàu quét mìn lớp Yangyang (MSH). Những tàu này giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hàng hải bằng cách phát hiện và vô hiệu hóa ngư lôi. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa khả năng của mình và giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng trong các biện pháp đối phó với mìn, Hải quân Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai dự án Tàu quét mìn II (MSH-II). Dự án này sẽ thay thế tàu quét mìn lớp Ganggyeong cũ và bổ sung cho lực lượng hải quân lớp Yangyang hiện đại.
Việc phát triển hệ thống dò mìn hải quân tích hợp trí tuệ nhân tạo của nhà thầu quốc phòng Hanwha Systems phản ánh xu hướng kết hợp các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, góp phần nâng cao năng lực của lực lượng chống mìn hải quân.
QUỲNH OANH (tổng hợp)